CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 05 NĂM 2024 07:11

Hà Nội về đích trước 2 năm Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020

06/08/2019 | 10:00
 
Năm 2018, Hà Nội đã vận động nhiều nguồn lực để hỗ trợ cho 4.166 hộ nghèo cải thiện nhà ở. Ảnh: Ngọc Ánh
 
Những con số ấn tượng
 
Theo số liệu của Sở LĐTBXH, nếu năm 2016 - năm đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Hà Nội vẫn còn hơn 65.000 hộ nghèo (theo chuẩn của thành phố gấp 1,5 lần chuẩn nghèo chung của cả nước), chiếm tỷ lệ 3,64% và hơn 34.000 hộ cận nghèo (chiếm 1,89%). Tại 14 xã khu vực miền núi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 13,38%; còn 2 xã và 17 thôn đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135 của Chính phủ.
 
Với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, từ năm 2016 đến nay, Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo một cách đồng bộ với những kết quả giảm nghèo khá ấn tượng. Tháng 5-2017, Hà Nội không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn, hoàn thành trước một năm so với kế hoạch. Tính đến cuối năm 2018, toàn thành phố giảm gần 52.000 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,16%, về đích trước 2 năm so với kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi giảm từ 13,38% xuống còn 3,7% vào cuối năm 2018, trong đó có nhiều xã đạt kết quả nổi bật, tiêu biểu như xã Yên Trung (huyện Thạch Thất) đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5,42% (năm 2016), xuống còn 1,53% (năm 2018); xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai) giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4,89% (năm 2016), xuống còn 0,43% (năm 2018). Đặc biệt, 4 quận nội thành gồm: Ba Đình, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân đã không còn hộ nghèo. 
 
 
Huy động tổng hợp nguồn lực cho công tác giảm nghèo
 
Giai đoạn 2016 - 2018, Hà Nội đã huy động tổng hợp các nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững, đồng thời không ngừng phát huy nội lực để tạo chỗ dựa cho người nghèo vươn lên, như: hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, trao nguồn sinh kế, cho vay vốn ưu đãi, xây mới, sửa chữa nhà ở, cấp thẻ bảo hiểm y tế… Trong 3 năm qua, Hà Nội đã dành hơn 3.515 tỷ đồng chi trợ cấp xã hội hằng tháng; hỗ trợ bảo hiểm y tế, tặng quà cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Cùng với đó, thành phố cũng ủy thác qua các chi nhánh của Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 2.400 tỷ đồng cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ vừa thoát nghèo được vay vốn để sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm. Đặc biệt, riêng năm 2018, thành phố đã hỗ trợ cho 4.166 hộ nghèo cải thiện nhà ở, trở thành một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước cơ bản không còn hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở. Đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi, Hà Nội đã đầu tư 850 tỷ đồng để thực hiện 47 dự án phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, 100% xã miền núi có đường bê tông hoặc trải nhựa đến trung tâm xã, đạt các tiêu chí về điện, thông tin, nhà ở, giáo dục, y tế cơ sở. 

 
Mô hình nuôi bò sửa góp phần giảm nghèo bền vững ở huyện Ba Vì. Ảnh: Đức Huy
 
Phấn đấu không còn hộ nghèo vào cuối năm 2020
 
Mặc dù đã đạt nhiều kết quả rất đáng khích lệ nhưng công tác giảm nghèo ở Hà Nội vẫn còn khó khăn. Kết quả giảm nghèo tại một số địa phương chưa thực sự bền vững; nguy cơ tái nghèo vẫn có thể xảy ra ở những hộ vừa thoát nghèo. Trong khi đó, việc kiểm tra, giám sát thực hiện công tác giảm nghèo tại một số nơi chưa thường xuyên. Đặc biệt, việc giảm nghèo ở những hộ không có người còn khả năng lao động, hộ có thành viên mắc bệnh hiểm nghèo, mắc tệ nạn xã hội… là rất khó khăn. Bên cạnh đó, tại vùng nông thôn, miền núi, do tốc độ tăng trưởng kinh tế còn chậm nên chưa tạo được vùng sản xuất hàng hóa, năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, hàng hóa còn thấp, kiến thức về kinh tế thị trường, khoa học kỹ thuật, quản lý kinh tế của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, điều kiện kinh tế của một bộ phận người dân còn khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực tại các xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn thấp. Ngoài ra, năng lực của bộ phận cán bộ cơ sở, nhất là ở xã miền núi, vùng dân tộc thiểu số, mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế, nhất là trong  khâu tổ chức, triển khai thực hiện; đội ngũ cán bộ cơ sở không ổn định, thường xuyên thay đổi chế độ chính sách
 
Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế nêu trên, Hà Nội đang đặt mục tiêu đến cuối năm 2019 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1%; phấn đấu đến cuối năm 2020, thành phố sẽ không còn hộ nghèo (trừ các hộ thuộc diện chính sách bảo trợ xã hội). 
 
Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian tới, Thành phố cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo, tích hợp chính sách thuộc các lĩnh vực bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, tập trung 3 nhóm chính sách gồm: Hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả người nghèo tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin; phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo cao. Đối với hộ nghèo còn sức lao động, giải pháp lâu dài là nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động để họ chủ động nắm bắt kiến thức, ứng dụng khoa học, kỹ thuật hiện đại vào sản xuất. Đối với những hộ không có khả năng tự thoát nghèo, cần được xét duyệt trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng. Thành phố cũng cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo, tập trung nguồn lực, giải pháp giảm nghèo bền vững cho các vùng dân tộc thiểu số, miền núi, địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao; gắn chương trình giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới để tăng hiệu quả thực hiện. 

Minh Anh/TC GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

7 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.