THỨ NĂM, NGÀY 02 THÁNG 05 NĂM 2024 10:56

Gia tăng viêm phổi do vi khuẩn Mycoplasma ở trẻ nhỏ

03/07/2023 | 06:39
Thời gian gần đây, nhiều cơ sở y tế ghi nhận gia tăng bệnh nhi bị viêm phổi do vi khuẩn Mycoplasma với các triệu chứng không điển hình, dễ nhầm lẫn với cảm cúm thông thường. Bệnh thường bùng phát thành dịch vào thời điểm giao mùa, nếu không được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời sẽ dẫn tới suy hô hấp và tử vong.
 
Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trẻ em trên 5 tuổi dễ mắc bệnh

Bé P.M.N (7 tuổi, Thanh Hóa) có biểu hiện sốt cao 39 độ kèm ho khan, diễn biến nhiều về đêm. Gia đình chủ quan nghĩ con ốm sốt thông thường do thời tiết thay đổi nên tự mua kháng sinh kèm thuốc ho về điều trị. Uống được 3 ngày, thấy triệu chứng không đỡ, cơn sốt không dứt, gia đình đưa bé đến cơ sở y tế khám. Sau khi khai thác tiền sử và thăm khám lâm sàng, chụp X-quang, bác sĩ chẩn đoán sơ bộ đây là trường hợp mắc viêm phổi. Bệnh nhi được chỉ định điều trị kháng sinh kết hợp cho xét nghiệm chuyên sâu để định danh chính xác tên loại vi khuẩn gây ra tình trạng trên. Kết quả xét nghiệm Mycoplasma Pneumoniae Real-time PCR dương tính.

Trong trường hợp này, với các triệu chứng không điển hình, cha mẹ dễ nhầm lẫn với ốm sốt thông thường dẫn tới xử trí sai cách, không mang lại hiệu quả điều trị. May mắn được thăm khám và điều trị kịp thời, cháu bé tránh được các tình huống xấu ảnh hưởng trầm trọng tới sức khỏe.

Viêm phổi do Mycoplasma là bệnh nhiễm trùng ở phổi khá phổ biến do vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae gây ra. Ðã có nhiều nghiên cứu cho thấy, nhiễm Mycoplasma Pneumoniae chiếm tỉ lệ rất cao trong các bệnh viêm phổi mắc phải trong cộng đồng, đặc biệt ở trẻ em trên 5 tuổi. Bệnh thường bùng phát thành dịch vào thời điểm giao mùa, phát tán qua giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi. Ðây là bệnh viêm phổi không điển hình vì có những triệu chứng khác với những bệnh viêm phổi do nhiễm khuẩn thông thường khác.

Viêm phổi do Mycoplasma là một bệnh nhiễm trùng ở phổi khá phổ biến

Vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae xâm nhập vào cơ thể có thời gian ủ bệnh khoảng từ 2 đến 3 tuần và khởi phát với các triệu chứng nhức đầu, mệt mỏi, sốt, sổ mũi, ho, khò khè... Ở trẻ em, ho và sốt là những triệu chứng đầu tiên của bệnh. Tình trạng sốt ở trẻ em thường không quá cao, chủ yếu dưới 39 độ C. Các triệu chứng khác của đường hô hấp cũng có thể gặp như chảy mũi, viêm họng. Triệu chứng nổi bật nhất chính là ho liên tục và kéo dài. Ban đầu trẻ thường ho khan, sau đó chuyển sang ho có đờm. Tình trạng ho này có thể kéo dài 3 đến 4 tuần, kèm theo sốt. Trẻ nhỏ thường sổ mũi, quấy khóc, nôn, chán ăn, tiêu chảy, trong khi mệt mỏi, nhức đầu thường ghi nhận ở trẻ lớn.

ThS.BS Ngô Thị Cam - Chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Ða khoa Medlatec cho biết: “Với các triệu chứng không điển hình, trẻ bị viêm phổi do Mycoplasma thường bị bỏ qua giai đoạn đầu, hoặc điều trị theo kinh nghiệm dẫn những biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong”.

Một số biến chứng nguy hiểm của viêm phổi do Mycoplasma có thể kể tới như:

- Nhiễm trùng máu: Nhiễm trùng ở phổi có thể lây lan sang máu và dần dần nhiễm trùng từ máu sẽ lây lan qua các bộ phận khác trong cơ thể.

- Tràn dịch màng phổi: Việc tích tụ dịch quá nhiều dễ gây ra tràn dịch màng phổi. Ðiều này sẽ chèn ép lên phổi và gây khó thở.

- Áp xe phổi: Các vùng nhiễm trùng ở phổi rất dễ trở thành các ổ áp xe.

- Hội chứng suy hô hấp cấp: Những người bị viêm phổi cả hai thùy rất dễ gặp phải tình trạng này.

- Suy hô hấp: Dưới sự tác động của vi khuẩn, tình trạng viêm phổi có thể gây ra các tác động tiêu cực đến cơ quan khác, chẳng hạn như giảm huyết áp, nhịp tim hoặc thậm chí là mất nhận thức.

Những triệu chứng ngoài phổi như phát ban ngoài da, mề đay, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, thiếu máu, viêm não, viêm màng não, viêm tủy là dạng rất hiếm gặp. Các dạng ít gặp hơn là sốt kéo dài, tổn thương thần kinh, da, tim mạch, cơ, xương.

Vi khuẩn Mycoplasma thường gây nhiễm trùng nhẹ ở hệ hô hấp nhưng cũng có thể gây nhiễm trùng phổi nghiêm trọng.

Vi khuẩn Mycoplasma thường gây nhiễm trùng nhẹ ở hệ hô hấp nhưng cũng có thể gây nhiễm trùng phổi nghiêm trọng.

Chăm sóc trẻ mắc bệnh thế nào?

Bác sĩ cho biết, bệnh viêm phổi ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe hệ hô hấp, thậm chí gây nguy hiểm tới tính mạng trẻ nhỏ. Các bậc phụ huynh cần trang bị kiến thức để phòng ngừa viêm phổi hiệu quả bằng một số biện pháp: Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng trong bữa ăn cho trẻ; vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các nguy cơ gây bệnh; mang khẩu trang để hạn chế bụi bẩn và vi khuẩn khi ra ngoài; thường xuyên cho trẻ súc miệng, rửa mũi bằng nước muối sinh lý.

Cần điều trị dứt điểm các tình trạng bệnh có thể gây ra viêm phổi như: trào ngược dạ dày, tim bẩm sinh. Tiêm phòng đầy đủ các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là lao, cúm, sởi, phế cầu, HiB. Cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh tiến triển nặng hơn dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Khi trẻ sốt nhẹ, cho trẻ mặc quần áo mỏng, thoáng, uống nhiều nước. Tránh tiếp xúc với khói, bụi, thuốc lá, không khí lạnh vì sẽ kích thích trẻ ho.

Ðối với trẻ bú mẹ, vẫn tiếp tục cho trẻ bú, cần tăng số lần bú và kéo dài thời gian mỗi lần bú, vì khi bệnh cơ thể trẻ sẽ rất yếu, làm khả năng mút vú kém đi. Nếu trẻ bú không đủ, có thể vắt sữa và cho trẻ uống bằng muỗng.

Ðối với trẻ lớn, cho trẻ ăn các thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu hóa, chia nhỏ lượng thức ăn của mỗi bữa và tăng số lần ăn. Cho trẻ uống nhiều nước. Sau khi trẻ khỏi bệnh, tăng lượng và số lần ăn để giúp trẻ phục hồi dinh dưỡng.

Nếu điều trị không đúng, bệnh có thể diễn tiến nặng gây suy hô hấp, tử vong (khoảng 1,4%) hoặc làm giảm chức năng hô hấp sau này. Tuy nhiên, nếu điều trị đúng thì đa số các trường hợp bệnh sẽ khỏi hoàn toàn. Ðiều trị bệnh, ngoài mục đích tiêu diệt vi khuẩn để giảm bớt triệu chứng còn nhằm rút ngắn thời gian có triệu chứng để hạn chế lây lan. Cách ly trẻ bệnh vẫn là biện pháp phòng ngừa chính để giảm lây lan.

Khi trẻ có bất kỳ biểu hiện bất thường nào như ho, sốt, đau tức ngực… phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám, tư vấn, điều trị kịp thời.

Cường Việt
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.
Bộ sách Nguyện Ước và hành trình làm cha mẹ

Bộ sách Nguyện Ước và hành trình làm cha mẹ

10 tháng trước

Nhà phát hành sách Crabit Kidbooks vừa thông báo ra mắt bộ sách "Nguyện ước"của tác giả người Mỹ Matthew Cordell.
Hướng tới hoàn thiện mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tích hợp

Hướng tới hoàn thiện mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tích hợp

10 tháng trước

Trẻ em bị bạo lực, xâm hại… rất cần sự hỗ trợ đa chiều. Một ngành không thể đáp ứng tất cả các nhu cầu đó, nên cách xử lý đa ngành, phối kết hợp hiệu quả rất cần thiết....
Có nên cho con học trường chuyên?

Có nên cho con học trường chuyên?

10 tháng trước

Từ câu chuyện một bà mẹ bật khóc khi học bạ của con toàn điểm 9 với 10 vẫn bị loại từ vòng hồ sơ thi tuyển vào Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam đã dấy lên câu chuyện gây tranh cãi...