CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 05 NĂM 2024 08:29

Đoàn Việt Nam tham dự Kỳ thi Tay nghề Thế giới 2019: Hy vọng đổi màu huy chương

18/06/2019 | 14:41
 
Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN kiểm tra công tác huấn luyện thí sinh dự thi Tay nghề Thế giới lần thứ 45 tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn
 
Từ những điểm mới của kỳ thi...
 
Kỳ thi Tay nghề Thế giới năm nay được tổ chức tại Kazan, Liên bang Nga, thu hút 1.521 thí sinh tham dự, tăng 21,5% so với Kỳ thi Tay nghề Thế giới lần thứ 44 năm 2017. Các thí sinh đến từ 67 quốc gia trên thế giới và tranh tài ở 56 nghề thi.
 
Kỳ thi năm nay có nhiều điểm mới, trong đó 42/56 nghề thi sẽ được tổ chức thi theo cơ chế mới so với các kỳ thi lần trước; 30/56 nghề thi được thiết kế độc lập từ bên ngoài, bao gồm cả việc điều chỉnh 30% đề thi chính thức trước ngày thi; bên cạnh 56 nghề thi chính thức, còn có 15 nghề về kỹ năng tương lai (future skills), trong đó có 9 nghề thi trình diễn.
 
... đến sự chuẩn bị chu đáo của đoàn Việt Nam
 
Tham dự Kỳ thi Tay nghề Thế giới là một vinh dự nhưng cũng là áp lực, trách nhiệm to lớn. Do vậy, ngay từ cuối năm 2018, Ban tổ chức Kỳ thi Tay nghề Quốc gia (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã lên kế hoạch, xác định lựa chọn thí sinh, chuyên gia và đơn vị huấn luyện một cách đồng bộ, bài bản và khoa học. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng đã đăng ký sơ bộ các nghề thi với Ban tổ chức Kỳ thi Tay nghề Thế giới và đang trình lãnh đạo Bộ LĐTBXH phê duyệt với 19 nghề chính thức sẽ tham dự kỳ thi (nhiều nhất từ trước đến nay), bao gồm: Thiết kế kỹ thuật cơ khí - CAD; Cơ điện tử; Phay CNC; Tiện CNC; Công nghệ nước; Giải pháp phần mềm CNTT; Xây gạch; Điện tử; Ốp lát tường và sàn; Lắp cáp mạng thông tin; Điện lạnh; Sơn ô tô; Kỹ thuật khuôn đúc nhựa; Khuôn mẫu; Gia công kim loại tấm; Kỹ thuật số 3D; Lắp đặt điện; Hàn và Thiết kế các kiểu tóc. Các thí sinh tham dự các nghề này đều đến từ những cơ sở GDNN uy tín trên cả nước như: Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM, Trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị, Trường Trung cấp nghề kỹ thuật công nghệ Hùng Vương...
 
Theo Tổng cục GDNN, trong các nghề đăng ký dự thi, có 6 nghề sử dụng ngân sách Nhà nước và 13 ngành nghề còn lại sử dụng 100% nguồn kinh phí tài trợ của các cơ sở GDNN, các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Các nghề này đều có nhu cầu lao động lớn, trong đó phần lớn các nghề đã đạt thành tích tốt tại các Kỳ thi Tay nghề Thế giới và Kỳ thi Tay nghề ASEAN. Riêng 6 ngành nghề sử dụng ngân sách Nhà nước đều có thí sinh đoạt huy chương tại Kỳ thi Tay nghề ASEAN năm 2018 và đáp ứng đủ điều kiện về độ tuổi để tham dự Kỳ thi Tay nghề Thế giới năm 2019.
 
 
Thí sinh Nguyễn Tấn Toàn - sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long (người từng đoạt Huy chương Vàng Kỳ thi Tay nghề ASEAN lần thứ 12 năm 2018 tại Bangkok, Thái Lan) đang được huấn luyện nghề Lắp cáp mạng thông tin để tham dự Kỳ thi Tay nghề Thế giới. Ảnh: Đức Hải
 
Để kỳ thi đạt kết quả cao nhất, thời gian qua, Tổng cục GDNN đã tích cực phối hợp với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, một số cơ sở GDNN và doanh nghiệp trong nước tích cực hỗ trợ huấn luyện thí sinh và chuyên gia dự thi đối với các nghề không sử dụng ngân sách Nhà nước như: Thiết kế kỹ thuật cơ khí - CAD, Cơ điện tử, Phay CNC, Tiện CNC, Lắp đặt điện…
 
Ban tổ chức Quốc gia Kỳ thi Tay nghề Thế giới cũng thường xuyên đi kiểm tra và động viên các thí sinh và chuyên gia huấn luyện tại Hà Nội và TP.HCM. Qua kiểm tra các cơ sở cho thấy, lãnh đạo các trường có thí sinh tham dự kỳ thi đều tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cho công tác huấn luyện; có kế hoạch cụ thể và dành kinh phí thỏa đáng cho công tác này. Các chuyên gia cũng rất tích cực và phát huy hiệu quả việc tham gia các forum, diễn đàn của kỳ thi; nắm chắc diễn biến ra đề và cụ thể công nghệ tác động tới việc ra đề để bảo đảm công tác huấn luyện theo 4 yếu tố: chuyên nghiệp, hội nhập, sáng tạo và quản lý rủi ro; mô phỏng không gian của kỳ thi để thí sinh làm quen, đặc biệt, bước đầu cho thí sinh làm việc theo múi giờ của Nga. Trong công tác huấn luyện, các chuyên gia đã tập trung vào xử lý các lỗi mà thí sinh dễ gặp phải trong quá trình thi; tìm hiểu, phân tích các yêu cầu của nghề để đưa ra được yêu cầu về kỹ năng thực hiện bài thi; chú trọng tới công nghệ mới, vật liệu mới, yêu cầu kỹ năng mới...; từ đó giúp các em tự tin và thực hiện bài thi tốt nhất. Các thí sinh cũng rất cố gắng học hỏi và hoàn thiện kỹ năng của mình trong quá trình huấn luyện. 
 
Bên cạnh đó, các cơ sở huấn luyện còn có giải pháp cho các phiên dịch tiếp cận thí sinh và chuyên gia, đề thi; tổ chức cho các thí sinh đã đạt huy chương tại kỳ thi tay nghề thế giới chia sẻ kinh nghiệm; tranh thủ kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế...
 
Tại Kỳ thi Tay nghề Thế giới lần thứ 44, Việt Nam có 12 thí sinh, dự thi ở 11 nghề và đã đạt được: 1 huy chương Đồng và 5 Chứng chỉ Kỹ năng nghề xuất sắc. Với sự đầu tư chu đáo, chuyên nghiệp cả về thời gian, thiết bị, công sức, sự nhiệt huyết của các chuyên gia cùng sự cố gắng, nỗ lực hết mình của các thí sinh, tin rằng đoàn Việt Nam tham dự Kỳ thi Tay nghề Thế giới lần thứ 45 sẽ đạt được mục tiêu đổi màu huy chương, mang lại vinh quang cho Tổ quốc, tạo niềm cảm hứng góp phần nâng cao chất lượng GDNN trong thời gian tới.

Đức Dương/TC GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

7 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.