THỨ HAI, NGÀY 06 THÁNG 05 NĂM 2024 12:33

Giăng suốt tuổi thơ

01/02/2022 | 12:59
Tết, nhà nhà đụng lợn, rau cỏ ngoài ruộng sẵn rồi, đàn bà con gái đi chợ chỉ lo mua những món phụ trợ như là mật hay đường hoa mai để về làm bánh: bánh mật, bánh gai. và lục thúng bà, mẹ hay chị đi chợ về mà xem, thể nào cũng có cân miến dong chằng sợi lạt lồng phồng trong đó.
0108-Hinh-6-nguoithanhoai.vn_

Từ những củ dong giềng

Thỉnh thoảng tôi lại thèm thuồng một món thôi, trong mâm cỗ nhà quê ngày còn bé. Là món miến, múc vào cái bát chiết yêu. Miệng loe, eo thắt, cái bát chiết yêu có vẻ vô cùng phù hợp cho những người béo thích gầy mà lại không nhịn miệng được bây giờ. Ăn bằng cái bát đó đã con mắt lắm, nhưng không no miệng.

Miến dong là thứ người nhà quê làm ra, từ những củ dong giềng. Làng tôi về sơ tán theo bà trồng rất nhiều dong giềng, nhưng người làng chỉ trồng, không ăn. Tận đến lúc lớp 4, tôi mới biết củ dong giềng từ các vườn nhà khắp rẻo đất bên sông Ðáy kĩu kịt tới đâu. Năm ấy, tôi có một tháng ở trọ để thi học sinh giỏi cấp tỉnh tại làng Xuy Xá. Trước hiên nhà nào cũng thấy một lũ lĩ vại sành. Người ta làm miến đấy. Củ dong mài thành bột đem ngâm, ngày nào cũng phải thay nước, từ đấy cho tới lúc thành được sợi miến cũng còn lâu, và tôi không ở đến tận lúc nhìn thấy người ta làm ra thành phẩm cuối cùng. Nhưng, mỗi dịp tết nhất, giỗ chạp, mua miến, cầm trên tay gói miến lồng phồng bán theo cân theo lạng, không dưng tôi lại nhớ những dãy vại sành cũ kĩ, những thân đàn bà gầy yếu mỗi nhập nhoạng tối cúi mình vần từng cái vại to đùng để chắt nước, rồi lại đòn gánh lên vai đi quảy nước về đổ vại ngâm bột tiếp, cho tới một ngày nước thật trong và bột thành tinh, rồi từ tinh bột đó mới ra được sợi miến mình ăn.

Người nhà quê làm ra sợi miến nhưng quanh năm chả mấy khi ăn, là vì món đó cần nước dùng ngọt, không phải là nước luộc gà thì phải có nước xương ninh, không thì phải có con lươn. Lươn, dầm mưa dầm sương đi đặt ống trúm, nhà quê không thiếu, chỉ thiếu thì giờ bày đặt nấu nướng. Ở Hà Nội thì người ta bảo ăn lươn mát, bổ cả âm lẫn dương tùy miệng người, miến lươn nấu cầu kì lắm. Cầu kì thế mà cũng chẳng bằng món miến lươn nhà quê, chỉ nước luộc lươn, xương lươn giã rồi lọc, thịt lươn xào với muối và mỡ vét trong cái lọ sành phả cái mùi tằn tiện lưu cữu, rồi thêm hành hoa và rau răm hái ngay bên vạt đất lõng xõng nước đầu hồi. Miến lươn ấy ngọt thôi rồi, miến lươn Hà Nội cứ gọi là... cụ. Giản tiện đến thế nhưng người nhà quê quanh năm bận bịu cũng chả mấy khi được ăn, tại vì có lươn thì cũng phải có phiên chợ mới mua được nắm miến, chứ mấy nhà tích trữ thứ đó. Thế nên trẻ nhà quê cứ phải chờ, chờ Tết. Tết, nhà nhà đụng lợn, rau cỏ ngoài ruộng sẵn rồi, đàn bà con gái đi chợ chỉ lo mua những món phụ trợ, như là mật hay đường hoa mai để về làm bánh, bánh mật, bánh gai, và lục thúng bà hay mẹ hay chị đi chợ về mà xem, thể nào cũng có cân miến dong chằng sợi lạt lồng phồng trong đó.

Ghe-tham-lang-co-Cu-Da-ngam-sac-vang-ong-cua-mien-dong_5

Hương vị tình nghĩa

Miến cỗ nhà quê tôi thèm nhớ chẳng bao giờ ăn nóng. Bát miến múc ra, đặt lên bàn thờ cùng nhiều thức khác, thắp nén hương vòng mời các cụ. Ðàn ông ngồi khoanh chân trên phản uống nước chờ lúc hạ lễ. Ðàn bà, con trai, con gái lớn trong nhà thì vội vã đi biếu quanh xóm. Chục bánh tẻ mới luộc, đĩa xôi, đĩa giò thủ, đĩa giò lụa, bát miến dàn ra tới thành cái mâm gỗ sứt, đội lên đầu ra ngõ. Nhà tôi chẳng họ hàng nhiều nhưng bà lại hay được biếu. Mâm nhà người hạ xuống, bà không từ chối hết mà thường nhận mỗi bát miến, rồi gọi cháu mang bát nhà tới sẻ ra, trả lại bát cho nhà người. Gặng mãi thì bà sẽ nhận thêm chục bánh tẻ, rồi bà sẽ đặt vào đó lúc gói kẹo Hải Châu - của hiếm thời đó, bóc ra còn lớp giấy lụa ăn được hết sức kì diệu với lũ trẻ trong xóm tôi vẫn đánh đu theo, lúc ít hạt tiêu hay mì chính bà chia ra từ gói lớn nhà được mua theo tem phiếu và tiêu chuẩn công đoàn cơ quan, bọc sẵn bằng giấy thành từng gói bé bé xinh xinh. Nhớ cảnh được biếu và mừng lại nhau ấy, thương sao mà thương tuổi ấu thơ hiểu chữ biếu xén nghĩa đen là được biếu thì chỉ được xén một ít và biếu lại.

Khách về rồi, chả đúng bữa nhưng tết nhất bà dễ tính, thường bảo lũ cháu đứa nào trống bụng thì ăn tạm bát miến bà vừa được biếu đấy. Chao ôi, bát miến nguội tanh nguội ngắt, sợi miến trương hết cỡ ngả màu trắng đục chứ không trong trong như sợi miến ở thức quà của phố, hay trong bát miến nhà tôi thường nấu lúc cỗ bàn, giục con cháu vào mâm rồi thì bà mới nổi lửa đun lại nồi nước dùng cho sôi, thả miến đã ngâm vào rồi vớt ra âu lớn, cho nhân lòng gà mộc nhĩ nấm hương lên trên rồi gia hành hạt tiêu xong mới cẩn trọng múc từng muôi nước dùng chan ngập. Thế mà đứa nào đứa nấy thích mê bát miến trương phềnh bà được biếu. Sợi miến không dai nữa, nhưng không bở, môi trẻ con hút tụt một cái vẫn không hết độ dài sợi miến thật thà, không pha phách bột sắn như nhiều hàng miến bán rong quanh các ngõ nhỏ một thời Hà Nội khi tôi đã lớn. Lòng gà cũng chẳng có nhiều, có nhà còn băm thêm thịt nạc vai với mộc nhĩ làm nhân. Bát miến nguội thường nước cạn, vì sợi miến hút hết rồi. Nhưng cũng vì thế mà miến cỗ nhà quê có một vị béo béo, ngọt ngào, mằn mặn, chẳng thể thấy lại ở bất cứ bát miến nào được ăn về sau.

Mãi về sau, tôi mới hiểu mình có những sợi miến vị tình vị nghĩa đó giăng suốt tuổi thơ là một may mắn như thế nào.

Mỗi dịp tết nhất giỗ chạp, mua miến, cầm trên tay gói miến lồng phồng bán theo cân theo lạng, không dưng tôi lại nhớ những dãy vại sành cũ kĩ…

 

Nhà văn Lê Minh Hà
Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.
Vì lợi ích tốt nhất của trẻ em

Vì lợi ích tốt nhất của trẻ em

2 năm trước

Việt Nam tự hào là quốc gia đầu tiên ở châu Á, thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quyền trẻ em. Đến nay, với nỗ lực cao nhất, dành những gì tốt nhất cho trẻ em, Nhà nước Việt...
An toàn để trường học là nơi ‘đóng sau cùng, mở đầu tiên’ trước COVID-19

An toàn để trường học là nơi ‘đóng sau cùng, mở đầu tiên’ trước COVID-19

2 năm trước

Tờ Financial Review bản điện tử (Australia) đã đăng bài bình luận về sự cần thiết phải mở cửa trở lại trường học trong bối cảnh đại dịch tiếp diễn.
Nới điều kiện tiếp nhận học sinh Việt Nam về nước

Nới điều kiện tiếp nhận học sinh Việt Nam về nước

2 năm trước

Học sinh Việt Nam ở nước ngoài về nước năm xin học được gia hạn thêm 3 tuổi so với tuổi quy định của từng cấp học.