THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 03:38

GS.TS Lê Danh Tuyên: Để phụ nữ mang thai và trẻ giảm nguy cơ mắc Covid-19

16/03/2020 | 20:14

"Tăng sức đề kháng chính là tăng sức chiến đấu cho phòng tuyến đầu tiên của mỗi người chúng ta trong phòng, chống bệnh, dịch bệnh" – GS.TS Lê Danh Tuyên.
 
Cần duy trì mức độ ăn uống tốt, đa dạng, đủ chất


GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện Trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
 
Thưa GS.TS Lê Danh Tuyên, làm thế nào để tăng cường hệ miễn dịch được tốt nhất?
 
Hệ miễn dịch được chia thành miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch chủ động. Miễn dịch bẩm sinh là hàng rào bảo vệ đầu tiên để tránh virus xâm nhập vào trong cơ thể.
 
Hơn nữa, kể cả hệ miễn dịch bẩm sinh cũng như hệ miễn dịch chủ động, đều hình thành qua các tế bào lympho T, lympho B và đều cần có các nguyên liệu để nó phát triển. Mỗi người sinh ra nặng trung bình khoảng 3kg và nặng trung bình khoảng 52-53kg khi lớn lên. Trọng lượng 50kg mà chúng ta tăng lên do thức ăn, vitamin, chất khoáng, các protein được thu nạp trong quá trình trưởng thành. Cùng với quá trình lớn lên thì hệ miễn dịch của con người cũng ngày càng hoàn chỉnh thông qua hấp thu các chất dinh dưỡng, qua tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh và tạo ra kháng thể. Ngoài ra, chúng ta cũng cần tiêm vaccine để tạo ra các miễn dịch chủ động. Như vậy chế độ dinh dưỡng, ăn uống hợp lý là hết sức quan trọng.

Thưa GS.TS Lê Danh Tuyên, để đối phó với dịch Covid-19, trẻ nhỏ và bà mẹ đang mang thai cần bổ sung dinh dưỡng hợp lý ra sao để phòng ngừa dịch bệnh?
 
Bình thường, trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta phải có chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý để bảo đảm nền thể lực và hệ miễn dịch thật tốt. Cơ thể trẻ em phát triển chưa hoàn chỉnh, do đó càng cần phải chú ý trong nuôi nấng trẻ nhỏ. Mỗi bệnh nhân có mức độ nặng nhẹ khác nhau là do sức đề kháng khác nhau.
 
Với trẻ em dưới 6 tháng tuổi, phải cho bú sữa mẹ để có được kháng thể tự nhiên từ sữa mẹ. Về các chế độ ăn uống, tăng cường vi chất, phải hết sức lưu ý để trẻ nhỏ có sức đề kháng tốt.
 
Với bà mẹ mang thai, phải được cung cấp đủ dinh dưỡng để nâng cao khẩu phần ăn của bà mẹ. Hằng ngày, chúng ta cần khoảng 60 chất khác nhau, nhưng có 40 chất cơ thể không tự tổng hợp được, khi đó, phải lấy từ thức ăn. Do đó, chúng ta phải cung cấp đa dạng thực phẩm, thuộc nhiều nhóm khác nhau: đạm, dầu mỡ, tinh bột, rau xanh…
 
Đặc biệt, với đối tượng nguy cơ cao như trẻ em và bà mẹ mang thai, phải tránh yếu tố lây nhiễm, tránh đến nơi đông đúc hoặc tiếp xúc người có nguy cơ cao. Phải rửa tay thường xuyên khi sờ vào các vật dụng như nắm cửa, tay vịn cầu thang, sử dụng khẩu trang. Bà mẹ mang thai và trẻ em phải thường xuyên duy trì mức độ ăn uống tốt, đa dạng, đủ chất.


Tháp dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai.

Thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ không đủ khả năng để xây dựng hệ miễn dịch tốt
 
Để xây dựng hệ miễn dịch tốt cho cơ thể trẻ, vi chất quan trọng thế nào thưa GS?
 
Cần cho trẻ ăn đa dạng và đầy đủ các thực phẩm tăng cường miễn dịch tự nhiên.
 
Về chế độ ăn, phải thực hiện nghiêm ngặt việc ăn chín uống sôi, ăn uống đa dạng các loại thực phẩm, tăng cường các loại thực phẩm cung cấp các vi chất. Vì vi chất tham gia vào các phản ứng của cơ thể, đặc biệt là thành phần của các enzym. Vì thế, khi thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ không đủ khả năng để xây dựng hệ miễn dịch tốt cho cơ thể.
Bên cạnh các biện pháp dự phòng lây nhiễm Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới, việc bảo đảm chế độ dinh dưỡng đầy đủ và duy trì một lối sống tích cực, lành mạnh đóng vai trò hết sức quan trọng giúp nâng cao miễn dịch và phòng chống dịch bệnh.


Tháp dinh dưỡng cho trẻ từ 1-6 tuổi.

Thưa GS Lê Danh Tuyên, ông có lời khuyên nào về dinh dưỡng hợp lý cho phòng dịch cũng như khuyến cáo đặc biệt nào cho chăm sóc người bệnh phải điều trị Covid-19?

Về chăm sóc dinh dưỡng: Thứ nhất, phải có dinh dưỡng hợp lý để có miễn dịch tốt. Chúng ta phải ăn uống đầy đủ chất theo như tháp dinh dưỡng mà Viện Dinh dưỡng đã đưa ra, cố gắng dùng các thực phẩm được tăng cường các vi chất như Chính phủ đã quy định. Thứ hai, phải bảo đảm đầy đủ về vệ sinh an toàn thực phẩm. Thứ ba, chúng ta phải uống nước đúng cách, mỗi ngày phải đủ từ 2,5 đến 3l cho mỗi người chứ không nên chờ khi cổ họng khô khát mới uống. Thứ tư, phải chú ý chế độ dinh dưỡng cho các đối tượng đặc biệt. Ở trong các bệnh viện, đối với từng loại bệnh khác nhau sẽ xây dựng thực đơn cho từng người, từng bệnh nhân. Còn ở gia đình, ăn uống phải đa dạng. Chúng ta phải thực hiện các quy định về vệ sinh nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh. Như chúng tôi đã nói, tất cả thực phẩm mua về cố gắng biết rõ nguồn gốc càng tốt. Khi đi mua ngoài chợ, hạn chế tối đa thực phẩm không rõ nguồn gốc và không sử dụng động vật hoang dã.
 
Chúng ta cần phải có sự chung tay, giúp sức từ người dân. Như người thầy của chúng tôi - thầy Hồ Đắc Di đã từng nói, điều quan trọng nhất là người dân phải tự có kiến thức để chăm sóc bản thân. Bệnh viện chỉ có thể chữa trị, giúp cho khoảng 40% trong phòng chống, điều trị bệnh, còn lại 60% cần phải có kiến thức của người dân.

Xin cảm ơn GS.TS Lê Danh Tuyên.
 

Việt Cường (thực hiện)/GĐTE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.