CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 05 NĂM 2024 11:43

Doanh nhân Trần Uyên Phương: Duy trì giá trị gia đình và nỗ lực vươn lên toàn cầu

31/10/2018 | 15:07
“Cuốn sách này có thể chưa phải là áng văn tuyệt vời về chất văn, chất lãng mạn, chất thơ, nhưng là cuốn sách tuyệt vời về câu chuyện kinh doanh, về sức sáng tạo, sức sống của con người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam… Đã đến lúc dân tộc Việt, doanh nghiệp Việt không chỉ dám bắt kịp thế giới, nỗ lực bắt kịp thế giới mà còn dám đi cùng với thế giới và hơn hết là vượt lên thời đại” -Tiến sĩ Võ Trí Thành. 

Nữ doanh nhân Trần Uyên Phương -  Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát.
 
Dám ước mơ lớn và hành động mỗi ngày 
 
Cuốn sách “Competing with Giants” (tạm dịch là “Vượt lên người khổng lồ”) là câu chuyện hấp dẫn về cách “giá trị gia đình” mang đến cho các doanh nhân lợi thế cạnh tranh, về cách gia đình Tân Hiệp Phát tạo ra một đế chế trị giá hàng tỷ USD. Phiên bản tiếng Việt của “Competing with Giants” sẽ ra mắt chính thức độc giả tại Việt Nam vào tháng 11 tới.
 
Chào Uyên Phương, năm ngoái chị đã ra cuốn sách “Chuyện nhà Dr. Thanh”, với lượng ấn bản “khủng” đạt gần 5 vạn cuốn. Câu chuyện nào đã thôi thúc chị viết cuốn sách “Competing with Giants”?
 
Khi tôi tham gia khóa học dành cho các nhà lãnh đạo tại Đại học Harvard năm 2010, lớp học có 180 doanh nhân đến từ 80 quốc gia. Khi được hỏi về nền văn hóa của một doanh nghiệp địa phương, tôi là người duy nhất dám mang câu chuyện của công ty gia đình mình để kể cho toàn lớp học. Câu chuyện kể về cách ba mẹ tôi gây dựng Tân Hiệp Phát, tạo thương hiệu, cạnh tranh với doanh nghiệp đa quốc gia, bằng văn hóa doanh nghiệp và sức chiến đấu bền bỉ của họ cùng toàn thể công ty. Cả giảng viên và các bạn học đều tâm đắc với câu chuyện này. Đặc biệt, người thầy của tôi ngỏ ý muốn tôi viết một cuốn sách nhỏ để dành cho các khóa học sau tham khảo. Thay vì viết sách chỉ cho riêng nhà trường, tại sao không viết hẳn cuốn sách cho thế giới biết đến hình ảnh của doanh nghiệp Việt Nam? Và ý tưởng viết sách nhen lên trong tôi từ đó. Tôi đã cùng hai đồng tác giả là nhà báo Jackie Horne (người Anh) và chuyên gia kinh tế John Kador (người Mỹ) viết nên cuốn sách này.
 
Gia đình nữ doanh nhân Trần Uyên Phương.
 
Chị yêu thích nhất phần nào trong cuốn sách, và đâu là điều chị muốn truyền cảm hứng tới độc giả nhất?
 
Qua cuốn sách, độc giả thấy được bức tranh kinh tế Việt Nam hơn 30 năm qua, giai đoạn chuyển đổi từ cơ chế kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường, với vai trò ngày càng lớn mạnh của các doanh nghiệp tư nhân và sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. 
 
Cảm hứng chủ đạo trong sách là làm sao để một doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn khởi sự và cạnh tranh với những ông lớn trong ngành. Bằng việc kiên quyết giữ vững một tập hợp các giá trị mạnh mẽ và hướng đến một tầm nhìn, chúng tôi đã có thể tăng trưởng, cung cấp việc làm cho hơn 5.000 gia đình, và xây dựng nên 3 thương hiệu mạnh. Bạn sẽ tìm thấy trong cuốn sách này động lực phát triển, đó là lòng quyết tâm của cha tôi. Ông ấy luôn dạy tôi rằng: Không gì là không thể.
 
Phương Đông và phương Tây có thể học hỏi lẫn nhau. Các doanh nghiệp thuộc sở hữu gia đình đang phát triển mạnh. Phụ nữ châu Á đang tạo nên dấu ấn. Và khi các công ty nhỏ kết hợp kiến thức bản địa cùng với những ý tưởng kinh doanh quốc tế, họ có thể nắm chắc cơ nghiệp của mình và thậm chí còn vượt trội hơn các tập đoàn đa quốc gia.
 


Cuốn sách "Competing with Giants" thêm phần ý nghĩa với chữ ký của nữ tác giả - nữ doanh nhân Trần Uyên Phương.
 
Hiểu thêm về giá trị gia đình
 
Từ khi nào chị bắt đầu thấu hiểu giá trị gia đình, tinh thần gắn kết mà cha chị - ông Trần Quí Thanh muốn truyền tải?
 
Đó là vào lúc mẹ tôi không khỏe cách đây vài năm. Chứng kiến cảnh ba tôi cư xử, thể hiện yêu thương bằng một cách rất riêng của ông, tôi mới hiểu thêm về giá trị gia đình, về cá tính của ba. Tôi nhận ra, làm một người lãnh đạo ở cả công ty và trong tổ ấm, khó khăn vô cùng.
 
Triết lý đó một lần nữa củng cố trong lòng chúng tôi khi ba từ chối lời đề nghị mua lại của Coca Cola. Họ sẵn sàng chi 2,5 tỷ USD để mua lại công ty nhưng lại không giúp chúng tôi hiện thực hóa tầm nhìn mở rộng ra khắp châu Á và xa hơn nữa, với những nhãn hàng mới và hấp dẫn.
Khi từ chối Coca Cola, ba tôi nói: "Phải nhận ra giá trị của công ty là gì và bảo vệ giá trị đó đến cùng, cho dù phải đối diện với những người lớn hơn chúng ta gấp nhiều lần". Triết lý đó không phải là thứ ngày một ngày hai có được trong chúng tôi.
 
Để gìn giữ được giá trị này và văn hóa gia đình, vai trò và nhiệm vụ của thế hệ kế thừa rất quan trọng. Tôi và em gái phải luôn nỗ lực chứng minh với người sáng lập doanh nghiệp rằng chúng tôi có đủ năng lực, bản lĩnh và trải nghiệm để thấu hiểu tâm tư của nhà sáng lập và trân quý giá trị cốt lõi của doanh nghiệp như chính tổ ấm của mình.
 
Xin cảm ơn chị.

Ông Hiroshi Otsuka, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Musashi Seimitsu, Nhật Bản nhìn nhận đây là cuốn sách phải đọc, bởi đó là “Một cái nhìn từ bên trong không thể bỏ qua để hiểu cách nào và vì sao các doanh nghiệp Việt Nam đang âm thầm vươn lên thành các tay chơi toàn cầu".
 
 

Việt Cường (thực hiện)/GĐTE

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

2 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.