THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 12:10

Đưa nghệ thuật truyền thống từ sân đình đến sân trường

02/07/2022 | 09:50
Lâu nay, nhiều người thường nghĩ giới trẻ thờ ơ với nghệ thuật dân tộc, tuy nhiên dự án “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương” đã chứng minh thực tế khác. 8 năm qua, các bạn trẻ đã đến với Chèo 48h một cách tự nguyện: tự nguyện trải nghiệm, tham gia bộ môn nghệ thuật cổ truyền: chèo, xẩm, chầu văn, quan họ… Đó là bởi, Chèo 48h đã tạo được một lối đi mới, một cách tiếp cận mới, rất hấp dẫn.
Một buổi học hát quan họ của dự án Chèo 48h - Tôi Chèo về quê hương.

Một buổi học hát quan họ của dự án "Chèo 48h - Tôi Chèo về quê hương".

Đưa nghệ thuật chèo vào trường học

Xuất phát từ niềm say mê với nghệ thuật dân tộc, một nhóm bạn trẻ đã thành lập dự án “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương”, nhằm gìn giữ và truyền cảm hứng cho giới trẻ tìm hiểu, khám phá văn hóa nghệ thuật của cha ông thông qua những hình thức giáo dục trải nghiệm thú vị. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào, tình yêu với văn hóa nước nhà.

Hoạt động chính của Dự án là tổ chức các lớp học nghệ thuật do các giảng viên là nghệ nhân, nghệ sĩ có chuyên môn lâu năm hướng dẫn; tổ chức các sự kiện thưởng thức và trải nghiệm nghệ thuật cộng đồng; truyền thông với các sản phẩm sáng tạo, chất lượng tới công chúng. Một số chương trình để lại dấu ấn như: Không gian nguồn cội, Về nguồn, Trải nghiệm di sản văn hóa phi vật thể... Các tiết mục biểu diễn do chính các học viên được đào tạo từ các lớp học của Dự án thể hiện. Thực hiện mục tiêu “đem nghệ thuật truyền thống từ sân đình đến sân trường”, Dự án đã đến các trường tiểu học, mầm non giúp các em nhỏ có một hành trình khám phá nghệ thuật chèo với nhiều điều hấp dẫn.

Màn biểu diễn hát chầu văn của học viên.

Màn biểu diễn hát chầu văn của học viên.

Bạn Ðinh Thị Thảo, người sáng lập dự án Chèo 48h chia sẻ, mới ngày đầu còn lạ lẫm, có bé còn tưởng học chèo là trèo cây, nhưng chỉ sau 4 tiết học trải nghiệm, các bé đã mạnh dạn, tự tin hơn nhiều. Các bé 4, 5 tuổi có thể nhận biết chính xác các mô hình nhân vật đào, kép, lão, mụ, hề và hăng hái xung phong trả lời các câu hỏi cũng như thể hiện khả năng diễn xuất của bản thân... Chính sự thay đổi tích cực của các bé đã truyền lại cảm hứng cho nhóm thực hiện Dự án, tiếp thêm cho các thành viên động lực, niềm tin để có thể tiếp tục lan tỏa tình yêu nghệ thuật truyền thống đến nhiều người, nhiều độ tuổi hơn nữa. Ðưa nghệ thuật chèo vào trường học là cách để các em được tiếp cận sớm với văn hóa nghệ thuật truyền thống. Việc này không nhằm mục đích đào tạo kỹ năng hay huấn luyện các em trở thành người biểu diễn, mà là gieo cho các em cảm hứng, tình yêu với văn hóa dân tộc.

Có không ít các học viên tìm đến học hát xẩm, song thực tế cũng có những bạn học buổi đầu không hợp xin nghỉ sau đó lại quay lại vì thấy... nhớ! có gia đình cả 4 thành viên (bố mẹ và các con) cùng đi học xẩm; có những anh chị yêu nghệ thuật dân tộc đến nỗi buổi tối chẳng ngại vượt quãng đường xa tới hơn 20km để đến học. Bạn Nguyễn Hoàng Hiệp - Chủ nhiệm Chèo 48h chia sẻ, chúng em tự tin và trân trọng với những gì mình tạo dựng được, đồng thời luôn cố gắng hoàn thiện để tỏa ra sức hấp dẫn. Chèo 48h kiên định đi theo lộ trình biết - hiểu - thân thương để mọi người từ từ cảm nhận và gắn bó.

Đánh giá về dự án "Chèo 48h - Tôi Chèo về quê hương", PGS-TS Hoàng Tuấn Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (Hà Nội), cho biết: “Tôi trân trọng và ngưỡng mộ sự kiên trì, bền bỉ của các bạn trẻ khi thực hiện dự án này. Gạt bỏ những lo toan để mưu sinh, các bạn đã thực hiện được những điều cao quý là gìn giữ những văn hóa cổ truyền và lan tỏa niềm yêu thích các môn nghệ thuật của cha ông tới cộng đồng”.

Kết nối các bạn trẻ với nghệ thuật dân tộc

Sân chơi thú vị này không chỉ thu hút thanh thiếu niên trong nước, mà các du học sinh cũng tham gia học. Hiện tại, Chèo 48h đã có hạt nhân là các du học sinh, góp phần lan tỏa tình yêu di sản trong giới trẻ. Vừa qua, anh Phạm Văn Trình (học viên lớp Xẩm) - du học viên tại Liên Bang Nga đã giành giải Nhì tại một cuộc thi do TW Ðoàn tại Liên bang Nga tổ chức, chứng tỏ tiềm năng của việc giới thiệu nghệ thuật cổ truyền tới kiều bào là rất lớn. Ngoài ra, cơ hội kết nối với các Ðại sứ quán cũng là dịp cho Chèo 48h mở rộng đối tượng truyền thông.

Bạn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Chèo 48h đã tổ chức hơn 12 khoá học chèo, chầu văn, xẩm, hàng loạt sự kiện biểu diễn, cuộc thi, điền dã, tọa đàm nghệ thuật, với tổng cộng hàng nghìn lượt người tham gia. Ngoài ra, với hơn 3.000 lượt theo dõi trên mạng xã hội, Chèo 48h đã xây dựng và duy trì mạng lưới với nhiều trường học, cơ quan văn hóa, nghệ nhân và nghệ sĩ có chuyên môn lâu năm.

Hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng Chèo 48h vẫn duy trì được lớp xẩm hàng tuần qua sự hướng dẫn của nghệ nhân Ngô Văn Hảo. Hiện tại, Chèo 48h đang tiến hành trở lại các lớp học nghệ thuật truyền thống. Thời gian qua, Chèo 48h đóng vai trò đồng tổ chức và cố vấn - kết nối chuyên gia cho một số sự kiện hướng tới người trẻ như Bắc Nhịp Tang Bồng, Thanh Âm Ðất Việt... Các tọa đàm, workshop vẫn được tổ chức nhằm tạo cơ hội trải nghiệm sâu tới các bạn trẻ. Ðây là những cơ hội thiết thực và hiệu quả để lan tỏa di sản tới các bạn trẻ.

Sắp tới, Chèo 48h sẽ tuyển thành viên chuyên trách bộ phận sản xuất đa phương tiện. Tiktok và Youtube dự kiến là hai nền tảng mũi nhọn để đẩy mạnh các mảng nội dung số của tổ chức.

Chèo 48h thực sự tạo ra một sân chơi bổ ích, thú vị cho các bạn trẻ Thủ đô. Ðiều này sẽ góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn, quảng bá nghệ thuật chèo nói riêng và nghệ thuật dân tộc nói chung đến với đông đảo công chúng.

Nhật Minh
Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...
NSND Lê Khanh mở lớp học diễn xuất đặc biệt với Lan Ngọc và Kaity Nguyễn

NSND Lê Khanh mở lớp học diễn xuất đặc biệt với Lan Ngọc và Kaity Nguyễn

1 năm trước

Đều là ngôi sao màn ảnh nhưng Lan Ngọc - Kaity Nguyễn vẫn phải đi học diễn xuất mới được tham gia phim "Cô gái từ quá khứ".
Tại sao phải tiêm mũi 3, mũi 4 phòng COVID-19 trong bối cảnh hiện nay?

Tại sao phải tiêm mũi 3, mũi 4 phòng COVID-19 trong bối cảnh hiện nay?

1 năm trước

Vào 9h ngày 1/7/2022, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sẽ tổ chức tọa đàm có chủ đề "Tại sao phải tiêm mũi 3, mũi 4 phòng COVID-19 trong bối cảnh hiện nay?”. Cuộc tọa đàm được...
Điểm chuẩn trúng tuyển lớp 6 Trung học Phổ thông Chuyên Hà Nội - Amsterdam

Điểm chuẩn trúng tuyển lớp 6 Trung học Phổ thông Chuyên Hà Nội - Amsterdam

1 năm trước

Ngày 30/6, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương đã ký Quyết định số 1019/QĐ-SGDĐT phê duyệt điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 6 Trường Trung học Phổ thông Chuyên...