THỨ TƯ, NGÀY 08 THÁNG 05 NĂM 2024 07:30

Đối phó với nồm ẩm để tránh bệnh về hô hấp

14/03/2018 | 11:08
 
Vợ chồng chị Bùi Thị Mai Anh ở Khu tập thể Đại học Sư phạm Hà Nội đưa hai con nhỏ (cháu lớn 3 tuổi, cháu nhỏ 2 tuổi) đến khám tại Khoa Nhi tổng hợp Bệnh viện Xanh-pôn trong tâm trạng căng thẳng, lo lắng, phần vì đang phải chờ đợi rất đông bệnh nhân đến khám, phần vì thương hai con cứ quấy khóc ngằn ngặt vì ốm. Chị cho biết, vài ngày trước cháu lớn có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, hay quấy khóc, biếng ăn, ăn vào là nôn, sau đó sốt 38,50C. Hiện tượng này cũng lây sang cháu nhỏ với các biểu hiện như trên, kèm theo ho, sổ mũi xanh. Mệt mỏi trong người, các cháu không chịu chơi, luôn quấy khóc và bám lấy mẹ khiến chị Mai Anh phải nghỉ làm để đưa con đi khám.
 
 
Thời tiết giao mùa kèm theo mưa nắng thất thường, nồm ẩm khiến nhiều trẻ bị bệnh. Ảnh minh họa
 
Nhiều trẻ suy hô hấp vì nồm 
 
Theo bác sĩ Hoàng Thị Minh Thu, Trưởng phòng khám Nhi - BV Đa khoa Xanh-pôn: Thời tiết nồm ẩm từ cuối tháng 2 đến tháng 4 trong năm khiến nhà cửa luôn ẩm ướt, đồ đạc, chân tường bị mốc nên trẻ bị dị nguyên nấm mốc. Virus trong môi trường kết hợp với sức đề kháng kém khiến trẻ dưới 5 tuổi dễ mắc bệnh liên quan đến hô hấp (chiếm khoảng 50% các bệnh giao mùa), cảm cúm, sốt virus, dị ứng, nhất là vào thời điểm giao mùa. Trẻ có tiền sử sinh non, bị bệnh mãn tính, dị tật bẩm sinh, suy giảm miễn dịch bẩm sinh có nguy cơ mắc các bệnh hô hấp cao hơn. Ngoài ra, trời nồm còn dễ khiến trẻ mắc các bệnh sốt phát ban, sởi, thủy đậu, rubella. Do đó, khi thấy trẻ ho, sốt... cần đưa đi khám sớm để tránh bệnh chuyển nặng. Nên đưa trẻ nhỏ đi tiêm phòng các loại vaccine phòng bệnh. Nếu trẻ ốm nên cho trẻ nghỉ học, vừa để chăm sóc vừa để tránh lây lan trong nhà trẻ, trường học.
 
Cảm cúm
 
Cảm cúm là chứng bệnh thường gặp nhất trong khoảng thời gian này. Nguyên nhân chính là do thời tiết thay đổi, nắng mưa, nóng lạnh thất thường. Nếu hệ miễn dịch kém và cơ thể không kịp thích ứng với những thay đổi này thì không chỉ trẻ em mà rất nhiều người lớn sẽ rất dễ mắc cảm cúm. Khi bị bệnh, trẻ thường có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, đau đầu, mỏi mệt toàn thân, thậm chí sốt. Bệnh tuy không nguy hiểm nhưng sẽ phải chịu đựng cảm giác khó chịu và nếu không sớm điều trị kịp thời có thể gây nên những biến chứng viêm họng kèm theo sốt. 
 
Khi mắc cảm cúm, theo lời khuyên của bác sĩ Nguyễn Thúy Hằng - Phó trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Quân y 103, Hà Nội, cha mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc cho con, đặc biệt, không nên sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị cảm cúm vì thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, trong khi đó cảm cúm là do virus gây nên, chính vì thế kháng sinh không có tác dụng trong trường hợp này.
 
Theo giới chuyên môn, hiện nay, người dân có thể phòng ngừa cúm bằng cách tiêm phòng vaccine. Tuy nhiên, virus cúm là loại virus biến đổi khá nhanh nên phòng bệnh là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe. Người có nguy cơ mắc cảm cúm cao nên sử dụng vitamin C và kẽm như những "thuốc" phòng ngừa. Người bệnh dùng 1,5 - 4g vitamin C mỗi ngày sẽ giảm được 30% thời gian cảm cúm. Còn kẽm thì có tác dụng ngăn cản rhiovirus (virus cảm) nhiễm vào cơ thể hoặc giảm thời gian ốm của người bệnh xuống. 
 
Bên cạnh đó, để phòng chứng cảm cúm, các bác sĩ khuyên cha mẹ cần lưu ý một số điều cơ bản như: đội mũ, bịt khẩu trang khi ra ngoài để tránh sự xâm hại của virus cúm. Phòng ngủ cũng như nơi ở phải thoáng mát, sạch sẽ; thường xuyên rửa tay để loại trừ mầm bệnh lây lan, tăng cường hệ miễn dịch để bảo vệ sức khỏe của con bằng cách ăn nhiều rau xanh, trái cây, uống đủ lượng nước cơ thể cần.

 
Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng vitamin C, kẽm, tiêm phòng đầy đủ, môi trường sống sạch sẽ. Ảnh: Internet
 
Phải coi trọng phòng hơn chữa 
 
Bác sĩ Hoàng Thị Minh Thu cho biết: Để giảm nguy cơ trẻ nhiễm bệnh trong điều kiện thời tiết giao mùa hiện nay, các bậc phụ huynh nên tránh cho con đến nơi đông người, nhiều khói bụi, có gió lùa. Khi ra ngoài, cần cho trẻ mặc phù hợp với nhiệt độ môi trường, che chắn bằng khẩu trang để tránh hít phải không khí ô nhiễm. Với trẻ nhỏ, cần tích cực cho bú mẹ để nâng cao sức đề kháng, trẻ lớn hơn cần được ăn uống đủ chất, hợp lý, kết hợp với việc tiêm phòng đầy đủ, giúp bé nâng cao sức đề kháng trước điều kiện môi trường. 
 
Không gian sống của trẻ phải được vệ sinh sạch sẽ, thoáng khí, tránh có khói thuốc lá, bụi bẩn. Không đi chân đất trên nền nhà ẩm ướt, không mặc quần áo chưa khô. Không cho trẻ mặc phong phanh, cũng không nên quá ủ ấm, bởi khi trẻ ra mồ hôi rất dễ bị nhiễm lạnh, đặc biệt không nên tắm cho trẻ nhỏ quá lâu. 
 
Khi trời nồm, nền nhà đổ mồ hôi, trẻ rất dễ nhiễm bệnh, tốt nhất gia đình không nên mở cửa nhà vào lúc sáng sớm và tối, vào buổi trưa khi nhiệt độ lên cao thì tranh thủ mở cửa cho khí ấm tràn vào phòng. 
 
Lưu ý: “Với trẻ sơ sinh, biểu hiện lâm sàng của bệnh thường kín đáo, rất khó phát hiện, nhưng khi đã phát hiện thì bệnh tiến triển rất nhanh. Nếu thấy bé ăn uống bú kém, bỏ bữa, ăn ít, sốt không rõ ràng, hay nôn trớ, giấc ngủ không ngon thì cha mẹ cần lưu ý có thể bé đang bị bệnh, cần đưa đi khám, không tự ý mua thuốc cho trẻ uống bởi không những không tác dụng mà còn có thể gây tai biến”, bác sĩ Thu khuyến cáo.

Minh Anh/TC GĐ&TE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.