THỨ NĂM, NGÀY 16 THÁNG 05 NĂM 2024 06:48

Gặp rủi ro, người lao động có điểm tựa từ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

13/03/2020 | 15:12
 
Cuối chiều ngày 6/8/2019, khi đang điều khiển xe nâng, Nguyễn Duy Thịnh (sinh năm 1990) công nhân tổ kho, Nhà máy nhôm – Công ty CP cơ khí Đông Anh LICOGI bị cửa đè ngang cổ, ngất đi không biết gì. Sau đó anh phải nằm liệt 2 tháng, và mất 2 tháng nữa để hồi phục giọng nói và cánh tay, song chỉ được 60-70% so với sức khỏe ban đầu. Gia cảnh ở quê khó khăn, Thịnh thuê nhà gần công ty, rất may công ty anh làm việc đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) đầy đủ, nên anh được hưởng trợ cấp TNLĐ, bệnh nghề nghiệp (BNN), giúp gia đình đảm bảo một phần chi tiêu, lo liệu cuộc sống hàng ngày. 
 
“Công ty lo cho em rất chu đáo, hỗ trợ tiền, quà và hỗ trợ các thủ tục để được trợ cấp. Tuy nhiên, thời gian để chờ các kết quả giám định và trợ cấp hơi lâu”, Thịnh tâm sự. Rất may, sau khi hồi phục, Thịnh vẫn có thể tiếp tục làm việc tại kho với những việc nhẹ nhàng hơn. Song, cũng vì sức khỏe không được như trước nên em không thể làm thêm nhiều như trước, thu nhập cũng giảm hơn. “Giá như em cẩn thận hơn, giá như em không bị tai nạn, thì gia đình sẽ không vất vả vì em nhiều như vậy. Bây giờ, trước khi làm việc, em luôn tự nhủ phải đảm bảo an toàn cho bản thân”, là bài học Thịnh rút ra. 
 

Anh Nguyễn Duy Thịnh trong căn phòng trọ gần công ty.
 
Thực hiện quy định của Luật ATVSLĐ và Nghị định 37/2016/NĐ-CP, hầu hết các trường hợp TNLĐ, BNN đã xác định tỷ lệ suy giảm sức khỏe đều được hưởng chế độ trợ cấp TNLĐ, BNN theo quy định của pháp luật. Cụ thể: Theo số liệu của Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH), tổng số tiền chi khám giám định thương tật bình quân giai đoạn 2016 – 2018 là 1.840 triệu đồng/năm, trong khi giai đoạn 2013 – 2015 chưa phát sinh. Số chi trợ cấp một lần bình quân giai đoạn 2016 – 2018 là 147.584 triệu đồng/năm; trong khi con số này giai đoạn 2013 – 2015 là 125.803 triệu đồng/năm, tăng 17,3% so với số chi bình quân giai đoạn 2013 – 2015, tương đương 21.781 triệu đồng/năm. Số chi trợ cấp TNLĐ, BNN hàng tháng bình quân 425.471 triệu đồng/năm, giai đoạn 2016 – 2018, tăng 31.1% so với giai đoạn 2013 – 2015, tương đương 107.259 triệu đồng/năm…
 
Nhiều doanh nghiệp và NLĐ có chung nhận xét, chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN có lợi và hỗ trợ tốt hơn cho NLĐ như: Giải quyết hưởng trợ cấp một lần cho NLĐ; quy định về hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ khi trở lại làm việc; hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN. Điều đáng nói, các thủ tục hồ sơ chi trả không phức tạp, thời hạn giải quyết hưởng chế độ khá nhanh và linh hoạt… giúp NLĐ không may bị TNLĐ bớt được phần nào gánh nặng trong cuộc sống.
 
Trước đây, các nội dung của bảo hiểm TNLĐ, BNN chỉ thực hiện chế độ trợ cấp TNLĐ, BNN sau khi người lao động (NLĐ) đã điều trị ổn định thương tật, chưa có cơ chế tái đầu tư để phòng ngừa TNLĐ, BNN nên chưa hỗ trợ hiệu quả trong việc chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp khi xảy ra TNLĐ. Chính vì vậy, để tăng cường khả năng phòng ngừa TNLĐ, BNN, Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã quy định về chế độ hỗ trợ phòng ngừa từ Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN.


Anh Thịnh nhận quà trợ cấp tết Canh Tý 2020 của báo Người lao động. 
 
Cụ thể, từ ngày 1/7/2016, những nội dung về TNLĐ, BNN được thực hiện theo quy định của Luật ATVSLĐ số 84/2015/QH13. Theo đó, các nội dung do Quỹ TNLĐ, BNN chi gồm: Trợ cấp TNLĐ, BNN hàng tháng; trợ cấp phục vụ người bị TNLĐ, BNN hàng tháng; chi trợ cấp TNLĐ, BNN một lần (gồm trợ cấp một lần khi bị TNLĐ, BNN; trợ cấp một lần khi chết do TNLĐ, BNN); cấp tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình cho người bị TNLĐ, BNN; đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng TNLĐ, BNN hàng tháng.
 
Ngoài ra, Luật ATVSLĐ còn bổ sung các khoản chi hỗ trợ như: Chi phí giám định thương tật, bệnh tật; chi phí giám định y khoa đối với trường hợp NLĐ chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và kết quả khám giám định đủ điều kiện để hưởng BHXH; chi hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hỉnh; chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người bị TNLĐ, BNN khi trở lại làm việc.
 
Bên cạnh đó, việc chi trả chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN cho trợ cấp TNLĐ, BNN hàng tháng hay trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hỉnh; trợ cấp phục vụ TNLĐ, BNN hàng tháng; trợ cấp chuyển đổi nghề; dưỡng sức, phục hồi sức khỏe… giai đoạn 2016 – 2018 cũng đều tăng so với giai đoạn 2013 – 2015. Trong đó, số chi trợ cấp TNLĐ, BNN hàng tháng chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 65,2% tổng số chi các chế độ từ nguồn quỹ TNLĐ, BNN; số chi phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình chiếm tỷ trọng nhỏ nhất, với 0,007% tổng số chi các chế độ từ nguồn quỹ TNLĐ, BNN.
 Năm 2016, số người tham gia bảo hiểm TNLĐ – BNN là 12.758.230 người. Năm 2017 là 13.332.341 người, tăng 4,5%. Đến 31/12/2018, số người tham gia bảo hiểm TNLĐ – BNN là 14.324.832 người, tăng 7,4%. 
 

Bài và ảnh: Vũ Ngọc Vân/GĐTE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

7 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.