CHỦ NHẬT, NGÀY 05 THÁNG 05 NĂM 2024 12:27

Đọc gì trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch sắp tới?

19/12/2019 | 11:19
“Cảnh đồi mờ xám” – Cuốn tiểu thuyết đầu tay của tác giả đoạt giải Nobel Văn chương 2017 Kazuo Ishiguro
 


Kazuo Ishiguro từ lâu đã là cái tên quen thuộc với độc giả Việt Nam. Năm 2005, ông gây tiếng vang lớn với cuốn tiểu thuyết Mãi đừng xa tôi (Never Let Me Go) song ít ai biết rằng sự nghiệp văn chương của ông khởi đầu từ năm 1982 với tác phẩm đầu tay, tiểu thuyết “Cảnh đồi mờ xám” (A Pale View of Hill), cuốn sách sau đó đã đem về cho Kazuo Ishiguro giải thưởng Winifred Holtby Memorial Prize của Viện Văn học Hoàng gia Anh. 
 
“Cảnh đồi mờ xám” là cuốn tiểu thuyết xoay quanh nhân vật Etsuko, một phụ nữ Nhật Bản sống một mình ở Anh. Sau nỗi đau mất đi người con gái lớn, Etsuko chìm đắm vào những ký ức về một mùa hè ở Nagasaki thời hậu chiến. Tất cả hiện lên trong hồi tưởng của cô như một thước phim quay chậm về Nagasaki vừa đi qua những ngày khủng khiếp nhất với những phận người hiện lên mờ ảo, nhạt nhòa. Giữa những ký ức mơ hồ ấy, Etsuko nhớ tới tình bạn lạ lùng với Sachiko, người luôn khao khát được đến nước Mỹ bằng mọi giá, người đã bị cuộc chiến tranh tước đi tất cả trừ đứa con gái nhỏ.
 
Trong cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình, Kazuo Ishiguro đã khắc họa nên bức tranh những số phận ở nước Nhật bại trận, nơi các nhân vật của ông vật lộn, xoay xở, dằn vặt với những thay đổi đến quá nhanh và quá dữ dội. Nhưng sâu hơn, cuốn sách còn là một cuộc thăm dò đầy tinh tế cái bí ẩn của kí ức. Cuộc sống hiện tại đặt nền móng trên kí ức, nhưng đến lượt mình, chính kí ức lại vô cùng bất trắc, khó lường.
 
Tác giả Kazuo Ishiguro (sinh ngày 8/11/1954) là nhà văn Anh gốc Nhật. Ông sinh ra tại Nagasaki, Nhật Bản, sau đó theo gia đình sang Anh sinh sống từ năm 1960. Ông tốt nghiệp trường Đại học Kent năm 1978 và nhận bằng Thạc sĩ khóa Sáng tác văn chương của trường Đại học East Anglia năm 1980. Hiện ông sinh sống và làm việc tại London cùng vợ và con gái.
 
Ishiguro được xem là một trong những nhà văn Anh ngữ nổi bật nhất hiện nay. Ông giành nhiều giải thưởng lớn về văn chương như giải Whitbread cho cuốn An Artist of the Day. Ngoài ra, ông đã 4 lần được nhận đề cử giải thưởng Man Booker và đã nhận giải này vào năm 1989 cho tiểu thuyết The Remains of the Day. Tiểu thuyết Never Let Me Go (2005) được tạp chí Times vinh danh là tiểu thuyết hay nhất năm, được xếp vào danh sách 100 cuốn sách tiếng Anh hay nhất từ năm 1923 đến 2005. Năm 2008, ông trở thành một trong 50 nhà văn Anh vĩ đại nhất kể từ năm 1945 do tạp chí Times xếp hạng. Năm 2017, Kazuo Ishiguro được nhận giải thưởng Nobel văn chương danh giá với nhận định của Hội đồng trao giải: “Người, bằng những tiểu thuyết đẩy cảm xúc, đã phát hiện ra những vực thẳm phía dưới cảm xúc bay bổng kết nối chúng ta với thế giới.”
 
Các tác phẩm của Kazuo Ishiguro đã được xuất bản tại Việt Nam: “Mãi đừng xa tôi” (tiểu thuyết),” Dạ khúc: Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông” (tập truyện ngắn), “Người khổng lồ ngủ quên” (tiểu thuyết).
 
“Những linh hồn chết” – kiệt tác để đời của thiên tài người Nga Nikolai Vasilievich Gogol
 

 
Sinh thời, Nikolai Vasilievich Gogol, nhà văn kinh điển của Nga là một thiên tài ở nhiều thể loại: truyện dân gian, tiểu thuyết sử thi, truyện châm biếm, tiểu thuyết hiện thực phê phán, hài kịch đả kích xã hội. “Những linh hồn chết” là tác phẩm cuối cùng song lại được đánh giá là tác phẩm quan trọng nhất trong sự nghiệp của Nikolai Vasilievich Gogol. Ngay khi cuốn sách xuất bản lần đầu tiên năm 1842, tờ Người đương thời đã suy tôn Nikolai Vasilievich Gogol là đệ nhất văn hào Nga, sánh ngang và thay vào vị trí Pushkin để lại trong văn học Nga.
 
Ít có cuốn tiểu thuyết nào có nhân vật chính “khó ưa” như vậy nhưng lại cuốn hút đến như vậy. “Những linh hồn chết” là câu hỏi lớn mà Nikolai Gogol đặt ra không chỉ cho người Nga cùng thời với ông mà cho con người ở mọi nước, mọi thời: bạn sống như thế nào để cho không phải bạn sống mà cũng bằng như chết, như một thân xác sống mà bên trong đó là một linh hồn đã chết? Sự mục ruỗng về tâm hồn của Chichikov và những người như y phải chăng là căn bệnh ung thư của riêng người Nga cùng thời với Gogol, hay đúng hơn là căn bệnh ung thư chung của loài người trong thời đại chúng ta đây?
 
Được thôi thúc và khuyến khích bởi Pushkin, Nikolai Vasilievich Gogol đã có ý niệm một cách nghiêm túc về việc viết “Những linh hồn chết”. Ông coi nó là sứ mạng cao cả của cuộc đời mình. Cho tới tận ngày nay, không ái có thể phủ nhận tầm rộng lớn của kiệt tác này. Bởi những cuộc phiêu lưu buồn cười của nhân vật chính Chichikov họp thành tình tiết của thiên trường ca đã được khoác một ý nghĩa biểu tượng. Xét trong số ba kiệt tác hàng đầu thế giới của thể loại tiểu thuyết phê phán và châm biếm phong tục (“Những linh hồn chết” của Gogol, Don Quixote của Cervantes và Những di văn của câu lạc bộ Pickwick của Dickens), “Những linh hồn chết” mang đậm chất chân thực và gần với cuộc đời hơn cả. Chỉ với “Những linh hồn chết”, sự nghiệp của Gogol cũng đã xứng đáng đặt ngang hàng với sự nghiệp của tiểu thuyết gia, nhà soạn kịch Tây Ban Nha Cervantes. Bởi với những hiểu biết của một nghệ sĩ thiên tài, Nikolai Vasilievich Gogol đã “vẽ lại cuộc đời với bộ mặt thật của nó”, bóc mẽ và đả kích sâu cay bộ mặt đáng ghê tởm của xã hội Nga với các tầng lớp thống trị của nó thời ấy mà theo ông là phải “giật bộ trang phục mỹ lệ và cái mặt nạ anh hùng” của chúng, bắt chúng “đem thân cho thiên hạ mua cười”.
 
Tác giả Nikolai Vasilievich Gogol (31/3/1809 – 04/3/1852) là nhà văn lừng danh người Nga gốc Ukraina, một trong những nhân vật nổi bật nhất của văn chương hiện thực Nga. Nét đặc sắc nhất trong tác phẩm của ông là châm biếm chính trị và xã hội, vạch trần sự giả dối và tha hóa của quan chức và tầng lớp trung lưu mới nổi ở nước Nga đương thời. Tuy về cơ bản là hiện thực, tác phẩm của ông có nhiều yếu tố siêu thực.
 
Ngoài “Những linh hồn chết”, tác phẩm nổi tiếng nhất của Nikolai Vasilievich Gogol còn có: “Cái mũi”, “Quan thanh tra”, :Chiếc áo khoác”, “Nhật ký người điên”, “Taras Bulb”a… Phần lớn tác phẩm của ông đã được dịch ra tiếng Việt và được nhiều thế hệ người đọc Việt Nam yêu mến.

“Gỗ thần” của “vua truyện ngắn đương đại Trung Quốc” - Lưu Khánh Bang 

 
Với những đường nét đơn giản nhưng sắc bén và chân thực đến lạnh lùng, Lưu Khánh Bang đã vẽ nên một bức tranh hiện thực tăm tối của những phận người cùng cực ở tầng đáy của cuộc đời. Tác phẩm này đã đoạt giải thưởng văn học Lão Xá lần thứ hai năm 2002. Bộ phim điện ảnh “Giếng mù” được cải biên từ “Gỗ thần” cũng đoạt giải Gấu Bạc tại LHP Berlin lần thứ 53.
 
“Gỗ thần” được viết dựa trên sự kiện có thật: Năm 1998, nhiều vụ án lừa gạt giết người có tổ chức xảy ra tại các hầm mỏ ở Trung Quốc, với số nạn nhân lên đến hàng trăm người. Một bức tranh cuộc sống chân thực và sống động trải ra theo ngòi bút điêu luyện của tác giả: Mỏ than xa xôi hẻo lánh là nơi những con mồi cắn câu tìm đến, không biết rằng mình đã bước chân lên con đường không có lối về, nơi có giếng mỏ tối tăm ngột ngạt như một hố đen thiếu vắng luân thường và pháp luật, nơi những con người vật lộn mưu sinh dưới đáy xã hội với những tâm tư, dục vọng phức tạp trải qua cuộc khảo nghiệm khắc nghiệt về nhân tính, nơi những bí mật đen tối và cay đắng của họ cuối cùng bị chôn vùi, nhưng độc giả thì không thể quên được.
 
Không chỉ riêng “Gỗ thần”, nhiều tác phẩm của nhà văn Lưu Khánh Bang đều có chung một vùng ám ảnh: vùng mỏ. Từng sống và làm việc nơi đây suốt chín năm, ông đã viết: “Hiện thực của mỏ than chính là hiện thực của Trung Quốc.”
 “Hy sinh” – Cuốn sách trinh thám mới nhất đến từ nhà văn đoạt giải Goncourt
 
 
Độc giả yêu thích thể loại trinh thám hẳn không còn xa lạ với cái tên Pierre Lemaitre. Ông để lại dấu ấn khó quên trong lòng độc giả Việt Nam với các tác phẩm trinh thám đặc sắc: “Alex”, “Ba ngày và một đời”, “Hẹn gặp lại trên kia”. Bước qua ánh hào quang của giải Goncourt, giải thưởng danh giá nhất nước Pháp, với tác phẩm đầu tiên trong sự nghiệp không thuộc thể loại trinh thám – “Hẹn gặp lại trên kia”, Pierre Lemaitre trở lại với sở trường của mình trong “Hy sinh”. Ông dẫn dắt độc giả đến với hành trình khám phá những ngóc ngách sâu kín trong tâm lý nhân vật, điều làm nên thương hiệu Pierre Lemaitre – lối viết tài tình, chú trọng tới xây dựng thế giới tâm lý phức tạp cùng những góc khuất trong tâm tư mỗi người.
 
“Cái sự kiện có khả năng kích động cả hệ thần kinh ấy, bạn sẽ nhận ra nó ngay lập tức giữa tất cả các sự cố khác trong đời, bởi vì ngay khi nó xảy đến, bạn biết rằng nó sẽ gây ra những tác động khủng khiếp lên bạn, rằng điều xảy ra với bạn là không thể đảo ngược. Chẳng hạn như ba phát đạn từ một khẩu súng trường lên đạn bằng tay bắn vào người phụ nữ bạn yêu.” Đó chính là điều đã xảy ra với Camille, tức thiếu tá Verhoeven trứ danh, và Anne Forestier, người tình mới của ông và cũng là nhân chứng duy nhất của một vụ cướp nữ trang trên đại lộ Champs-Élysées. Nhân chứng mau chóng trở thành nạn nhân. Nhưng là nạn nhân của cái ác hay của sự hy sinh? Và rốt cuộc, phải chăng chỉ có duy nhất sự hy sinh ấy?
 
Sau “Alex”, một lần nữa Pierre Lemaitre lại bất ngờ thộp lấy bạn, đẩy bạn vào những cơn run rẩy dồn dập chết người với những độc giả yếu tim nhất, và thiết lập một bầu không khí ám mùi cái ác ở trạng thái nguyên chất. Một lần nữa tác giả lại khẳng định lối viết và tài năng của mình trong thế giới văn chương trinh thám.
 
Tác giả Pierre Lemaitre là tiểu thuyết gia kiêm nhà biên kịch người Pháp, sinh ngày 19 tháng Tư năm 1951 tại Paris. Ông từng dạy học nhiều năm, chủ yếu là về văn học Pháp, văn học Mỹ, phân tích văn học và văn hóa nói chung.
 
Đến năm 2006, ông chuyển hẳn sang viết văn và kịch bản. Ông đã giành được nhiều giải thưởng, trong đó có giải Goncourt năm 2013 cho tác phẩm Hẹn gặp lại trên kia.
 
Pierre Lemaitre tự coi công việc của mình như một “bài thực hành ngưỡng mộ văn chương” thường xuyên. Với các thử nghiệm trong thể loại trinh thám xã hội hoặc trinh thám kinh dị, ông được Stephen King coi như “một cây viết trinh thám thực sự tuyệt vời”. Các tác phẩm của Pierre Lemaitre đã được dịch ra hơn ba mươi thứ tiếng và ông từng được tạp chí L’Express xếp đầu danh sách tác giả best-seller năm 2013.
Các tác phẩm của Pierre Lemaitre đã được xuất bản tại Việt Nam:.
 
“Sữa và mật” – Hiện tượng thơ hiện đại làm khuynh đảo nền xuất bản Mỹ
 
 
“Sữa và mật” của Rupi Kaur. Qua thơ và họa cô khắc họa quá trình chữa lành tổn thương là một trải nghiệm tập thể, một dạng giải phóng nhanh chóng bắt đầu cộng hưởng với những người xung quanh cô. “Sữa và mật”, sản phẩm lao động tình yêu của cô – một chuyến viễn du xuyên qua những thời khắc đau khổ, để tìm thấy ở đó cả sữa lẫn mật ngọt, trong thân phận người nữ đã gây được tiếng vang, thu hút được sự chú ý của độc giả và nằm trong danh sách bestseller của New York Times suốt một năm. 
 
Những bài thơ và văn trong “Sữa và mật” nói với ta về chuyện sống còn, cùng những trải nghiệm về bạo lực, về lạm dụng, về yêu đương, về mất mát, và trên hết, về nữ tính không ngừng rạng ngời. Nó được chia thành bốn chương. Mỗi chương có một mục đích khác nhau, đối diện với một nỗi đau khác nhau, chữa lành một nỗi buồn khổ khác nhau. Không chỉ đưa người đọc đi qua một hành trình những thời khắc cay đắng nhất trong đời và tìm thấy ngọt ngào ở chúng, “Sữa và mật” còn mang trong mình thông điệp Rupi Kaur muốn gửi tới độc giả của mình: Ngọt ngào ở khắp mọi nơi, nếu ta sẵn lòng tìm kiếm.
 
Vừa triết lý xa xăm, vừa nồng nàn nhục cảm, khi yếu mềm, lúc cứng cỏi, với “Sữa và mật”, Rupi Kaur đã cho ra đời một tập thơ nữ tính, đáo để và hấp dẫn đến mức làm khuynh đảo cả nền xuất bản Mỹ. Với 2,5 triệu lượt mua online, cùng hơn triệu bản in chỉ sau một năm ra mắt, và được dịch ra 25 ngôn ngữ trên thế giới, “Sữa và mật” đã thay đổi cái nhìn của người đọc về sự cuốn hút của thơ hiện đại.
 
Rupi Kaur là một nhà thơ, nhà văn và nhà hoạt động nữ quyền người Canada gốc Ấn Độ. Cô là người đi đầu trong Instapoets – thể loại thơ ngắn, tập trung và sử dụng phương tiện truyền thông xã hội làm nền tảng, mà cụ thể là Instagram để tiếp cận độc giả. Với tập thơ đầu tay “Sữa và mật” (2014) truyền tải các thông điệp về tình yêu, bạo lực, lạm dụng… , cô đã để lại dấu ấn mạnh mẽ, được đông đảo độc giả yêu mến và đón nhận. Rupi Kaur lọt vào danh sách 100 Women của BBC năm 2017.
 
“Từ điển Khazar” – Cuốn kỳ thư của thế kỷ 21
 
 
Nếu có những cuốn sách đáng gọi “kỳ thư”, “Từ điển Khazar” là một trong số đó. Kể từ khi ra đời năm 1984 nó đã là nguồn cảm hứng lớn lao cho nhiều thế hệ người đọc, được giới phê bình đánh giá là “tiểu thuyết đầu tiên của thế kỷ XXI”, và từ khi bản tiếng Việt được in lần đầu, nó đã là cánh cửa mở ra một thế giới mới mẻ và hấp dẫn khôn cùng của tiểu thuyết hiện đại. Tác phẩm được đánh giá là nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của nhà văn người Serbia Milorad Palvic. 
 
Phục nguyên ấn bản đầu tiên của Daubmannus (bị thiêu hủy vào năm 1692), “Từ điển Khazar” của Milorad Palvic tập trung đề cập đến những sự kiện làm thay đổi vận mệnh của Khazar, vén bức màn bí ẩn của che phủ một Khazar hùng mạnh đã từng tồn tại. Với người đọc bình thường, “Từ điển Khazar” mang lại một trải nghiệm khác lạ, “đọc theo cách nào cũng được” song đồng thời đầy thử thách, đòi hỏi ta tích cực tham gia vào việc tái dựng chỉnh thể, một cách tưởng tượng và sáng tạo. Với người viết văn, nó là minh chứng cho thấy những khả năng của tiểu thuyết là vô hạn và những chân trời chưa ai chạm tới của văn chương là kỳ vĩ, thu hút khôn cưỡng như thế nào.
Không chỉ là “tiểu thuyết đầu tiên của thế kỷ 21” như một số người tán tụng, “Từ điển Khazar” còn giống như một cuốn sách xưa, lạ lùng, mà tác giả khai quật được từ bụi bặm lãng quên và đưa ra ánh sáng cho chúng ta, cuốn sách mà, dẫu nằm kia dưới ánh ban ngày, vẫn nguyên vẹn bóng tối âm hiểm, u trầm của nó.
 
So với “Từ điển Khazar” bản in đầu, bản in lần này được dịch chủ yếu từ bản tiếng Nga Hazarskij slovar (Larisa Savelieva, NXB Azbuka, 2001) và tham khảo bản tiếng Pháp Le Dictionnaire des Khazars (Marina Bezanovska, NXB Mémoire du Livre, 2002). Đây là hai bản dịch tương đối thống nhất hiện nay. Đặc biệt, bản dịch được hiệu đính bởi dịch giả gạo cội Dương Tường, góp phần to lớn để thành phẩm cuối cùng được hoàn thiện nhất có thể.
 
Sự kiện được khảo sát trong “Từ điển Khazar” (có thể còn có nhiều sự kiện tương tự) diễn ra vào thế kỷ VIII hoặc IX Công nguyên. Trong văn liệu chuyên môn, sự kiện này thường được gọi là “cuộc luận chiến Khazar”.
 
Người Khazar, một bộ tộc độc lập và hùng mạnh, những người du mục thiện chiến, đến từ phương Đông. Họ từng thành lập một vương quốc hùng mạnh của riêng mình và theo một tôn giáo riêng giờ đã bị lãng quên. Người Khazar bước vào lịch sử bằng những cuộc chiến tranh với người A rập và việc liên minh với hoàng đế Byzance là Heraclius vào năm 627. Tuy nhiên nguồn gốc của họ vẫn là một bí ẩn, cũng như hiện nay không còn lại một dấu vết nào cho phép xác định ngày nay hậu duệ của người Khazar nếu còn sót lại thì được gọi bằng cái tên nào và nằm trong những dân tộc nào. Người Khazar cùng vương quốc của mình đã biến mất khỏi vũ đài lịch sử chỉ ít lâu sau khi họ cải giáo, chuyển từ tôn giáo nguyên thủy của mình sang một tôn giáo khác. Có thể nói rằng, sự kiện cải giáo là sự kiện có ý nghĩa quyết định đến số phận của người Khazar. Theo các cứ liệu cổ thì Kaghan, chúa tể của người Khazar có lần nằm mơ, ngài liền vời ba nhà hiền triết từ những nước khác nhau đến để giải mộng cho ngài. Kaghan quyết định sẽ cùng toàn thể thần dân chuyển sang tôn giáo của nhà thông thái nào lý giải được giấc mơ của ngài một cách thuyết phục hơn cả. Quan điểm của ba nhà thông thái, cuộc tranh cãi giữa họ dựa trên những tín điều của ba tôn giáo khác nhau, cá nhân những người này là ai và kết quả của cuộc luận chiến Khazar, tất cả đều khơi gợi mối quan tâm của rất nhiều người, dấy lên nhiều nhận định mâu thuẫn về sự kiện này và hậu quả của nó, về người thắng và kẻ bại trong cuộc luận chiến. Suốt nhiều thế kỷ, cuộc luận chiến Khazar là đề tài của vô cố cuộc tranh cãi trong thế giới Do Thái, Cơ đốc và Hồi giáo; những cuộc tranh cãi đó vẫn tiếp diễn đến ngày nay tuy rằng người Khazar từ lâu không còn nữa.
 
Thế kỷ XII, người Couman đã chiếm cứ lãnh thổ xưa kia của người Khazar nhưng tất cả các di tích vật thể về nền văn hóa Khazar đều rất nghèo nàn. Không một văn bản nào dù mang tính xã hội hay cá nhân còn sót lại đến ngày nay, không còn một dấu vết nào về những cuốn sách Khazar, người ta không biết gì về ngôn ngữ của người Khazar. Sau khi vương quốc người Khazar bị tiêu diệt, hầu như người Khazar không được nhắc tới nữa. Ngay cả cuốn từ điển duy nhất về người Khazar của Daubmannus với tựa đề Lexicon Cosri (Từ điển gồm các từ điển về vấn đề Khazar) được tập hợp từ các cứ liệu nguồn gốc Hồi giáo, Do Thái và Cơ đốc giáo ấn hành năm 1961 cũng không còn.
 
Tác giảMilorad Palvic là nhà văn nổi tiếng người Serbia. Ngoài ra, Milorad Palvic còn được biết tới trong vai trò chuyên gia văn học sử, nhà phê bình văn học, dịch giả về Pushkin và Byron, giáo sư đại học, thành viên Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Serbia từ năm 1991. Ông là tác giả của nhiều bài thơ, truyện ngắn và tiểu thuyết. Trong đó, tác phẩm chính gồm bốn tiểu thuyết nổi tiếng: “Từ điển Khazar” (Dictionary of the Khazars, 1984), “tiểu thuyết – từ điển 100.000 mục từ”; Phong cảnh vẽ bằng trà (A Landscape Painted by Tea, 1988), “tiểu thuyết – ô chữ”; Mặt trong của gió (The Inner Side of the Wind, 1991), “tiểu thuyết – đồng hồ cát”; Mối tình cuối ở Constantinople (Last Love in Constantinople, 1994), “tiểu thuyết – bộ bài tarot”.
 
Các tiểu thuyết này đều là những nỗ lực ngoạn mục hầu phá vỡ hình thức tiểu thuyết truyền thống với dòng tự sự tuyến tính. Các tiểu thuyết này đều có thể đọc theo nhiều cách khác nhau, mỗi người đọc có thể tự chọn một đoạn đầu và đoạn cuối của riêng mình, tự xây dựng con đường của riêng mình để thám hiểm thế giới của cuốn tiểu thuyết.
 
Đến nay, tác phẩm của Pavic đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Ông rất được hâm mộ ở châu Âu và Nam Mỹ, được coi là “một trong những nhà văn hấp dẫn nhất vào đầu thế kỷ XXI”. Ở Áo, Pavic được gọi là “thủ lĩnh của trường phái hậu hiện đại châu Âu”. Theo tờ Sunday Times, cùng với J.L.Borges, V.Nabokov, I.B.Singer, I.Calvino và U.Eco, Pavic là “bảo vật văn chương” của toàn nhân loại trong nửa sau thế kỷ XX. Người ta thường nhắc tới ông như một ứng viên sáng giá cho giải thưởng Nobel Văn chương.
 
Tác giả Lưu Khánh Bang sinh năm 1951, người tỉnh Hà Nam. Ông đã được trao nhiều giải thưởng văn học danh giá của Trung Quốc như giải Lỗ Tấn, giải Lão Xá, giải Bách Hoa… Ông cũng được tôn xưng là “vua truyện ngắn đương đại Trung Quốc”.
 
Gia tài sáng tác của ông đến nay gồm 8 cuốn truyện dài và hơn 30 tuyển tập truyện vừa, truyện ngắn, tản văn. Nhiều tác phẩm đã được dịch sang các thứ tiếng Anh, Pháp, Nhật, Nga, Đức, Ý, Hàn…
 
Các tác phẩm tiêu biểu: Đứt đoạn, Ý thơ phương xa, Ca dao trên đồng bằng, Hoa trắng khắp nơi, Nam nữ đen trắng.
 
“Thảm kịch vĩ nhân” – Thảm kịch đen tối nhất trong lịch sử Việt Nam

 
Gần 600 năm trước, khi cuộc chiến chống ngoại bang kết thúc, cũng là lúc cuộc chiến phe cánh trong nội bộ triều đình nhà Lê bắt đầu. Trong cơn khủng hoảng đó, Nguyễn Trãi trở thành nạn nhân hứng chịu tấn thảm kịch oan khiên nhất, dã man nhất lịch sử nước Việt, mang tên “Thảm kịch vĩ nhân”. Với ngòi bút sắc bén của mình, nhà văn Hoàng Minh Tường – một trong những tên tuổi của văn học hiện đại Việt Nam đã xé toang bức màn đen tối che phủ góc khuất trên từng bước thăng trầm của lịch sử triều Lê sơ qua tác phẩm.
 
Nguyễn Trãi (hiệu Ức Trai) là một nhà văn hóa, nhà chính trị, nhà quân sự lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam. Ông là vị quân sư kiệt xuất đã phò tá đức Lê Lợi quét sạch quân Minh ra khỏi bờ cõi nước Việt xưa kia. Khởi nghĩa Lam Sơn thành công, Nguyễn Trãi trở thành công thần khai quốc của triều đại Lê sơ, được phong làm quan Hành khiển và Thừa chỉ. Nhưng cũng bởi những thăng trầm chốn quan trường, đấu đá nơi hậu cung, Nguyễn Trãi cùng vợ là Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ đã phải hứng chịu thảm án oan khuất mưu sát vua. Thảm án này thường được biết tới với tên gọi thảm án Lệ Chi Viên. Với cái án tru di tam tộc đối với quan Hành khiển Nguyễn Trãi và Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, thảm án xưa kia vốn là một ẩn số chưa có lời giải. Xung quanh nó đã có biết bao giai thoại được thêu dệt và truyền tụng tới tận ngày nay.
 
Lấy cảm hứng từ một trong những vụ án oan khuất nhất thời Lê sơ nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung, nhà văn Hoàng Minh Tường đã viết nên “Thảm kịch vĩ nhân”. Toàn bộ câu chuyện được kể lại xảy ra vỏn vẹn trong 27 ngày, từ ngày sinh Hoàng tử Lê Tư Thành (vua Lê Thánh Tông sau này), đến ngày Ức Trai Nguyễn Trãi và Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ cùng ba họ lên đoạn đầu đài. Vén bỏ bức màn hắc ám chốn thâm cung, nhà văn Hoàng Minh Tường dẫn dụ người đọc lần theo những tình tiết ly kỳ, bóc tách những dấu vết mờ nhòe của lịch sử nhằm phơi bày màn kịch tội ác đã được dựng lên để sát hại một bậc vĩ nhân.
 
“Thảm kịch vĩ nhân” không chỉ là câu chuyện của một cá nhân Nguyễn Trãi, đó còn là câu chuyện về người trí thức trong mối quan hệ với quyền lực, với dân tộc, với lẽ phải và lý tưởng mà họ theo đuổi. Tư cách người trí thức trước giông bão thời đại, xét cho cùng, cũng chính là phần “cốt” của bậc vĩ nhân.
Tác giả Hoàng Minh Tường là nhà văn hiện đại Việt Nam. Ông sinh năm 1948, quê gốc xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Các sáng tác từng gây tiếng vang lớn trong xã hội của ông là: Thời của thánh thần, Thủy hỏa đạo tặc…

 

Phương Anh/GĐ&TE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...