THỨ SÁU, NGÀY 17 THÁNG 05 NĂM 2024 04:30

Hai số phận bên một dòng sông

01/06/2020 | 14:24
Chuyện ngày xưa
 
Mỗi lần đi qua cầu Long Biên, tôi lại có thói quen nhìn xuống để tìm kiếm hình ảnh của một căn nhà bè lẻ loi nằm mấp mé bên mép nước. Ở trong đó, có cặp vợ chồng tuy đã về già, quen với cảnh nghèo, không con cái nhưng vẫn vô cùng yêu thương nhau.
 
Tôi biết đến câu chuyện cổ tích có thực ấy vào sáu năm về trước khi cùng các bạn đi làm từ thiện. Ngày ấy, cụ ông cụ bà vẫn còn tinh mắt, nhanh tay và đủ hơi sức để kể lại thật say sưa, rành mạch lý do họ nên duyên vợ chồng.
 
Cụ ông Nguyễn Văn Thành quê ở Thanh Hóa. Cụ ra Hà Nội từ khi mới mười tuổi để kiếm sống. Trong hành trình tha phương cầu thực đơn độc ấy, số phận đã an bài để cụ ông gặp cụ bà. Cụ bà Nguyễn Thị Thủy, cùng không nơi nương tựa nên đã ưng thuận nên vợ nên chồng cùng cụ ông. Họ đến với nhau vì thương cho cảnh nghèo của nhau. Tình yêu của những tâm hồn cơ cực tìm thấy ở nhau sự đồng điệu.
 
Từ đó, mối lương duyên bất ngờ của họ giản dị mà bền chặt vô cùng. Đôi vợ chồng cùng vượt qua thử thách khắc nghiệt của cuộc sống vất vả, nghèo túng. Ông đi nhặt phế liệu, bà lo việc cơm nước. Họ cùng chăm nom nhau, cùng hi vọng có mụn con để vui vầy khi về già và cùng an ủi, động viên nhau tin tưởng vào tương lai.
 
Chiếc đồng hồ cụ Thành mới nhặt được.
Chuyện hôm nay
 
Cụ Thành năm nay tám mươi ba tuổi, sức khỏe giảm sút, đôi tai đã không còn nghe rõ. Nhưng tôi tin, nếu có người kêu cứu giữa dòng sông, cụ nhất định vẫn sẽ cố gắng hết sức mình như bao năm qua. Cụ đã từng cứu không biết bao tính mạng và cũng vớt vào bờ không biết bao nhiêu tử thi trôi trên sông Hồng để báo cho chính quyền địa phương và người thân của họ. Cái nghèo không khiến những người nghèo mất đi tâm hồn lương thiện muốn cứu giúp những mảnh đời bất hạnh hơn mình.
 
Cụ Thủy bước sang tuổi tám mươi hai, đôi mắt đã không còn nhìn rõ và chỉ còn biết ở yên trong căn nhà lênh đênh trên mặt nước từ ngày này qua ngày khác. Gọi là nhà, nhưng mái nhà nhỏ bé cũng tạm bợ, lên xuống theo sóng nước giống với cuộc sống bấp bênh của hai cụ. 
 
Cụ Thành tâm sự: “Ngày trước, ông đi làm về thì có cơm bà nấu cho ăn, giờ ông tủi lắm. Mắt bà không thấy gì, để bà làm gì cũng không yên tâm. Đi đâu ông cũng phải chắn cửa lại, không thì sợ bà lọ mọ ra ngoài lại bị ngã”. 
 
Nghe cụ ông nói vậy, cụ bà không những không buồn mà còn hỏi lại thật to để ông nghe cho rõ: “Ông ơi, thế ông có muốn bỏ tôi không?”.
 
Cụ ông mỉm cười. Tôi thấy nụ cười ấy đã rất nhiều lần thay cho câu trả lời “Bà còn phải hỏi nữa?”. Chưa bao giờ trong hơn năm mươi năm chung sống, hai cụ từng rời bỏ nhau. Khi tiếp xúc với hai cụ, chúng ta mới hiểu hạnh phúc chân thực luôn vượt lên trên những hình thức bên ngoài hay những câu từ hoa mỹ.
 
Sau khi được cụ ông chiều chuộng châm điếu thuốc lào, cụ bà hả hê nhả khói rồi quay sang chúng tôi nói: “Các con ạ, thương thì thương cho trót, vót thì vót cho tròn. Ông bà sống với nhau ngần ấy năm rồi, không bỏ nhau được đâu”.
 
Hai cụ đã sống bên nhau 50 năm trời.

Hạnh phúc giản đơn
 
Trong lúc bạn tôi đang tiếp chuyện với cụ ông, tôi im lặng ngắm dòng sông rộng lớn. Ở giữa đô thị tấp nập mà được ngắm một dòng sông mênh mông cũng giống với ngay giữa dòng đời ấm lạnh, toan tính, được may mắn chứng kiến một mối tình đẹp như trong mộng. Để mà hiểu về con người và tiếp tục tin tưởng vào con người nhiều hơn. 
 
Hai cụ già neo đơn sống chung thủy cùng nhau dưới bãi sông Hồng đã gửi đến chúng ta bài học sâu sắc về gia đình, về hạnh phúc, về tinh thần lạc quan vào tương lai. Đặc biệt là đối với các cặp vợ chồng trẻ hoặc các bạn trẻ đang có dự định đến bên nhau dựng xây tổ ấm.
 
Gia đình hạnh phúc là gia đình có vợ chồng yêu thương, đồng cảm cùng nhau. Vợ chồng không những biết chia ngọt sẻ bùi mà còn sẵn lòng đồng cam cộng khổ. Dường như, vị ngọt của tình yêu không đơn thuần chỉ là đến bên nhau từ năm tháng son trẻ. Tình yêu thực sự là khi tuổi già xế bóng, dù còn nghèo khó vẫn vững tin chung sống, ở lại để làm nguồn an ủi cho nhau.
 
Trước khi ra về, cụ Thành có khoe với chúng tôi là mới nhặt về từ bãi rác một chiếc đồng hồ còn rất tốt và đẹp. Cụ nói rằng ở bãi rác người ta bỏ đi nhiều thứ còn tốt lắm.
 
Phải chăng, nhờ vào tình yêu và sự lạc quan, hai cụ luôn nhìn ra ở đâu cũng tồn tại những điều tốt đẹp, dù bé nhỏ song đáng trân trọng? 
 

 

Nguyễn Phú Hoàng Nam/GĐTE

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

2 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.