THỨ NĂM, NGÀY 02 THÁNG 05 NĂM 2024 09:39

Dốc cạn tiền tìm cách đẻ con

27/07/2023 | 07:36
Ngồi ở hành lang Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Bưu điện, chị Oanh nhìn chồng đang đếm từng đồng tiền lẻ, nghĩ không còn cơ hội có con vì "sức cùng, lực kiệt".

Kết hôn năm 2019, chị Oanh 23 tuổi, sẩy thai ba lần trong hai năm. Trong đó, hai lần mất thai ở tuần thứ 8, một thai mất khi đã 19 tuần. "Tôi không may mắn", chị nói.

Vợ chồng đến Bệnh viện Bưu điện khám, bác sĩ kết luận "không thể mang thai tự nhiên". Lý do: Chồng mang nhiễm sắc thể (NST) bất thường. NST này khiến thai không thể phát triển nếu mang thai tự nhiên, can thiệp bơm tinh trùng vào tử cung (IUI) cũng thất bại.

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, tư vấn hai vợ chồng thụ tinh nhân tạo (IVF) để có con. IVF là phương pháp hỗ trợ sinh sản bằng cách kết hợp tinh trùng của chồng và trứng của vợ trong phòng thí nghiệm, rồi đưa phôi vào tử cung để bắt đầu thai kỳ. Do điều kiện khó khăn, chị từ chối, về nhà uống thuốc do người quen mách.

Hai vợ chồng kinh doanh tự do, lương "ba cọc, ba đồng". Chị Oanh không nhớ đã gặp bao nhiêu thầy lang, sắc mấy trăm nồi thuốc, chỉ biết tài sản trong nhà lần lượt ra đi, mỗi căn nhà không thể bán. Sau đó, anh Nam động viên vợ quay lại bệnh viện thụ tinh nhân tạo. Bố mẹ hai bên hỗ trợ một phần kinh phí. Trước đó, chị gửi hồ sơ lên bệnh viện nên hỗ trợ 30 triệu đồng, chi phí cần trả còn khoảng 150 triệu đồng.

Theo bác sĩ Nhã, hai vợ chồng IVF được 4 phôi, nuôi ngày 5 còn hai phôi, xét nghiệm sàng lọc tiền làm tổ một phôi bất thường, duy nhất một phôi khỏe mạnh. May mắn, chị đậu thai ngay lần chuyển phôi đầu tiên, thai kỳ diễn ra bình thường. Tháng 5/2022, chị chuyển dạ, bé gái chào đời nặng 3 kg, khỏe mạnh.

Ôm con gái còn đỏ hỏn trên tay, chị Oanh ước làm IVF ngay từ đầu thì không suy kiệt cả về tinh thần, sức khỏe và kinh tế. Suốt 4 năm, hai vợ chồng tiêu tốn hơn 500 triệu đồng, mà theo anh Nam "làm lụng cả đời chưa chắc đã có".

Kém may mắn hơn, chị Kim 49 tuổi và anh Sơn 55 tuổi, sau 17 năm hiếm muộn, 10 lần thụ tinh nhân tạo, đến mức "không dám nghĩ sẽ có con". Vợ chồng kết hôn năm 2002, chị từng mang thai nhưng bị chết lưu. Từ đó, vợ chồng liên tục chạy chữa, "ai mách gì chữa nấy" song không thành. Hầu hết lần chuyển phôi vào tử cung đều thành công, song chỉ được một đến hai tháng là hỏng. Năm 2018, chị mang thai đôi, đến tháng 4 bất ngờ bị đau bụng, chảy máu, cuối cùng cũng không giữ được.

Một năm sau, chị đến Bệnh viện Bưu điện can thiệp, cũng là lần thứ 10 làm IVF. Bác sĩ xác định chị bị xoắn đáy tử cung, phải phẫu thuật trước. Khi sức khỏe ổn định, tháng 10/2019, chị làm IVF, được 12 phôi. Sau đó, chị chuyển vào tử cung hai phôi, đậu một thai. Tuần thai thứ 35, chị bị tăng huyết áp nên phải mổ cấp cứu, may mắn hai mẹ con đều an toàn. Từ ngày sinh con, chị hay trêu chồng "có con xong thì tán gia, bại sản". Còn với anh Nam, con gái là "ánh sáng cuối đường hầm".

Chi phí chữa trị trong 17 năm lên tới hàng tỷ đồng, anh chị phải bán nhà và ôtô, ở chung với người em, song hiện vẫn còn khoản nợ 500 triệu đồng được họ hàng cho trả dần. Nhớ lại những lúc túng bấn phải vay mượn tiền đi chữa trị, anh Nam ước: "Phải chi bảo hiểm y tế chịu thanh toán, một phần thôi, cũng đỡ gánh nặng rất nhiều".

ThS.BS Vương Vũ Việt Hà - Phó Giám đốc TT Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện đang thu hoạch noãn cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

ThS.BS Vương Vũ Việt Hà - Phó Giám đốc TT Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện đang thu hoạch noãn cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ vô sinh cao trên toàn cầu và ngày càng trẻ hóa, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tỷ lệ vô sinh hiếm muộn của các đôi vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ở nước ta là 7,7% - khoảng một triệu cặp, theo Bộ Y tế. Trong đó, hơn 50% là hiếm muộn thứ phát, tức đã có thai hoặc đẻ con ít nhất một lần nhưng không thể có con tiếp, tăng 15-20% mỗi năm.

Hiện chưa có thống kê có bao nhiêu cặp vợ chồng khánh kiệt để có con, song theo bác sĩ Nhã, hành trình tìm con là cuộc chiến, nhiều trường hợp dốc cạn tiền bạc vẫn không toại nguyện. Tại Bệnh viện Bưu điện, nhiều cặp gia đình chia sẻ chi trả hàng trăm triệu đồng cho điều trị thuốc nam, bắc, thậm chí can thiệp kỹ thuật hiện đại. Theo thống kê, mỗi lần chuyển phôi hiện có giá 70-100 triệu đồng, tương đương ở cơ sở công và tư. Trung bình, một cặp vợ chồng chuyển phôi 1-2 lần sẽ thành công, nhưng không ít trường hợp phải làm nhiều hơn. Đây là số tiền vượt quá khả năng của nhiều gia đình thu nhập thấp.

Ngoài IVF, còn có kỹ thuật IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung), ICSI (tiêm tinh trùng vào bào tương noãn), IVM (kỹ thuật trưởng thành trứng non trong ống nghiệm), trữ lạnh phôi, tinh trùng..., chi phí từ 10 đến 15 triệu đồng cho một kỹ thuật.

Thống kê tại Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, trung bình một cặp gia đình từ lúc khám đến khi sinh em bé cần 20 đến 30 lần đến bệnh viện. Ví dụ, người phụ nữ đi khám hiếm muộn cần theo dõi, đánh giá toàn diện chu kỳ kinh nguyệt, từ lúc bắt đầu đến khi sạch kinh, kiểm tra xem giữa chu kỳ có rụng trứng. Bác sĩ cần kiểm tra tử cung, vòi trứng, buồng trứng, tối thiểu từ ba đến bốn buổi khám để chẩn đoán nguyên nhân, sau đó mới có phác đồ điều trị. Mỗi quy trình có chi phí từ 8 đến 10 triệu đồng, chưa kể các khoản phát sinh.

Trong khi đó, bảo hiểm y tế (BHYT) hiện không hỗ trợ bất cứ kỹ thuật nào trong quy trình điều trị hiếm muộn, dù nhiều nguyên nhân đến từ các bệnh lý như u buồng trứng, u xơ tử cung, polyp buồng trứng được chi trả. Còn trên thế giới, Pháp chi trả IVF đến 4 lần, sang lần thứ 5 bệnh nhân mới tiêu tiền túi. Trung Quốc cũng đưa 16 dịch vụ hỗ trợ sinh sản vào hạng mục được BHYT chi trả từ năm 2022.

Mặt khác, mạng lưới điều trị hiếm muộn hơn 50 cơ sở y tế tại Việt Nam nhưng chưa bao phủ hết cho số bệnh nhân có nhu cầu. Việt Nam có một triệu cặp vợ chồng vô sinh nhưng khả năng điều trị trung bình mỗi năm của 50 cơ sở chỉ ở mức 50.000 ca, chiếm 5%. Chưa kể rào cản địa lý khi các trung tâm điều trị vô sinh hiếm muộn chủ yếu ở thành phố lớn, vắng bóng ở miền núi, vùng sâu, xa.

Tuy nhiên, để sinh được con, ước mong một gia đình trọn vẹn, nhiều người chấp nhận đánh đổi tất cả. "Khi bế con trên tay, các cặp vợ chồng đều nói đây là món quà xứng đáng, thay vì than phiền kinh tế", bác sĩ Nhã cho biết.

Em bé ống nghiệm đầu tiên của Việt Nam ra đời trong vòng tay các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ, ngày 30/4/1998. Ảnh: Bệnh viện Từ Dũ

"Em bé ống nghiệm" đầu tiên của Việt Nam ra đời trong vòng tay các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ, ngày 30/4/1998. Ảnh: Bệnh viện Từ Dũ

Trả lời VnExpress hồi tháng 6, nguyên thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến đề xuất để giảm bớt gánh nặng cho cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, BHYT nên chi trả cho nhóm bệnh nhân này tương tự bệnh lý khác. Bảo hiểm cần có điều khoản "ưu tiên" đối tượng này hơn, do kỹ thuật can thiệp đều tốn kém, thuốc chữa hiếm muộn đắt đỏ. Các bệnh viện phụ sản có chương trình hỗ trợ gia đình hoàn cảnh khó khăn, nhưng số lượng hiện rất ít.

Ông cũng cho rằng Bộ Y tế cần có chiến lược phát triển điều trị hiếm muộn vô sinh, trong đó tập trung nâng cao tay nghề y bác sĩ, triển khai kỹ thuật mới ở các tuyến huyện, tỉnh hoặc vùng khó khăn, để giảm bớt chi phí điều trị và đi lại cho người dân. Việt Nam có một triệu cặp vợ chồng vô sinh nhưng khả năng điều trị trung bình mỗi năm của 50 cơ sở chỉ ở mức 50.000 ca, chiếm 5%, và đa số trung tâm nằm ở các thành phố lớn.

Trong khi đó, để đảm bảo an toàn cho thế hệ sau, các bác sĩ khuyên vợ chồng nên khám tiền hôn nhân để kiểm tra khả năng sinh sản và điều trị theo phác đồ. Trường hợp hai vợ chồng quan hệ tình dục đều đặn, không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào trong vòng một năm mà vẫn chưa có thai, nên đi khám để được điều trị sớm.

"Tuyệt đối không nên tin vào bài thuốc không rõ nguồn gốc hay tự ý điều trị dẫn đến tiền mất, tật mang. Cần đến chuyên khoa điều trị vô sinh hiếm muộn để được điều trị đúng, hiệu quả", bác sĩ Nhã nói.

Theo vnexpress.net
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.
TP Hồ Chí Minh: Trao tặng 112 suất hỗ trợ học tập cho học sinh, sinh viên khó khăn

TP Hồ Chí Minh: Trao tặng 112 suất hỗ trợ học tập cho học sinh, sinh viên khó khăn

9 tháng trước

Chiều 24/7, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh phối hợp Chương trình “Học bổng dành cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo” Báo Người Lao động tổ chức...
Mở lại Hệ thống Đăng ký Xét tuyển để tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh tự do

Mở lại Hệ thống Đăng ký Xét tuyển để tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh tự do

9 tháng trước

Để tạo điều kiện tốt nhất cho những thí sinh tự do, hệ thống sẽ được mở lại từ 9h ngày 26/7 đến 17h ngày 28/7 để các điểm tiếp nhận tiếp tục mở tài khoản đăng ký xét tuyển...
Vụ tai nạn khiến bé 7 tuổi tử vong, tài xế ô tô không có Giấy phép lái xe

Vụ tai nạn khiến bé 7 tuổi tử vong, tài xế ô tô không có Giấy phép lái xe

9 tháng trước

Sáng 25/7, cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, người điều khiển ô tô không có Giấy phép lái xe (GPLX) đang điều khiển biển số Lào gây tai nạn giao thông (TNGT) trên QL49 đoạn qua...
Hà Nội: Cháy lớn tại 2 nhà xưởng mây tre đan và đệm mút

Hà Nội: Cháy lớn tại 2 nhà xưởng mây tre đan và đệm mút

9 tháng trước

Sáng ngày 25/7, thông tin từ UBND xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội cho biết trên địa bàn vừa xảy ra vụ cháy nhà xưởng.