THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 10:01

Đình Phú Lễ nơi giữ hồn cốt của quê hương

09/12/2021 | 14:50
Cách huyện lỵ Ba Tri - tỉnh Bến Tre chừng 3 cây số là đình Phú Lễ - ngôi đình cổ gần 200 tuổi đẹp và uy nghi không chỉ của vùng biển Ba Tri. Đình nằm ở ấp Phú Khương, xã Phú Lễ.
Cảnh bên ngoài đình Phú Lễ.

Cảnh bên ngoài đình Phú Lễ.

Huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre là nơi lưu dấu nhiều giai thoại thể hiện ý chí kiên cường, quật khởi của con người nơi đây, nổi bật là câu chuyện “Ông già Ba Tri” Thái Hữu Kiểm đã đi bộ suốt nửa năm ròng từ Ba Tri ra đến triều đình Huế để đòi công lý cho một vụ kiện. Mảnh đất vùng biển này cũng là nơi an nghỉ của nhà thơ “Ðâm mấy thằng gian bút chẳng tà” Nguyễn Ðình Chiểu, của nhà giáo khí phách Võ Trường Toản, của chí sĩ Phan Ngọc Tòng đánh Tây, của vị Tiến sĩ đầu tiên ở Nam kỳ lục tỉnh Phan Thanh Giản… Ðặc  biệt, về Ba Tri, ai cũng ghé qua đình Phú Lễ - ngôi đình cổ gần 200 tuổi đẹp và uy nghi.

Di tích nghệ thuật Đình Phú Lễ

Văn bia còn lưu lại tại đình Phú Lễ cho biết, niên đại xây đình vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826) trên cơ sở ngôi đình bằng gỗ lá và được sắc phong vào năm Tự Ðức thứ 5 (1851). Kiến trúc hiện có của đình được xây dựng vào năm 1923 và lần sửa chữa lớn năm 1950. Thềm và móng được cấu trúc bằng đá xanh, bên trên xây gạch. Ðình gồm tất cả 10 gian: 6 gian chính dính liền với mái và 4 gian phụ bố trí theo lối chữ “Ðinh”. Lối xây dựng theo kiểu nhà chữ “Ðinh” cũng là nhà phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long trước đây. Ðình chính gồm võ ca, viên đường, thính đường, chánh đường và hậu đường. Cột đình bằng gỗ lim, gỗ quí hiếm ở miền Tây Nam bộ, đường kính 40cm, mái lợp ngói vảy cá.

Trong Đình gồm 6 bàn hương án đều sơn son thếp vàng với hình tượng long lân qui phụng rất tinh xảo theo mô típ của đình chùa cổ Việt Nam. Ðặc biệt là nghệ thuật chạm khắc nhiều tầng trên gỗ bao quanh các cột ở gian chánh đường cho thấy tay nghề lão luyện của người thợ ngày đó. Tương truyền, khi xây đình, các cụ cao niên trong vùng đã mời các thợ và nghệ nhân từ Huế vào chạm khắc nên những tác phẩm gỗ tuyệt đẹp này. Không chỉ là những hình ảnh các con vật tứ linh mang tính ước lệ của văn hóa cổ Việt Nam mà còn có cả hình ảnh con cá, con cua của vùng biển Ba Tri - những con vật bình dân cũng được đưa vào trong kiến trúc tạo hình. Sự hoành tráng, uy nghi của ngôi đình cho thấy cuộc sống trù phú và bề dày văn hóa của cư dân Phú Lễ nói riêng và vùng Ba Tri nói chung vào vào đầu thế kỷ trước.

Bên trong đình Phú Lễ.

Bên trong đình Phú Lễ.

Do chiến tranh và thời gian, các công trình kiến trúc và các hiện vật bài trí bên trong (hương án, cuốn thư, hoành phi, bình phong, bao lam, đồ lễ bộ…) đã bị xuống cấp và hư hỏng nhiều. Tuy nhiên, những phần cơ bản về kiến trúc vẫn còn nguyên, không bị bom đạn tàn phá, đặc biệt những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ sơn son, thếp vàng còn lưu giữ được đến hôm nay. Nhờ vậy, cho đến hiện tại, đình Phú Lễ là đình có quy mô lớn và đẹp nhất của các làng quê ven biển không chỉ của tỉnh Bến Tre. Nhưng làm nên nét đẹp của đình Phú Lễ còn nhờ hàng trăm cây dầu cổ thụ trăm tuổi bao quanh không gian đình làng.

Trung tâm tín ngưỡng của cộng đồng cư dân

Nhà tôi ở xã An Hiệp, cách đình Phú Lễ chừng năm, sáu cây số, thuở nhỏ, mỗi lần đi xe đạp xuống “miệt dưới” vẫn thường ghé hóng bóng mát của những tán cây cổ thụ này. Hiện nay, bóng mát các tán cây quí giá này không chỉ là điểm check in, là nơi chụp ảnh cưới của các bạn trẻ, mà còn là nơi dành cho các em học sinh trong và ngoài huyện Ba Tri đến trải nghiệm, tìm hiểu truyền thống văn hóa vào các ngày lễ Kỳ Yên, lễ cầu bông… Xa quê, nhưng mỗi năm về nhà ăn Tết, tôi vẫn hay ghé đình Phú Lễ, thăm những tàn cây trăm năm tuổi vươn tán cùng đình làng, bóng mát vẫn chở che cho bao thế hệ.

Ðình Phú Lễ là trung tâm tín ngưỡng của cộng đồng cư dân, là nơi dân làng gửi gắm những mong ước của mình vào vị thần phò trợ cho làng, được Nhà nước sắc phong là Thành hoàng Bổn cảnh. Ngoài thần Thành hoàng, các vị Tiền hiền, Hậu hiền có công khai phá, lập làng cũng được nhân dân đưa vào đình thờ phụng. Ðình là trung tâm sinh hoạt văn hóa, lễ hội của dân làng. Một thời, đình còn là trung tâm hành chính của làng. Ðây là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của địa phương.

Học sinh Trường Trung học Phan Thanh Giản – Ba Tri trải nghiệm lễ Kỳ Yên ở đình Phú Lễ.

Học sinh Trường Trung học Phan Thanh Giản – Ba Tri trải nghiệm lễ Kỳ Yên ở đình Phú Lễ.

Ðình Phú Lễ được Bộ Văn hoá - Thông tin ra quyết định công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào tháng 1/1993.

Hàng năm, vào tháng ba Âm lịch, ngày 18 - 19, đình tổ chức lễ hội Kỳ Yên để cầu phúc cho dân làng, cầu mong được mưa thuận gió hòa. Ngày 9 - 10 tháng 11 Âm lịch, đình tổ chức lễ cầu bông, cầu mong mùa màng bội thu.

Nam Bộ là vùng đất mới, các di tích kiến trúc lịch sử thuần Việt không nhiều và cũng rất ít các hội làng kiểu như miền Bắc. Vì vậy, đình Phú Lễ là “của hiếm” và hội đình Phú Lễ hàng năm là một sự kiện quan trọng của người dân trong vùng và một số nơi xa của các tỉnh miền Tây Nam bộ cũng đến tham dự. Phần lễ và phần hội diễn ra ở đình. Phần lễ trong hội đình Phú Lễ gồm có rước sắc thần, tế lễ Thành hoàng, Tiền hiền, Hậu hiền. Phần hội có hát bội và ca nhạc tài tử, hát sắc bùa… Hai năm nay, do dịch Covid -19 nên đình Phú Lễ tạm ngưng các hoạt động này. Cầu mong hết dịch, ngày hội đình làng lại rộn rã như xưa vào lễ Kỳ Yên, lễ cầu bông…

Hiền Long
Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

5 tháng trước

Nhằm động viên, chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường và các em học sinh vùng khó khăn, các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại xã Phình Hồ...
Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho trẻ em khuyết tật

Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho trẻ em khuyết tật

2 năm trước

Vừa qua, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Chương trình Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 – 2025.
Nghệ An phát động chiến dịch truyền thông phòng, chống đuối nước cho trẻ em

Nghệ An phát động chiến dịch truyền thông phòng, chống đuối nước cho trẻ em

2 năm trước

Sáng ngày 03/11, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức Lễ phát động chiến dịch truyền thông phòng, chống đuối trẻ em trên địa bàn tỉnh. Tham dự Lễ phát động tại điểm cầu Trung ương có ông...
Tỷ lệ trẻ em mắc Covid-19 ở Đồng tháp cao nhất từ trước đến nay

Tỷ lệ trẻ em mắc Covid-19 ở Đồng tháp cao nhất từ trước đến nay

2 năm trước

Trẻ em ở Đồng Tháp nhiễm Covid-19 chiếm tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay. Tỉnh đang tính cực chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền thông điệp 5K, đẩy nhanh tiêm vaccine...