THỨ BA, NGÀY 07 THÁNG 05 NĂM 2024 10:22

Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số điều liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em

07/08/2019 | 22:21

Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2018 có 1.547 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện với 1.669 đối tượng, xâm hại 1.579 em, giảm 2,8% so với năm 2017. Trong đó, số vụ án xâm hại tình dục trẻ em là 1.269 vụ (chiếm 82% so với tổng số vụ xâm hại trẻ em) với 1.233 đối tượng, xâm hại 1.141 em. Trong đó: Hiếp dâm trẻ em: 425 vụ, 411 đối tượng, xâm hại 391 em; Cưỡng dâm trẻ em: 06 vụ, 06 đối tượng, xâm hại 06 em; Giao cấu với trẻ em: 606 vụ, 591 đối tượng, xâm hại 531 em; Dâm ô với trẻ em: 232 vụ, 225 đối tượng, xâm hại 213 em. Tuy số vụ có giảm, nhưng tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng gia tăng về tính chất và mức độ nghiêm trọng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ em, trong đó nhiều vụ án gây bức xúc dư luận xã hội.


Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm UBVHGDTNTN&NĐ QH chủ trì Hội thảo tham vấn.
 
Hướng dẫn áp dụng một số điều liên quan đến xét xử xâm hại tình dục trẻ em
 
Dự thảo lần thứ 4 của Hội đồng thẩm phán toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều từ 141 đến 147 của Bộ luật Hình sự, hướng dẫn giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn xét xử và việc tổ chức xét xử vụ án xâm hại tình dục trẻ em. 
 
Tại Hội thảo tham vấn, luật sư Phạm Thị Bích Hảo và luật sư Lê Mai đã trực tiếp làm việc cùng các chuyên gia, đại biểu thảo luận nhóm về các vấn đề này.
 
 
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo phát biểu.
 
Điều 2 của Dự thảo giải thích rõ ràng các từ ngữ như: xâm hại tình dục trẻ em, bóc lột tình dục trẻ em, quan hệ tình dục, bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể, dụng cụ tình dục, dụng cụ khác. Điều 3 Một số tình tiết định tội như giao cấu, hành vi quan hệ tình dục khác, dâm ô, trình diễn khiêu dâm, trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm, các hình thức biểu hiện trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân, thủ đoạn khác, trái với ý muốn của nạn nhân, người lệ thuộc, người đang ở trong tình trạng quẫn bách; Điều 4. Một số tình tiết định khung như: có tính chất loạn luân, phạm tội 02 lần trở lên, nhiều người hiếp một người, nhiều người cưỡng dâm một người cũng được quy định chi tiết. Tuy nhiên, một số diễn giải mang tính hàn lâm, chưa cụ thể nên một số đại biểu tham dự Hội thảo tham vấn đã đề nghị cần hướng dẫn chi tiết và dễ hiểu hơn vì Nghị quyết này không chỉ dành cho tòa án, mà còn dành cho toàn thể nhân dân, trong đó có đối tượng là trẻ em để mọi người cùng hiểu rõ, việc hiểu rõ pháp luật có thể góp phần ngăn chặn tội ác xảy ra.
 
Điều 5 quy định Các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự đã được các chuyên gia bảo vệ, chăm sóc trẻ em đến từ các Bộ, ban, ngành, tổ chức thảo luận hết sức kỹ lưỡng. “Không xử lý hình sự theo quy định tại Điều 146 Bộ luật Hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp sau: a) Người trực tiếp chăm sóc, giáo dục người dưới 10 tuổi, người bệnh, người tàn tật có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của họ nhưng không có tính chất tình dục…” được đề xuất sửa độ tuổi của trẻ thành 13 cho phù hợp với các quy định khác tại Bộ luật Hình sự. Đối tượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy cứu người cũng được bổ sung vào là một trong các trường hợp không xử lý hình sự.
 
Điều 6 Các nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội xâm hại tình dục trẻ em cũng được bàn thảo kỹ lưỡng để không lọt tội trong quá trình xét xử. 
 
Điều 7 Việc tổ chức xét xử vụ án xâm hại tình dục có bị hại là trẻ em với rất nhiều hướng dẫn quan trọng như: xét xử kín, tuyên án công khai; phân công thẩm phán có kiến thức hoặc kinh nghiệm xét xử các vụ án liên quan đến trẻ em phụ trách; khi tham gia xét xử, thẩm phán mặc trang phục làm việc hành chính của Tòa án nhân dân, không mặc áo choàng; xử án tại Phòng xét xử thân thiện theo đúng quy định; có sự tham gia của người đại diện, người giám hộ, luật sư của trẻ em; hạn chế triệu tập bị hại là trẻ em đến tòa nếu vẫn giải quyết được vụ án bằng việc áp dụng các biện pháp thay thế khác; trường hợp phải triệu tập trẻ em đến phiên tòa, tòa án cần tạo điều kiện để các em làm quen, tiếp xúc với môi trường tòa án, với quy trình và thủ tục xét xử, bố trí ngồi ở phòng cách ly và sử dụng các thiết bị điện tử hỗ trợ để không làm ảnh hưởng đến tâm lý trẻ khi khai báo, trường hợp không bố trí được phòng cách ly thì để trẻ ngồi ở phòng xử án nhưng phải có màn che ngăn cách với khu vực của bị cáo và khoảng cách giữa Hội đồng xét xử với người bị hại là trẻ em không quá 3m; câu hỏi đối với bị hại là trẻ em phải phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển, trình độ văn hóa, hiểu biết của trẻ; sử dụng sơ đồ hoặc mô hình cơ thể có đánh số thứ tự các bộ phận để người bị hại là trẻ em xác định các bộ phận bị xâm hại mà không phải xác định trên cơ thể mình; khi bị cáo có nhu cầu hỏi bị hại là trẻ em thì phải đề nghị người bào chữa hoặc Hội đồng xét xử hỏi; khi xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em, tòa án không được thực hiện: yêu cầu bị hại là trẻ em tường thuật lại chi tiết quá trình phạm tội, sử dụng câu hỏi có tính chất công kích, đe dọa, gây xấu hổ, xúc phạm, đối chất với người phạm tội tại phiên tòa, xác định bộ phận bị xâm hại bằng cách để bị hại là trẻ em chỉ trực tiếp vào bộ phận cơ thể của mình hoặc của người khác, để bị cáo hỏi trực tiếp bị hại là trẻ em, buộc bị hại là trẻ em phải đứng khi tham gia tố tụng, công khai bản án, quyết định của tòa án liên quan đến vụ án trên Cổng thông tin điện tử của tòa án.
 
 
Luật sư Lê Mai phát biểu.
 
Những khó khăn trong quá trình hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục 

Trên thực tế, các luật sư bảo vệ trẻ em cho biết, việc thu thập chứng cứ để khởi kiện và quá trình xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em thường gặp không ít khó khăn.
 
Không nhất thiết phải thành lập Tòa Gia đình và Người chưa thành niên như ở Đồng Tháp hay TP.HCM nhưng nhất thiết phải có sự hỗ trợ, tư vấn về pháp lý cho trẻ em bị xâm hại tình dục trong quá trình tố tụng. Phải có thẩm phán chuyên trách về trẻ em đứng ra xét xử. Các thẩm phán nên là nữ và không mặc đồng phục khi tiếp cận trẻ em để các em không bị hoang mang, lo lắng thái quá mà ảnh hưởng trực tiếp đến lời khai. Hạn chế việc đối chất, yêu cầu trẻ tham gia dựng lại hiện trường vụ án vì những việc làm này vô tình khiến trẻ “đau” thêm một lần nữa. Thủ tục giám định trẻ em bị xâm hại tình dục cũng cần lược giản bớt để kịp thời, giảm chi phí.
 
Vấn đề chăm sóc trẻ sau khi bị xâm hại cũng là một vấn đề rất đáng lưu tâm, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh cho biết, có em bé mới 13 tuổi đã bị xâm hại tình dục dẫn đến mang thai và sinh con. Việc đi làm giấy khai sinh cho trẻ là con của trẻ em bị xâm hại tình dục gặp phải vướng mắc do mẹ chưa đủ 18 tuổi, tuy nhiên, trẻ em sinh ra có quyền được khai sinh, đó là một trong những quyền sống còn của trẻ, khi các luật sư can thiệp thì việc khai sinh cho con của đối tượng bị xâm hại là trẻ em cũng đã được giải quyết.
 
 

Đại biểu tham dự Hội thảo cùng thảo luận về Dự thảo Nghị định.
 
Lại có nhiều em bị xâm hại tình dục là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, sinh ra trong gia đình nghèo khó, việc chăm sóc các em sau khi bị xâm hại tình dục, bị xâm hại tình dục dẫn đến sinh con không chưa thực sự được tốt khiến cho các em ngày càng gầy mòn. Mô hình “Ngôi nhà hạnh phúc” nhận chăm sóc trẻ em bị xâm hại tình dục, những em bé bị xâm hại tình dục phải làm mẹ sớm bất đắc dĩ có thể vào ở trong các ngôi nhà này, nhưng con của các em thì không nằm trong quy định được chăm sóc. Đây cũng là một vướng mắc cần được can thiệp và hỗ trợ sớm.
 
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo tham vấn, bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm UBVHGDTNTN&NĐ QH đánh giá cao các góp ý của các luật sư và chuyên gia bảo vệ, chăm sóc trẻ em và mong sẽ sớm có Nghị quyết liên tịch về vấn đề này. Bà Ngô Thị Minh cũng mong rằng tỉnh/thành nào cũng có chi Hội Bảo vệ trẻ em và các cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em được đào tạo, tập huấn, được trang bị kiến thức kỹ lưỡng để có thể bảo vệ và chăm sóc trẻ em tốt hơn.
 
Quốc hội sẽ sớm phối hợp cùng các cơ quan ban ngành xây dựng luật công tác xã hội để việc bố trí các cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng như trợ giúp các đối tượng yếu thế khác được thuận tiện hơn.

Thanh Huyền/GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.