THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 11:09

Đồng bào Dao thoát nghèo từ nghề thuốc Nam truyền thống

28/08/2020 | 10:10


Các nghệ sĩ Hà Nội chụp ảnh lưu niệm cùng ông Dương Trung Liên, Chủ tịch UBND xã Ba Vì trong buổi trao quà từ thiện cho 39 hộ nghèo người Dao khó khăn nhất ở xã Ba Vì.


Nghề thuốc Nam phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn


Đến xã Ba Vì, ai cũng dễ nhận thấy bộ mặt nông thôn đổi thay rõ rệt. Những con đường liên thôn, liên xóm sạch đẹp, giao thông thuận lợi, phảng phất mùi thuốc Nam. Một cảm giác ấm áp lan tỏa từ vùng núi cao đang ngày càng khởi sắc.


Xã Ba Vì có 98% là đồng bào Dao. Sinh sống ở vùng núi, kế bên Vườn Quốc gia Ba Vì - khu sinh thái lớn nhất huyện có hệ thực vật phong phú, đa dạng, có giá trị lớn, trong đó có hàng trăm loại cây dược liệu quý - đã mang lại cho nhiều thế hệ người Dao ở đây nghề làm thuốc Nam chữa bệnh cứu người, và là ngành nghề chính tạo nên thu nhập, phát triển kinh tế, giúp xóa đói giảm nghèo tại địa phương.


Ông Dương Trung Liên, Chủ tịch UBND xã Ba Vì cho biết, xã Ba Vì có 3 thôn thì thôn Yên Sơn đã được công nhận là làng nghề thuốc Nam truyền thống, còn hai thôn hiện nay có khoảng trên 60% hộ dân cũng đều phát triển nghề thuốc Nam. Từ khó khăn không có đất sản xuất, người Dao đã phát huy nghề truyền thống của cha ông để lại từ hơn 400 năm trước, mở ra nhiều cơ hội phát triển, kinh doanh cho những người làm nghề, thu hút được giới trẻ tiếp nối truyền thống phát triển kinh tế hộ gia đình. Với sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền, các bạn trẻ theo nghề được tạo điều kiện vay vốn với lãi suất ưu đãi, tham gia các lớp học về trồng trọt, chế biến thuốc Nam tại Trường Cao đẳng Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội, giúp thanh niên được trang bị bằng cấp, hỗ trợ cho việc bắt bệnh, chẩn đoán chính xác hơn và đáp ứng điều kiện hành nghề theo quy định. Nghề thuốc Nam ở đây ngày càng phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn. Tại thôn Yên Sơn, nhiều mô hình Hợp tác xã tập hợp các xã viên trồng thuốc đã được thành lập, góp phần thay đổi phương thức làm ăn, chuyển hướng kinh doanh tập thể, góp phần nâng cao đời sống người dân, tạo nhiều việc làm cho thanh niên nông thôn ngay tại địa phương.


Nhắc đến thu nhập của bà con, theo ông Dương Trung Liên, ấn tượng nhất là nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ xã Ba Vì đang tập trung lãnh đạo, định hướng cho bà con vừa trồng, vừa chăm sóc, thu hái, chế biến thuốc Nam. Nhờ có chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đào tạo nghề cho lao động dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế của người dân trong xã đã có chuyển biến tích cực. Vào năm 2011, xã có 51% hộ dân nghèo, nhưng sau khi chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng và chuyển đổi cách làm ăn, phát huy nghề truyền thống thuốc Nam thì xã Ba Vì tại thời điểm năm 2020 chỉ còn 7,4% tỷ lệ hộ nghèo (39 hộ nghèo). Giai đoạn này, kinh tế của bà con phát triển mạnh nhất. Trước đó, thu nhập bình quân đầu người chỉ 12 triệu đồng/năm, năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 25 triệu đồng/năm. Trong thời gian dịch Covid-19, công việc làm thuốc Nam của bà con xã vẫn được duy trì, tuy nhiên, việc bán thuốc Nam bị giảm khoảng 40% - ông Liên cho biết thêm.


Người Dao chăm sóc vườn thuốc Nam tại nhà.


Lưu giữ và phát triển tinh hoa làng nghề


Ở thôn Yên Sơn, nhà nào cũng biết làm thuốc, các thế hệ con cháu tiếp nối học nghề từ ông bà, bố mẹ. Từ 6-7 tuổi, trẻ em trong làng, trong thôn đã được người thân chỉ bảo về nghề, bắt đầu từ những việc nhận diện cây thuốc, phụ giúp gia đình phân loại, đóng gói thuốc… Nghề thuốc của người Dao ở Ba Vì được bồi đắp theo thời gian, thế hệ trước hướng dẫn, truyền thụ trực tiếp lại cho thế hệ sau. Những tinh hoa, kinh nghiệm làm nghề vì thế vừa kế thừa tri thức cổ truyền của dân tộc, vừa tích lũy bí quyết gia truyền của chính dòng tộc, gia đình.


Các cây thuốc quý ẩn mình dưới thảm thực vật phong phú của núi cao đại ngàn, trước đây, bà con phải lặn lội, khổ công vào rừng sâu, lên non cao để tìm kiếm, đường núi đèo dốc, đi lại vừa xa vừa vất vả, mỗi chuyến đi tìm cây thuốc phải mất mấy ngày. Những năm gần đây, thực hiện chủ trương của Chính phủ, bà con tự trồng cây thuốc tại vườn nhà, không còn phải vào rừng khai thác như trước. Việc làm thuốc trước kia được thực hiện thủ công, thì nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, nghề làm thuốc của bà con đã bớt nhọc nhằn hơn nhiều. Thay vì dùng dao băm chặt, bà con đã sử dụng máy cắt, máy nghiền nên nguyên liệu đều nhau, phơi nhanh khô. Từ thuốc lá bốc theo thang, bà con đã có thêm nhiều các loại thuốc nghiền bột, nấu cao cô đặc, rất thuận tiện cho người dùng, không phải đun hay sắc mất nhiều thời gian.


Để tiêu thụ sản phẩm, người Dao ở Yên Sơn thường gùi thuốc đến các chợ trong xã, trong huyện, các hội chợ và triển lãm để bán. Gần đây, thế hệ trẻ đã sử dụng mạng xã hội như facebook, zalo để quảng bá, giới thiệu nét đẹp tinh hoa làng nghề. Với thương hiệu làng nghề được khẳng định qua thời gian, nhiều khách hàng ở xa biết tiếng đã đặt hàng qua mạng, bà con đóng gói, chuyển xe khách đến tận tay người tiêu dùng.


Ông Dương Trung Liên chia sẻ, bên cạnh mảng kinh tế, hiện chúng tôi đang tập trung trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền bà con thực hiện nếp sống văn minh, gìn giữ nét văn hóa người Dao. Tin tưởng rằng, với những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, cùng với sự quyết tâm của bà con, xã Ba Vì sẽ tiếp tục có những đổi thay, tiến nhanh hơn trên con đường giảm nghèo bền vững.

Hồng Nga/TC GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.