THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 05 NĂM 2024 10:40

Du lịch Hà Nội mở ra nhiều hướng để phát triển

31/05/2019 | 17:02
 
Phối hợp, hỗ trợ phát triển du lịch
 
Ở quận Tây Hồ, cuộc làm việc giữa Sở Du lịch Hà Nội với UBND quận Tây Hồ cách đây 3 năm đã mở ra nhiều đầu việc cụ thể để phát triển du lịch quận, trong đó có kêu gọi đầu tư xây dựng và thực hiện một số điểm dịch vụ du lịch khu vực hồ Tây, như: “Điểm thưởng thức trà sen Quảng An”, “Thung lũng hoa”; “Bãi đá sông Hồng”, “Không gian biểu diễn, ẩm thực quận Tây Hồ” tại tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn… Nhờ sự hỗ trợ đó, hiện một số điểm dịch vụ du lịch trên đã trở thành địa chỉ quen thuộc với người dân Hà Nội và du khách. Cụ thể, “Thung lũng hoa” thường đón trung bình trên 300 lượt khách/ngày đến tham quan, chụp ảnh; "Không gian biểu diễn, ẩm thực quận Tây Hồ" đón hàng nghìn người vào dịp cuối tuần...


Mùa sen Hồ Tây thu hút dịch vụ du lịch.
 
Tây Hồ chỉ là một trong những trường hợp điển hình về sự phối hợp, hỗ trợ phát triển du lịch giữa đơn vị quản lý du lịch cấp thành phố với các quận, huyện, thị xã. Trong năm qua, thực hiện Kế hoạch tổ chức khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố, Sở Du lịch đã tổ chức đoàn khảo sát với sự tham gia của các doanh nghiệp, cơ quan truyền thông… tại Mỹ Đức, Sóc Sơn, Thường Tín, Thạch Thất, Ba Vì, Phú Xuyên, Mê Linh, Thanh Oai…
 
 Tại các địa phương ngoại thành, với những ưu thế riêng, qua những cuộc khảo sát này cũng như cuộc tọa đàm do Sở Du lịch đồng chủ trì, các huyện đã nhìn nhận rõ hơn về định hướng khai thác tiềm năng du lịch trên địa bàn, đặc biệt là phát triển du lịch tâm linh kết hợp với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần hoặc điểm tham quan và trải nghiệm dành cho đối tượng học sinh, sinh viên, khách quốc tế.
                                                                                               
Sự hỗ trợ của cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ giúp các quận, huyện, thị xã nhanh chóng nắm bắt thông tin, tìm được hướng đi cho mình và có cách làm cụ thể, phù hợp.
 
Liên kết phát huy tiềm năng, thế mạnh
 
  Các địa phương đều có tiềm năng về du lịch, song vấn đề là phải nhìn nhận ra được tiềm năng đó để khai thác sao cho hiệu quả. Điều này càng cho thấy vai trò quan trọng của đơn vị quản lý nhà nước cấp thành phố trong việc đẩy mạnh phát triển du lịch tại các quận, huyện, thị xã nói riêng cũng như tại Thủ đô nói chung.
 
Sở Du lịch Hà Nội đã có hàng loạt giải pháp phối hợp, hỗ trợ xây dựng điểm đến du lịch tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố được thực hiện trong thời gian qua, như phối hợp tham mưu, đề xuất, báo cáo Thành ủy, HĐND, UBND xin chủ trương đầu tư xây dựng và thực hiện các dự án, chương trình phát triển du lịch ở địa phương. Sở kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược tham gia phát triển du lịch, rà soát, thống kê các sản phẩm làng nghề tiêu biểu, điểm di tích lịch sử, văn hóa để lập kế hoạch tập trung đầu tư phát triển 1 - 2 sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương. Cụ thể là xây dựng video clip, giao diện ảnh 360 độ, chuẩn hóa các bài thuyết minh về địa danh, làng nghề, sản phẩm làng nghề của địa phương để giới thiệu, quảng bá cho các doanh nghiệp du lịch và du khách; tổ chức đưa các doanh nghiệp du lịch về khảo sát dịch vụ nhằm xây dựng tour, tuyến du lịch... Ngoài ra, Sở còn lựa chọn hỗ trợ xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tại Cổ Đô (Ba Vì), Vân Từ (Phú Xuyên), Vạn Phúc (Hà Đông), Bát Tràng (Gia Lâm), làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây)… Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ hỗ trợ các đơn vị nghệ thuật của Trung ương và Thành phố xây dựng một số điểm cố định biểu diễn nghệ thuật truyền thống như: ca trù, múa rối, hát chèo, chầu văn…, nhằm kết nối tour, tuyến du lịch tham quan di tích và thưởng thức nghệ thuật chất lượng cao; Tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có phẩm chất đạo đức tốt, chuyên môn nghiệp vụ giỏi. Đồng thời, tiếp tục tổ chức và phối hợp các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch trong nước, trong khu vực và trên thế giới.


Đền Sóc Sơn.
 
Từ hiệu quả của cách làm này, trong năm 2019 và các năm tiếp theo, Sở Du lịch sẽ tiếp tục khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch nhằm kết nối và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tại các quận, huyện, thị xã để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của các đối tượng, thị trường khách du lịch. Rõ ràng, sự chung tay của các đơn vị quản lý nhà nước cùng các doanh nghiệp đang mang đến nhiều cơ hội cho các quận, huyện, thị xã. Vấn đề là mức độ nắm bắt, tận dụng của các địa phương để nâng vị thế của ngành Du lịch trong tổng thể cơ cấu kinh tế - xã hội chung.
 
Những năm qua, Hà Nội tập trung khai thác du lịch di sản, du lịch văn hóa, và trong thời gian tới, Thành phố sẽ kết hợp thế mạnh này với việc tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế. Thành phố đang nỗ lực đầu tư vào hạ tầng, phát triển các sản phẩm mới, xây dựng du lịch thông minh... để đáp ứng nhu cầu khách du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng.
 
Bằng các giải pháp phát triển đồng bộ, sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, doanh nghiệp, người dân… cùng những nỗ lực phấn đấu không ngừng của tập thể cán bộ, nhân viên Sở Du lịch Hà Nội, tin tưởng rằng ngành Du lịch Thủ đô sẽ thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có sức cạnh tranh, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đưa hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn, có đẳng cấp và xứng đáng là trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực.
Từ hiệu quả của cách làm này, trong năm 2019 và các năm tiếp theo, Sở Du lịch sẽ tiếp tục khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch nhằm kết nối và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tại các quận, huyện, thị xã để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của các đối tượng, thị trường khách du lịch.
 

Thành Sơn/GĐTE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...