THỨ NĂM, NGÀY 09 THÁNG 05 NĂM 2024 08:47

Dự báo xu hướng lao động và xã hội thời gian tới - Nền kinh tế vẫn tạo ra nhiều việc làm

27/02/2020 | 16:17

Báo cáo gồm 9 chương, trong đó bao quát các vấn đề của ngành LĐ-TB&XH như: dân số, lao động, việc làm; tiền lương, năng suất lao động; an toàn, vệ sinh lao động; bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp; giảm nghèo; trợ giúp xã hội; bình đẳng giới; bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

TS. Chử Thị Lân – Giám đốc Trung tâm Môi trường và Điều kiện lao động báo cáo tóm tắt kết quả của Báo cáo

Giới thiệu tóm tắt về các nội dung này, TS. Chử Thị Lân – Giám đốc Trung tâm Môi trường và Điều kiện lao động cho biết: Đánh giá xu hướng lao động và xã hội đến năm 2021 có thể thấy, quy mô dân số cả nước sẽ tiếp tục tăng với tốc độ bình quân 1,07%/năm trong giai đoạn 2019 -2021, đạt 96,21 triệu người năm 2019 và 97,75 triệu người vào năm 2021. Dân số thành thị tiếp tục tăng nhanh do xu hướng đô thị hoá các luồng di sân nông thôn – thành thị diễn ra ngày càng mạnh. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của dân số từ 15 tuổi trở lên giảm nhẹ, 76,06% năm 2019 và 75,48% năm 2021.  Quy mô lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên tăng lên 55,76 triệu người năm 2019 và 56,62 triệu người năm 2021. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ đạt 23,14% năm 2019 và 25,82% năm 2021.

Về xu hướng tiền lương, năng suất lao động: Năm 2019, tiền lương danh nghĩa bình quân của lao động làm công hưởng lương đạt 6,15 triệu đồng/tháng và tăng lên 6,53 triệu đồng vào năm 2021. Khoảng cách tiền lương bình quân giữa ngành nông lâm thủy sản và ngành công nghiệp, dịch vụ vẫn khá lớn. Khoảng cách này lần lượt trong năm 2019 là 64,32% và 57,73%; dự báo đến năm 2021, khoảng cách này sẽ là 63,51% và 57,50%....

TS. Đào Quang Vinh – Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội phát biểu tại buổi công bố

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CN 4.0) và xu hướng đầu tư, đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang chú trọng hơn vào chất lượng nhân lực để tăng năng suất lao động, cải thiện năng lực cạnh tranh. Những lao động không thích ứng kịp với đổi mới, trong đó có lao động trung niên, phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm hoặc việc làm thiếu bền vững. PV Tạp chí Gia đình & Trẻ em đã phỏng vấn TS. Đào Quang Vinh – Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội về vấn đề này.

Số hộ nghèo vùng sâu, vùng xa vẫn có nguy cơ tái nghèo

Xin TS. Đào Quang Vinh cho biết đánh giá của ông về xu hướng lao động và xã hội đề cập trong Báo cáo Xu hướng lao động và xã hội Việt Nam lần thứ 9 này?

TS. Đào Quang Vinh: Nhìn chung các lĩnh vực về lao động và xã hội trong 10 năm qua đang diễn biến theo chiều hướng rất tích cực. Ta có thể thấy số việc làm tạo ra ổn định. tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì tỷ lệ ở mức thấp, xoay quanh khoảng 3% đối với lao động thất nghiệp ở đô thị 10 năm nay, và trong những năm tới, chúng tôi dự báo cũng sẽ ở mức như vậy, tức là nền kinh tế vẫn tạo ra nhiều việc làm. Chất lượng việc làm tăng lên, thể hiện rõ ở năng suất lao động, tiền lương, thể hiện ở chỉ tiêu về chỉ số cạnh tranh thì nguồn nhân lực Việt Nam rất tốt.

Về các chỉ tiêu tổng hợp khác như bình đẳng giới, các chỉ tiêu về xã hội, về công bằng xã hội với các lĩnh vực cụ thể, như: trợ giúp xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người già, các nhóm đối tượng yếu thế đang có chiều hướng tích cực, các chương trình phúc lợi ngày càng mở rộng, sự tham gia của xã hội ngày càng nhiều hơn. Xu hướng rất rõ trong tỷ lệ giảm nghèo đã giảm liên tục trong nhiều năm qua, và cũng rất tốt cho đảm bảo công bằng xã hội.

TS. Đào Quang Vinh trả lời phỏng vấn của TC Gia đình & Trẻ em

Tuy nhiên báo cáo cũng chỉ ra những vấn đề cần quan tâm, ví dụ chất lượng lao động có tăng lên, song vẫn còn chậm, tỷ lệ qua đào tạo chỉ xoay quanh mức 21-22% là thấp. Năng suất lao động nếu so với các nước trong khu vực vẫn còn thấp, tuy có tăng lên nhưng chưa theo kịp kỳ vọng. Hệ thống an sinh xã hội đã có nhiều tiến bộ nhưng độ bao phủ vẫn chưa cao, mức trợ cấp xã hội theo Chương trình 136 vẫn còn rất thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu tối thiểu của các đối tượng. Về giảm nghèo tuy tỷ lệ đã giảm nhiều, nhưng số hộ nghèo bây giờ khu trú vào khu vực miền núi, dân tộc thiểu số (chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước), và tỷ lệ tái nghèo còn cao, tỷ lệ cận nghèo còn cao, những người này có nguy cơ trước bất cứ một “cú sốc” nào đấy là có thể bị nghèo trở lại.

Các chính sách của chúng ta cũng chưa đầy đủ, và nhiều khi bị động trước những biến động của kinh tế - xã hội, chưa đi trước đón đầu để “bắt kịp” hay giải quyết những vấn đề phát sinh. Đề cập đến tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 (CN 4.0) xuất hiện nhiều mô hình việc làm mới với những kỳ vọng lao động mới thì chính sách cho họ như thế nào? Như hiện nay giải quyết bảo hiểm xã hội, cũng như các vấn đề an sinh xã hội cho số lao động làm việc tự do, cho lao động Grab như thế nào, các mô hình kinh tế chia sẻ xuất hiện nhiều thì các chính sách đi kèm, kể cả chính sách về lao động việc làm, về đào tạo, về an sinh xã hội như thế nào? Còn rất nhiều những vấn đề chúng ta cần phải nghiên cứu nhiều hơn. Đặc biệt trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh, thị trường thay đổi nhanh thì chính sách lại càng phải nhanh nhạy hơn, đấy là thách thức cho ngành LĐ-TB&XH.

Tận dụng lao động giá rẻ vẫn đang tốt hơn là đầu tư lớn cho công nghệ

Trong bối cảnh CN 4.0, những lao động không thích ứng kịp với đổi mới, đặc biệt trong đó có lao động trung niên ngành công nghiệp chế biến chế tạo, phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm hoặc việc làm thiếu bền vững. Về hướng nghiên cứu chính sách, ông có gợi mở tháo gỡ khó khăn cho họ thế nào?


TS. Đào Quang Vinh: Đối với người lao động trung niên, đặc biệt là trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hiện nay cũng đang có nhiều ý kiến lo ngại trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng thì họ sẽ gặp khó khăn mất việc làm do tự động hóa chuyển đổi công nghệ khiến cho họ thay đổi nghề không kịp, các chính sách nhà nước phải thay đổi thế nào, dạy nghề ra sao để cho họ có thể hòa nhập tốt với thị trường? Chúng tôi đã có vài nghiên cứu trong năm 2018-2019, về thực tiễn cho thấy, ít nhất là trong trước mắt những xáo trộn lớn về thị trường như: sa thải, mất việc làm có tính chất đồng loạt là không có. Chúng tôi cố gắng tìm hiểu tại sao như vậy, bởi trên thực tế việc đổi mới công nghệ diễn ra không thể nhanh được. Lý do rất nhiều doanh nghiệp đưa ra là yêu cầu về tài chính rất cao, muốn thay đổi công nghệ yêu cầu doanh nghiệp phải có tiềm lực đầu tư về tài chính, cái đấy không phải doanh nghiệp nào cũng làm được. Thứ hai, rất nhiều doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp có năng lực về tài chính, doanh nghiệp nước ngoài hiện nay đang cố gắng tận dụng tối đa lao động giá rẻ của Việt Nam. Do đó hiện nay theo đánh giá của các doanh nghiệp cho rằng: việc tận dụng lao động giá rẻ vẫn đang tốt hơn là đầu tư cho công nghệ. Người ta làm bài toán giữa đầu tư rất nhiều tiền để thay đổi công nghệ và giảm lao động, tăng năng suất với việc đầu tư từ từ và vẫn tiếp tục sử dụng lao động và trả lương ở mức vừa phải như hiện nay thì cái nào doanh nghiệp thu lại lợi nhuận cao hơn? Việc thay đổi từ từ và tiếp tục giữ lao động là doanh nghiệp vẫn lựa chọn. Cho nên không có chuyện sa thải, và thực tế chúng tôi thấy hiện nay nhiều doanh nghiệp kêu là thiếu lao động và đang khó tuyển.

Trong thực tiễn đã có những trường hợp người lao động trung niên bị mất việc làm trong tình huống doanh nghiệp thay đổi, đặc biệt là với những doanh nghiệp đang gặp thách thức về cạnh tranh với các công ty nước ngoài để tăng năng suất lao động, giảm chi phí thì một số doanh nghiệp tìm cách đào tạo, có những chương trình hỗ trợ người lao động học tập, nâng cao hiệu quả để duy trì việc làm. Một số người lao động trung niên khác cũng tận dụng cơ hội và các chính sách bảo hiểm thất nghiệp để có thêm điều kiện học ngành nghề khác, hoặc nâng cao tay nghề. Thực tế chúng tôi cũng không thấy có những tác động lớn, nếu quan sát trong mấy năm gần đây thấy tỷ lệ thất nghiệp vẫn tương đối ổn định, số việc làm khi người lao động bị giảm ở các lĩnh vực này thì ở các lĩnh vực khác vẫn tiếp tục là thu hút, bởi nhu cầu tuyển dụng vẫn còn cao. Bây giờ cứ tính mức lương ở thị trường Việt Nam vẫn khá cạnh tranh so với các nước khác trong khu vực. Do đó với mức lương như hiện nay, doanh nghiệp vẫn sẵn sàng thuê tuyển lao động, kể cả lao động trung niên.

"Tổng số việc làm tăng lên chứ không giảm đi"

Theo ông dự báo thì dưới tác động của CN 4.0 những ngành nghề nào chịu nhiều ảnh hưởng nhất, và những nghề mới nào phù hợp với sự chuyển đổi cho lao động Việt Nam thời gian tới?

TS. Đào Quang Vinh: Theo các nghiên cứu gần đây của các tổ chức có uy tín như: ILO,… cho rằng đối với Việt Nam sắp tới có 3 nhóm lao động sẽ chịu tác động thay thế, bị tinh giảm do chuyển đổi công nghệ. Thứ nhất là nông nghiệp, đây là ngành bị tác động nhiều nhất; thứ hai là ngành chế biến, chế tạo, rất nhiều những lao động dịch chuyển sẽ bị tác động khi áp dụng các công nghệ mới, robot tự động,…; Thứ ba là ngành thương mại. Nhưng đồng thời các nghiên cứu cũng chỉ ra trong ngành chế biến, chế tạo cũng lại là ngành tạo ra việc làm mới nhiều hơn. Họ đồng thời giảm việc làm ở một số vị trí công việc, một số dây chuyền, nhưng lại tạo ra việc làm ở những vị trí khác. Ví dụ khi doanh nghiệp giảm lao động lắp ráp dây chuyền thì sẽ xuất hiện nhu cầu lao động để vận hành hệ thống thiết bị, lao động về duy trì, bảo dưỡng hệ thống giám sát,… Những lao động này đòi hỏi phải đáp ứng các kỹ năng khác, những kiến thức mới, do đó vấn đề đặt ra là cần đào tạo lại. Lao động trong khu vực bán buôn, bán lẻ tăng lên rất nhiều. Hiện nay lĩnh vực dịch vụ truyền thống đang suy giảm, như bán hàng truyền thống giảm nhưng đồng thời bán hàng trực tuyến tăng lên rất nhiều. Hay trong một ngành dịch vụ truyền thống giảm nhưng dịch vụ mới tăng nhanh như Grab, trong du lịch, nhà hàng, khách sạn cũng đang tăng lên. Đấy là những ngành kinh tế đang có tốc độ tăng trưởng rất cao.

Theo đánh giá chung, tổng số việc làm đã tăng lên chứ không phải giảm đi. Do đó vấn đề là người lao động phải được đào tạo như thế nào? Người lao động hiện nay có trình độ tay nghề được đào tạo lại, đào tạo nâng cấp như thế nào để đáp ứng được yêu cầu của các vị trí công việc mới và sắp tới sẽ được tạo ra, đòi hỏi phải có những nghiên cứu thị trường, dự báo ngành nghề, các hệ thống giáo dục đào tạo, kể cả giáo dục nghề nghiệp để có thể nắm bắt rất nhanh nhạy với nhu cầu thị trường để thay đổi chương trình giáo trình, đáp ứng các yêu cầu về kỹ năng nghề nghiệp để đào tạo cho học sinh, sinh viên.

Các báo cáo đều nhấn mạnh đối với lao động Việt Nam, đầu tiên là cần kiến thức về công nghệ thông tin (đây là nhu cầu rất lớn), thứ hai là ngoại ngữ bởi vì rất nhiều yêu cầu về kỹ năng, về công nghệ gắn với các hướng dẫn, các chương trình bằng tiếng Anh là phổ biến, nên người lao động không có ngoại ngữ thì rất khó. Thứ ba là các kỹ năng mềm đang là thiếu hụt nhất.

Các nghiên cứu hiện nay đều chỉ ra về mặt tay nghề thì lao động Việt Nam rất chắc và nhanh nhẹn, nhưng các kỹ năng mềm thường là kém. Các kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc nhóm, về nhận thức về cách tư duy, cách phản biện, dám đương đầu, chủ động hơn không thụ động, ngoại ngữ đòi hỏi phải được đào tạo ngay từ bậc học phổ thông. Học hỏi kỹ năng mềm cần có thời gian dài và phải chuẩn bị từ sớm.

Về giáo dục nghề nghiệp hiện nay có đáp ứng được phần nào tốt hơn kỹ năng mềm đang còn thiếu hụt, thưa ông?

TS. Đào Quang Vinh: Hiện nay trong các chương trình đào tạo, các trường phổ thông đã quan tâm nhiều hơn dạy các kỹ năng. Các trường dạy nghề cũng quan tâm nhiều hơn đến kỹ năng mềm. Và hiện nay một số trung tâm của tư nhân chuyên đào tạo kỹ năng mềm như dạy tư duy logic, khả năng trình bày, phản biện,… để đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Xin cảm ơn TS. Đào Quang Vinh.

Hồng Nga / TC Gia đình & Trẻ em

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

5 tháng trước

Nhằm động viên, chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường và các em học sinh vùng khó khăn, các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại xã Phình Hồ...