THỨ HAI, NGÀY 06 THÁNG 05 NĂM 2024 11:21

Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo ở huyện Đà Bắc

25/07/2019 | 15:58
 
Thu hẹp khoảng cách giữa các vùng
 
Đà Bắc là huyện vùng cao khó khăn nhất của tỉnh, địa hình chia cắt, độ dốc lớn, giao thông khó khăn, cơ sở hạ tầng thiết yếu còn thiếu. Huyện có 19 xã và 1 thị trấn, trong đó 14 xã thuộc khu vực III, 5 xã khu vực II, 15 xã vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà. 
 
Do điều kiện tự nhiên khó khăn, ruộng ít, nương nhiều, nhỏ lẻ, manh mún gây khó khăn cho canh tác, đòi hỏi chi phí lớn, phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi đối với Đà Bắc khó khăn hơn nhiều địa phương khác trong tỉnh. Mặc dù diện tích rộng nhưng lại thiếu đất sản xuất, nhiều rừng núi nhưng kinh tế rừng khó phát triển. Mức đầu tư sản xuất lớn, song giao thông cách trở, giá nông sản từ những cây trồng chủ lực như ngô, sắn, gừng… thấp hơn nhiều khu vực khác. Mặt khác, người dân thiếu kiến thức ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao.
 
Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo được phê duyệt đã góp phần đáng kể vào công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương. Đồng chí Xa Văn Chí, Trưởng phòng LĐTBXH huyện Đà Bắc cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, huyện tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội nhằm xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là đối với các xã, xóm đặc biệt khó khăn, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng. Đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, gắn giảm nghèo bền vững với Chương trình Xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo được tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản.
 
Một trong những mục tiêu lớn của huyện Đà Bắc trong công tác giảm nghèo là tăng dần sự chủ động tiếp cận các chính sách về giảm nghèo đối với người nghèo, nhất là tiếp cận vốn vay để sản xuất, phát huy tính tự lực, chủ động tiếp cận các dịch vụ xã hội, tránh việc hộ nghèo có tâm lý ỷ lại vào sự hỗ trợ, không có tư tưởng vươn lên thoát nghèo. Để thực hiện mục tiêu này, cùng với việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, huyện đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững. Cùng với đó, từ việc triển khai những dự án, mô hình phù hợp với điều kiện địa phương sẽ nhân rộng thực hiện để khuyến khích người dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. 

                                                                                                    
Tập huấn kỹ thuật trồng cây ăn quả do Huyện Đoàn tổ chức. 
 
Chuyển biến kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội
 
Chỉ tiêu Nghị quyết HĐND huyện đề ra giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3 - 4%/năm. Trong đó, chú trọng xây dựng và nhân rộng cách làm có hiệu quả của mô hình giảm nghèo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và mới thoát nghèo. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu gắn với sản xuất và chế biến sản phẩm, từng bước hình thành và phát triển nông sản hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Trong những năm qua, việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa của huyện Đà Bắc đạt được những thành tích quan trọng. Diện mạo nông thôn miền núi thay đổi tích cực. Thu nhập bình quân đầu người của huyện năm 2014 đạt 17 triệu đồng, đến năm 2019 ước đạt gần 26 triệu đồng.
 
Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp phát triển khá tích cực, đặc biệt về trồng cây ngô, lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm, cá lồng… Năng suất lúa bình quân toàn huyện duy trì hàng năm trên 50,5 tạ/ha, một số xã có năng suất cao như Đồng Chum, Mường Chiềng, Tu Lý đạt 60 tạ/ha. Những xã có diện tích trồng ngô lớn như Cao Sơn, Hào Lý, Mường Tuổng… năng suất đạt gần 47 tạ/ha. 
 
Nghề nuôi cá lồng, cá ao và đánh bắt thủy sản vùng hồ sông Đà ngày càng phát triển. Thống kê toàn huyện hiện có tổng diện tích ao, hồ nuôi thả cá gần 83ha, số lồng cá nuôi đạt gần 1.910 lồng. Công tác quản lý, bảo vệ, chăm sóc, phòng, chống cháy rừng được quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt. Hàng năm, diện tích rừng trồng toàn huyện đạt trên 1.161ha. Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ có bước phát triển tích cực. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến nay đạt 377 tỷ đồng, tăng 220% so với 5 năm trước. Các sản phẩm dần đa dạng như chế biến bột giấy, đá xây dựng, gạch nung, đồ mộc dân dụng, chè búp khô, tăm mành, chổi chít, thủy điện… Thương mại, cung cầu hàng hóa thông thương, ổn định. Các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân được cung ứng đầy đủ, kịp thời. Đến nay, toàn huyện có 10 xã và thị trấn Đà Bắc đã xây dựng chợ thuận lợi cho việc giao lưu, trao đổi hàng hóa. Xe khách đã thông tuyến đến các xã: Đồng Nghê, Đồng Chum, Yên Hòa, Đoàn Kết, Tiền Phong… và đã có tuyến xe buýt từ cảng Thung Nai (Cao Phong) đi đến xã Cao Sơn (Đà Bắc).
 

Trường THCS Mường Chiềng (Đà Bắc).
 
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng, trụ sở các xã, thị trấn trong huyện được quan tâm đầu tư đồng bộ theo hướng kiên cố. Trong đó, trên 70% công trình trường học, trạm y tế xã, thị trấn được đầu tư xây dựng kiên cố đảm bảo cho việc học tập, khám, chữa bệnh của nhân dân; 100% xã có điện lưới quốc gia với 99,9% hộ sử dụng điện; trên 70% công trình thủy lợi được kiên cố hóa đảm bảo đủ nước tưới cho 2 vụ với 70% diện tích lúa nước; hệ thống giao thông, các tuyến đường liên xã, liên thôn và những nơi tập trung dân cư cơ bản được nhựa hóa, bê tông hóa. 
 
Theo ông Đinh Công Báo, Bí thư Huyện ủy Đà Bắc, trong thời gian tới, địa phương tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhân dân và Nhà nước để tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở thiết yếu. Phát huy mạnh mẽ tính tự lực, tự cường vươn lên, khai thác có hiệu quả các tiềm năng về lao động, đất đai cùng các thế mạnh khác của địa phương nhằm phát triển toàn diện về các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, cá lồng vùng hồ; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ…, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện.
 

Sơn Thành/GĐTE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.