CHỦ NHẬT, NGÀY 05 THÁNG 05 NĂM 2024 08:52

Hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo

08/12/2020 | 14:51
Sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm
 
Theo báo cáo của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo cả nước cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo là 15,10% (trong đó, có 2.338.569 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 9,88% và 1.235.784 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,22%); tại các huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo là 63,26% (trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là 50,43%). Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 3,75%, bình quân trong 4 năm giảm 1,53%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của cả nước từ 1 - 1,5%/năm. Ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn khoảng 2,75%, tỷ lệ hộ cận nghèo cả nước còn khoảng 4%. Như vậy, sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. 
 
Thu nhập bình quân hộ nghèo đến cuối năm 2018 tăng 1,4 lần so với cuối năm 2015; dự kiến đến cuối năm 2020, thu nhập hộ nghèo tăng 1,6 lần, vượt chỉ tiêu đề ra là 1,5 lần.
 
Năm 2019, số hộ nghèo về thu nhập là 917.559 hộ, tương ứng 93,17% so với tổng số hộ nghèo; số hộ nghèo thiếu hụt đa chiều là 67.205 hộ, tương ứng 6,83% so với tổng số hộ nghèo. Như vậy, cùng với việc giảm số hộ nghèo chung giai đoạn 2016-2019, tỷ lệ số hộ nghèo thiếu hụt đa chiều cũng có xu hướng giảm trong tổng số tỷ lệ hộ nghèo chung. 
 
Có 8/64 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, đạt 12,5%; 14/30 huyện nghèo hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn. Dự kiến đến cuối năm 2020, có khoảng 32 huyện thoát khỏi huyện nghèo, đạt chỉ tiêu đề ra. 


Nhiều hộ nghèo được vay vốn tín dụng chính sách đã phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
 
Nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn cao trên 20%
 
Tuy nhiên, vẫn tồn tại hạn chế: nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn cao trên 20%, một số tỉnh miền núi còn trên 30%, xã đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%; tỷ trọng hộ nghèo DTTS chiếm 58,53% tổng số hộ nghèo trong cả nước. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp nhiều, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Một số chính sách chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng
 
Một số chính sách chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng DTTS nên hiệu quả tác động chưa cao như chính sách hỗ trợ nhà ở, chính sách đầu tư nguồn nhân lực cho người DTTS, chính sách cử tuyển chưa gắn với sử dụng sau đào tạo…
 
Nguyên nhân do điều kiện kinh tế - xã hội của khu vực miền núi còn rất nhiều khó khăn; địa hình hiểm trở, chia cắt phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, đòi hỏi suất đầu tư lớn; hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu chưa đảm bảo; trình độ sản xuất của đồng bào vẫn còn dựa vào phương thức canh tác giản đơn, chủ yếu là quảng canh, tự cấp, tự túc, dựa vào thiên nhiên. Một bộ phận người nghèo, người dân tộc thiểu số còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ, thiếu chủ động trong việc tự lực vươn lên thoát nghèo…
 
Các chính sách giảm nghèo cơ bản đã gắn với phát triển kinh tế - xã hội
 
Các chính sách giảm nghèo thời gian qua cơ bản đã gắn với phát triển kinh tế - xã hội, như: chính sách cho vay vốn tín dụng ưu đãi, chính sách đào tạo nghề cho người nghèo, chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn. Điều này đã tạo cho người nghèo tham gia vào các hoạt động kinh tế, góp phần làm tăng năng lực sản xuất, tăng cơ hội việc làm cho người nghèo, vùng nghèo, góp phần ổn định xã hội và tăng trưởng kinh tế.
 
Các chính sách giảm nghèo tác động đa chiều, toàn diện mọi mặt đến đời sống xã hội của người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn nghèo; hỗ trợ người nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần giữ vững vùng biên giới của Tổ quốc.


Các chính sách đào tạo nghề cho người nghèo đã góp phần làm tăng năng lực sản xuất, tăng cơ hội việc làm cho người nghèo, góp phần ổn định xã hội và tăng trưởng kinh tế.

 Hiệu quả của điều chỉnh giảm lãi suất cho vay

Việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay một số chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), trong đó điều chỉnh giảm lãi suất cho vay còn 6,6%/năm (đối với hộ nghèo), 7,92%/năm (đối với hộ cận nghèo), 8,25%/năm (đối với hộ mới thoát nghèo) nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của hộ nghèo, Hội đồng Quản trị NHCSXH đã điều chỉnh nâng mức cho vay đối với hộ nghèo từ 50 lên tối đa 100 triệu đồng, kéo dài thời hạn cho vay tối đa từ 5 năm lên 10 năm. Mức cho vay này cũng áp dụng cho các đối tượng hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS.
 
Có thể khẳng định rằng, tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đến nay đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ, đã làm thay đổi căn bản nhận thức của đối tượng thụ hưởng, đã tích cực, chủ động vay vốn, tính toán làm ăn đạt hiệu quả thiết thực, tạo được lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Đây là một trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhờ đó số hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm nhanh bền vững, góp phần đẩy lùi, ngăn chặn tín dụng đen; tạo nguồn lực cho các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững gắn với các đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
 

Minh Nhật/GĐTE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.