THỨ NĂM, NGÀY 02 THÁNG 05 NĂM 2024 09:30

Gia đình là chiếc nôi giữ gìn những giá trị truyền thống của dân tộc

30/06/2020 | 08:04


Gia đình là chiếc nôi giữ gìn những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc cho thế hệ sau.


Tôn vinh giá trị gia đình là tôn vinh giá trị dân tộc


Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò của gia đình. Người khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”. Theo Người: Một gia đình mới, một gia đình tốt là một gia đình mà trong đó các thành viên trong gia đình phải biết yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ những khó khăn trong công việc cùng nhau, nam nữ bình đẳng. Phải đề cao và tôn trọng người phụ nữ.


Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm công tác chăm lo xây dựng gia đình bằng nhiều chủ trương, chính sách cụ thể, thể hiện quan điểm: Muốn có một xã hội phát triển lành mạnh thì trước hết từng “tế bào” phải phát triển bền vững. Gia đình không chỉ giữ vai trò nền tảng, tế bào của xã hội, mà còn là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống, hình thành nên nhân cách con người. Quan trọng hơn, gia đình phải trở thành môi trường tốt, đầu tiên để giáo dục nếp sống, hình thành nhân cách con người, giáo dục nhân cách của trẻ em.


Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương


Ngày 28/6 hàng năm được gọi với tên thân thương Ngày Gia đình Việt Nam để nhấn mạnh vai trò quan trọng của gia đình. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tiếp tục hướng dẫn tổ chức các hoạt động truyền thông, các sự kiện văn hóa gia đình năm 2020 theo chủ đề: “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”. Từ Trung ương tới địa phương, nhiều bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có chỉ đạo triển khai các hoạt động thiết thực như tôn vinh các gia đình tiêu biểu trong đó có các gia đình trẻ, các gia đình cao niên, gia đình khuyết tật; các hoạt động từ thiện, nhân đạo, thăm hỏi động viên và tổ chức các hội thi về văn hóa ứng xử trong gia đình, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, về tiêu chí ứng xử trong gia đình; vận động và khuyến khích các gia đình Việt Nam tổ chức bữa cơm đoàn viên, bữa cơm sum họp. Hoạt động Ngày Gia đình Việt Nam được xã hội hóa tốt hơn với sự vào cuộc của nhiều cơ quan, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, các dòng họ, gia đình.

Bà Trần Tuyết Ánh – Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VH-TT&DL cho biết: “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương" là chủ đề xuyên suốt từ năm 2014 trở lại đây nhân dịp Ngày Gia đình Việt Nam, được truyền thông mạnh mẽ, đã lan tỏa và nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của hàng triệu triệu gia đình. Bữa cơm là cầu nối của sự vun đắp tình cảm gia đình, của sự chia sẻ và yêu thương, trao truyền và tiếp thu các giá trị văn hóa. Chúng tôi rất mong “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương" sẽ luôn được duy trì trong từng gia đình Việt Nam, kết nối mọi thành viên gia đình với nhau.


Trong giai đoạn tiếp theo, với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tham mưu, giúp Chính phủ quản lý nhà nước về gia đình, Bộ VH-TT&DL triển khai đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, các văn bản, đề án trong giai đoạn 2010-2020. Trên cơ sở đó sẽ cùng các cơ quan liên quan xây dựng đề xuất hoàn thiện chính sách cho giai đoạn 2020-2030, tập trung vào công tác xây dựng văn hóa gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.

Lễ phát động thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” tại xã Vĩnh Quang, TP. Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng.


Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình được các địa phương triển khai với nhiều sáng tạo


Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29 tháng 3 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, Bộ VH-TT&DL đã xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình (Quyết định số 4843/QĐ-BVHTTDL ngày 08 tháng 12 năm 2017) nhằm góp phần xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.


Tiêu chí Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ được áp dụng chung cho các thành viên trong gia đình. Các tiêu chí cụ thể, bao gồm: Tiêu chí ứng xử vợ chồng: Chung thủy, nghĩa tình; Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương; Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép; Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ.


Bộ tiêu chí hiện nay đã được thực hiện thí điểm tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, Bộ VH-TT&DL trực tiếp lựa chọn thí điểm 12 tỉnh, thành đại diện cho các vùng văn hóa, gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ninh, Thái Bình, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Bình Thuận, An Giang.


Vụ trưởng Trần Tuyết Ánh cho biết, Bộ Tiêu chí từng bước được các địa phương triển khai với nhiều sáng tạo, được hàng chục ngàn gia đình đăng ký thực hiện, đang dần tạo nên sự chuyển biến trong nhận thức và hành động, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững. Năm 2021, Bộ VH-TT&DL sẽ tổ chức tổng kết hoạt động thí điểm và định hướng nhiệm vụ, giải pháp cho việc hoàn thiện, áp dụng thực hiện Bộ tiêu chí, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông vận động các gia đình Việt Nam thực hiện.

 

 

Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện.

Hồng Hoàng/GĐ&TE

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.