THỨ SÁU, NGÀY 17 THÁNG 05 NĂM 2024 10:25

Đoàn kết, năng động, sáng tạo, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giai đoạn 2020 - 2025

17/11/2020 | 15:55

Kết quả xuất sắc từ các phong trào thi đua

Phát biểu khai mạc Đại hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Trong suốt 75 năm qua, ngành  Lao động – Thương binh và Xã hội đã đồng hành và liên tục đổi mới cùng đất nước, góp phần tích cực vào công cuộc dựng xây và bảo vệ Tổ quốc. Ngành luôn thực hiện phương châm đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo và hiệu quả, cùng đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi, nhất là trong xây dựng thể chế, thực hiện những nhiệm vụ đột phá trong giải quyết những vấn đề khó, vấn đề mới và nhiều nội dung chưa có tiền lệ. Kết quả đó đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng những phần thưởng cao quý.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, các đồng chí lãnh đạo Bộ cùng các đại biểu tại Đại hội.

Theo Báo cáo Tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2015 - 2020, phương hướng nhiệm vụ 5 năm 2021 – 2025 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn 2015 - 2020, công tác tổ chức thực hiện phong trào thi đua và công tác khen thưởng được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo; các đơn vị tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi, với các hình thức thi đua đa dạng, phong phú, có sức lan tỏa, nội dung thi đua bám sát thực hiện nhiệm vụ chính trị gắn kết với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Phong trào thi đua được các đơn vị hưởng ứng và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức, gắn thi đua với nhiệm vụ chính trị của từng tập thể và cá nhân. Các đơn vị đã xây dựng được chỉ tiêu thi đua cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình. Phong trào thi đua đã đánh dấu bước phát triển mới của Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, đã động viên và tập hợp được sức mạnh, phát huy được sức sáng tạo, đem lại hiệu quả trong việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch của Ngành giai đoạn 2016-2020.


Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Đại hội

Hệ thống chính sách pháp luật về lao động, người có công và xã hội không ngừng được hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế... Trong đó, Bộ đã nghiên cứu, đánh giá một cách đầy đủ, khoa học việc thực hiện Bộ luật Lao động năm 2012 để tham mưu, trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV với nhiều điểm mới và thay đổi nhằm bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của cả người lao động và người sử dụng lao động; thực hiện đúng chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp hơn các cam kết và thông lệ quốc tế về lao động; tham mưu, trình Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương khu vực sản xuất, kinh doanh, trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành trong Nghị quyết số 27-NQ/TW. Hoàn thành 100% các đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đảm bảo chất lượng, tiến độ, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.


Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại Đại hội

Các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành hầu hết đều đạt kế hoạch ở mức cao nhất. Mỗi năm cả nước tạo việc làm cho gần 1,6 triệu lao động; giáo dục nghề nghiệp cho trên 1,8 triệu người; đưa khoảng trên 120 ngàn người đi làm việc ở nước ngoài, đạt 100,6% chỉ tiêu kế hoạch. Trong 5 năm qua, cả nước đã đóng góp xây dựng Quỹ đền ơn, đáp nghĩa gần 1.500 tỷ đồng, xây mới trên 55.600 ngôi nhà tình nghĩa, sửa chữa hơn 39.000 ngôi nhà của các đối tượng xã hội; tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội với hình thức hỗ trợ thích hợp; các chỉ tiêu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cơ bản vượt kế hoạch đề ra.



Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Vụ Bảo hiểm xã hội

Cũng trong giai đoạn 2016 - 2020, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ, Ngành đã trình các cấp có thẩm quyền khen thưởng: 75 Huân chương các loại cho  tập thể, cá nhân; 03 Danh hiệu Thầy thuốc ưu tú cho cá nhân; 02 Danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho cá nhân; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 779 tập thể, cá nhân; Cờ Thi đua của Chính phủ cho 12 tập thể; Cờ thi đua của Bộ cho 288 tập thể; Chiến sĩ thi đua cấp Bộ cho 32 cá nhân;  Danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở” cho 2.827 tập thể, cá nhân; Bằng khen của Bộ trưởng cho 12.857 tập thể, cá nhân; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Lao động - Thương binh và Xã hội cho trên 8.000 cá nhân.



Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trao Cờ thi đua của Chính phủ và Bằng khen của Thủ tướng cho các tập thể tại Đại hội

Trong các phong trào thi đua sôi nổi của Ngành đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu, có nhiều thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động, Cờ Thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ như: Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Cục Bảo trợ xã hội, Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng, Trung tâm Phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ khuyết tật, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long; Trường Đại học Lao động - Xã hội; Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất; Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II; Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành...

Các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố như Vĩnh Phúc, Nam Định, Bắc Giang, Nghệ An, Tiền Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Hậu Giang, Kiên Giang, Bến Tre, 5 năm qua đều là những tập thể tiêu biểu, có nhiều thành tích xuất sắc, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động, Cờ Thi đua của Chính phủ và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều địa phương có những cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác.

Bên cạnh các tập thể điển hình tiên tiến, trong các phong trào thi đua yêu nước của Ngành còn xuất hiện nhiều tấm gương cá nhân tiêu biểu xuất sắc, nổi bật, thực sự là những đóa hoa tươi thắm trong vườn hoa muôn sắc, màu của Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, tiêu biểu như: Thầy thuốc Ưu tú Lương Ngọc Cương, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Phục hồi chức năng tâm thần Việt Trì, người đã có nhiều năm gắn bó với công tác chăm sóc, điều trị cho người bệnh tâm thần; Bà Trần Cẩm Nhung, Uỷ viên hội đồng bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, đã có sáng kiến tặng 50 tỷ đồng cho việc thành lập quỹ Đền ơn đáp nghĩa “Tấm lòng tri ân” dành cho những người có công với cách mạng và thân nhân của họ trao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng, Vụ Hợp tác quốc tế, có trên 30 năm công tác trong ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, đã tích cực tham mưu cho Bộ những chủ trương, chính sách lớn về quan hệ quốc tế với các đối tác đa phương, song phương, ASEAN, phi chính phủ và các giải pháp tăng cường sự hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới trong các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội. Ông Mã Chí Thanh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng đã cùng với tập thể Ban Giám đốc Sở tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu quan trọng trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Bà Vương Thị Liễu, Nhân viên Bảo mẫu, Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh đã có 22 năm gắn bó với công việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Bà Nguyễn Thị Hường, Phó Giám đốc Cơ sở Cai nghiện Ma túy số I thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình. Hàng năm cơ sở do bà làm Phó Giám đốc đã tiếp nhận, cai nghiện chữa trị cho hơn 800 lượt người nghiện ma túy; học viên vào Cơ sở có độ tuổi từ 18 - 30 chiếm 40%, từ 30 trở lên chiếm 60%...

Các phong trào thi đua cần lấy con người là chủ thể và trung tâm của quá trình phát triển

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao kết quả các phong trào thi đua và công tác khen thưởng của toàn ngành Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian qua. Phó Chủ tịch nước cũng đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước và Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tham gia thực hiện có hiệu quả 4 Phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng Chính phủ phát động; thực hiện nghiêm việc đôn đốc, kiểm tra, sơ kết tổng kết các phong trào thi đua, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu điển hình tiên tiến để biểu dương tôn vinh, khen thưởng kịp thời; coi trọng và thực hiện đồng bộ việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết nhân điển hình tiên tiến để tạo sự lan tỏa trong ngành cũng như trong toàn xã hội; kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động tham mưu của Hội đồng Thi đua Khen thưởng các cấp và đội ngũ cán bộ chuyên trách thi đua, khen thưởng trong ngành.

Các tập thể, cá nhân nhận khen thưởng tại Đại hội

Với mục tiêu tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh về tư tưởng chính trị, tổ chức và đạo đức, phát huy vai trò hạt nhân chính trị của các tổ chức cơ sở Đảng phát huy vai trò tiền phong gương mẫu và trách nhiệm của cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp và người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và tích cực tham gia các phong trào thi đua, nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng và thực hiện các chính sách lao động, người có công và xã hội trên quan điểm gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, lấy con người là chủ thể và trung tâm của quá trình phát triển, Phó Chủ tịch nước đề nghị ngành cần tập trung vào một số trọng tâm sau:

Thứ nhất, tổ chức thi hành Bộ luật Lao động có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, rà soát quy hoạch và phát triển mạng lưới giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng liên thông trong giáo dục nghề nghiệp, chú trọng lao động nông thôn và đẩy mạnh xuất khẩu lao động lành mạnh, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển thị trường lao động hiện đại.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công, đề xuất, nâng mức trợ cấp cho người có công phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước, xử lý dứt điểm các tồn đọng về xác nhận công nhận người có công cũng như lắng nghe giải quyết kịp thời các đề xuất, kiến nghị của người có công, giải quyết dứt điểm khen thưởng thành tích kháng chiến và tiếp tục rà soát việc đề nghị phong tặng truy tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam Anh hùng theo tiêu chuẩn quy định.

Thứ ba, hoàn thiện chính sách xã hội theo hướng tăng cường gắn kết xã hội, phát huy các giá trị văn hóa con người Việt Nam và sức mạnh đại đoàn kết để phát triển bền vững, phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện tiến tới bao phủ toàn dân; phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế, mở rộng chính sách trợ giúp và thực hiện tốt các quyền trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thúc đẩy bình đẳng giới và quan tâm phòng ngừa các tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy.

 

Quang cảnh Đại hội

Phát biểu bế mạc Đại hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Kế thừa những thành tựu của 70 năm qua, toàn ngành sẽ nỗ lực hơn quyết tâm hơn, cố gắng hơn để mỗi tập thể mỗi cá nhân trong 5 năm tới đạt nhiều thành tựu hơn. Theo đó, Hội đồng Thi đua Khen thưởng của Bộ cần cụ thể hóa chỉ đạo của Phó Chủ tịch nước tập trung cho con người, phát triển kinh tế đi đôi với hài hòa và đảm bảo công bằng, tiến bộ trong từng chính sách, từng việc làm trong từng chương trình, dự án như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khi tổng kết nghị quyết Trung ương 5 khóa 11 về chính sách an sinh xã hội và kết luận của Bộ Chính trị ban hành ngày 5/11/2020. Tiếp đó là đẩy mạnh phong trào thi đua trong toàn ngành cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội thi đua toàn quốc thời gian tới đây cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trọng tâm là thực hiện tốt 4 phong trào thi đua của toàn ngành, nhất là phong trào thi đua cả nước chung tay vì người nghèo, phong trào thi đua toàn ngành kỷ cương sáng tạo, hiệu quả, lấy đổi mới sáng tạo làm thước đo để đánh giá sự tiến bộ của toàn Ngành.

Thùy Hương/Tạp chí Gia đình và Trẻ em

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

5 tháng trước

Nhằm động viên, chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường và các em học sinh vùng khó khăn, các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại xã Phình Hồ...