THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 02:23

Hàn Quốc - Đất nước của kiến tạo cái đẹp

28/07/2018 | 07:12
 
Phố sá tinh tươm, sạch và xanh không ngờ!
 
Xưa nay, danh hiệu “thành phố Sạch và Xanh” những tưởng chỉ dành cho đảo quốc Singapore, nhưng khi đặt chân đến Seoul, tôi không khỏi ngỡ ngàng. Thành phố vô cùng hiện đại, nhà cửa san sát, đường xá chỉn chu, đặc biệt là không gian cây cối xanh tươi và không thấy rác trên đường. 
 
Phải công nhận người Hàn Quốc rất có gu thẩm mỹ, từ những cái nhỏ như thời trang quần áo, hàng tiêu dùng, đồ công nghệ cho đến việc qui hoạch đô thị. Cây xanh ở Seoul được chọn lựa và trồng trên các tuyến phố hay các tiểu đảo, tiểu cảnh rất đẹp, đẹp từ dáng đến lá cây. Có những khu phố trồng cây ngân hạnh, khu trồng cây thông cổ, khu trồng cây ngô đồng… Đâu ra đó, mỗi khu tạo dáng vẻ riêng nhưng hòa quyện nhau trong một tổng thể chung sang trọng. Không rác ư? Nhờ… phạt rất nghiêm! Quản lý một thành phố mười mấy triệu dân mà không rác  như Seoul thì ngoài ý thức công dân của người Hàn, cần cho điểm son cho lãnh đạo thành phố này.
 

Hoàng cung cổ kính trong lòng Seoul hiện đại. 
 
Nhà cửa ở Seoul đa phần là cao ốc, chung cư, bề ngoài nhìn có vẻ hơi “đồng phục”, không cầu kỳ, nhưng lại tạo nên một thành phố vô cùng xinh đẹp, hài hòa hai bên bờ sông Hàn. Địa hình Seoul lên dốc xuống đồi như Đà Lạt nên có nhiều con đường uốn lượn nên thơ, càng làm cho thành phố hiện đại này trở nên duyên dáng. Con sông Hàn như dải lụa khổng lồ chạy giữa và nối hai bờ Gang Nam và Gang Bắc, làm nên một Seoul hiện đại nhưng lại vô cùng lãng mạn. Có gần 30 cây cầu nối đôi bờ sông Hàn. Không chỉ riêng các cây cầu ở Seoul, mà rất nhiều cây cầu tôi có dịp đi qua, đoạn từ sân bay Icheon về đảo Nami hay về Seoul được thiết kế đẹp vô cùng bởi các vòm cầu bằng sắt. Có một vòm cầu y hệt như cầu Bình Lợi bắc qua sông Sài Gòn gần nhà tôi do người Hàn Quốc thiết kế.


Thông dáng cổ được trồng nhiều ở Seoul.
 
Một điểm gây chú ý cho du khách Việt Nam là khắp các nẻo đường xứ Hàn, trong đó có Seoul không tìm đâu ra bóng dáng cảnh sát giao thông “đứng đường”, thế nhưng xe cộ cứ đến đèn đỏ là tự nguyện dừng, người đi bộ cũng phải tuân thủ Luật Giao thông nghiêm túc. Tất cả được quản lý bằng công nghệ, camera có mặt khắp nơi, ai vi phạm - kể cả du khách nước ngoài - đều phải nộp phạt qua hệ thống ngân hàng. Nhờ vậy, không hề có tình trạng mãi lộ như xứ ta! Thỉnh thoảng cũng có kẹt xe trên cao tốc, nhưng kẹt xe ở Hàn Quốc là xe chỉ chạy chậm lại chứ không chết cứng như ta. Dù là ngày đầu tuần Seoul nhưng vẫn không kẹt đường nhờ vào hệ thống tàu điện ngầm, đường sá mênh mông cũng như ý thức tham gia giao thông của người dân.
 

Cung điện Hoàng gia được phục dựng năm 1995 và hiện nay vẫn còn tiếp tục.
 
Xứ sở của kiến tạo cái đẹp
 
Hàn Quốc không may mắn có “rừng vàng, biển bạc, ruộng lúa phì nhiêu”! Toàn bộ các vùng đất có tài nguyên phong phú đều nằm bên phía Triều Tiên. Về cảnh quan thiên nhiên, nhìn chung vẫn không bằng Việt Nam hay Trung Quốc. Về di tích lịch sử, Hàn Quốc vẫn có cố cung Gyongbokgung nhưng không thể sánh cùng quần thể Angkor của Campuchia hay Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc. Thế nhưng, con người Hàn Quốc đã đi lên từ trong đống đổ nát và vươn vai thành rồng. Từ sau cuộc nội chiến 1953 hay thời kỳ đen tối bị Nhật chiếm đóng, mãi đến thập niên 1960, xứ Hàn còn thua xa Hòn ngọc Viễn đông Sài Gòn. Hàn Quốc đã cùng nhau làm việc và làm việc, cùng thắt lưng buộc bụng để xây dựng đất nước phồn thịnh. Người dân Hàn Quốc vẫn vừa oán nhưng vừa tri ân Pak Chung Hee “nhà độc tài - nhà kiến tạo”. Người Hàn không ưa Nhật, vì quá khứ đau thương,  nhưng luôn biết học cái hay của Nhật để kiến tạo đất nước. Với “Kỳ tích sông Hàn”, Hàn Quốc đã bắt đầu ngẩng cao đầu với thế giới. Lãnh đạo Hàn Quốc đã chọn hướng đi đúng cho dân tộc phát triển, không phải bằng biểu ngữ căng đầy đường mà bằng hành động cụ thể. Những thương hiệu Samsung, Hyundai, sâm Cao Ly… ngày nay đã trở thành niềm tự hào của người Hàn. 
 
Tổng sản phẩm quốc nội Hàn Quốc đã nhảy vọt từ 100 USD vào năm 1963 lên 10.000 USD vào năm 1995, 25.000 USD vào năm 2007 và đạt mức 32.400 USD vào năm 2014. Theo dự báo của Goldman Sachs, Hàn Quốc có thể trở thành nước giàu thứ 3 trên thế giới vào năm 2025 với GDP bình quân đầu người là 52.000 USD. 
 

Công viên Everland cách khoảng 70km, là một trong 10 công viên lớn nhất thế giới, được xây dựng từ 1976 giữa một thung lũng.
 
Đảo du lịch Nami, cách Seoul khoảng 60km là một ví dụ về “cái đầu” đáng nể của người Hàn. Qua phim “Bản tình ca mùa đông”, hòn đảo này hiện lên lung linh thông qua câu chuyện tình của hai nhân vật chính. Ngay chỗ quầy bán vé, chủ nhân của nó đã thiết kế tạo cho du khách có cảm giác lạc vào một vương quốc khác bằng hình ảnh con phà, anh lính thủy rất lạ lẫm… Điểm nhấn của hòn đảo bé nhỏ này là các hàng cây. Toàn bộ các hàng cây thông, cây ngân hạnh hay bạch dương thơ mộng trên đảo đều do con người trồng. Các cảnh quan khác cũng do con người tạo nên chứ hòn đảo này vốn thuộc sở hữu tư nhân, ban đầu không được như thế. Hàng đoàn người mỗi ngày vẫn tấp nập đến đây tham quan. Mới thấy, văn hóa giữ vai trò “đưa đường” cho du lịch không hề nhỏ. Ngay trung tâm của đảo là tấm hình đôi diễn viên chính trong phim được dựng lên hoành tráng… Hay khu vui chơi Everland được Samsung xây dựng dưới thung lũng từ 1976 mà đến giờ vẫn không “đề mốt”, các trò chơi công nghệ mới luôn được cập nhật để giữ chân du khách trẻ. 

Du khách nước ngoài thích thú chụp ảnh với các hàng cây - điểm nhấn nổi bật khi đến đảo Nami.
 
Giữa một Seoul hiện đại nhưng người Hàn Quốc vẫn rất bảo tồn các giá trị truyền thống. Đó là Cung điện Hoàng gia. Thời kỳ Nhật chiếm đóng và cuộc nội chiến 1953 làm cho cung điện tan hoang và được phục dựng lại hoành tráng ở hầu hết các hạng mục trên nền đất cũ từ 1995. Đối diện với cổng sau Hoàng gia là Nhà Xanh (Dinh tổng thống) được xây dựng sau này trên mảnh đất vốn là hậu hoa viên của cung điện. Ở các nước dân chủ, việc du khách tham quan chỗ làm việc của tổng thống là điều hết sức bình thường, không cấm kỵ. Dinh Tổng thống Hàn Quốc cũng vậy. Một điều “lý thú” với du khách theo đoàn là để tham quan khu vực Nhà Xanh và Hoàng gia (nằm chung trục đường) lại phụ thuộc vào việc hôm ấy (thường là hai ngày cuối tuần) có biểu tình án ngữ đường vào hay không. Vì, ở một đất nước dân chủ, việc người dân biểu tình ôn hòa để bày tỏ chính kiến của mình được khuyến khích. Nữ tổng thống Hàn Quốc cũng từng bị lật đổ từ biểu tình ôn hòa như thế này. Rất may, hôm tôi đến, cũng có hàng đoàn người Hàn căng biểu ngữ biểu tình nhưng các lối vào Nhà Xanh vẫn còn đi lại được. 
 

Hình đôi nam nữ diễn viên chính được gắn ngay trung tâm đảo Nami thu hút rất nhiều bạn trẻ đến chụp hình.
 
Dù có là ngày đầu tuần nhưng Seoul không hề kẹt xe, đường sá vẫn thoáng đãng, chỉn chu, bởi gần 300km đường tàu điện ngầm dưới lòng đất đã san sẻ số lượng lớn lượt người đi. Từ Seoul đi thành phố biển lớn nhất của Hàn Quốc dài 500km nhưng đi tàu cao tốc chỉ trong hơn 2 giờ. Chị Hạnh, cô gái Việt “kiêm” cô dâu Hàn đã 13 năm, đồng thời là hướng dẫn viên đoàn cho biết: “Hệ thống tàu điện ngầm hiện đại của Hàn đã thu hút người đi. Ngay cả giới trẻ đi chơi cũng chọn phương tiện này. Đêm cuối tuần, Seoul dập dìu từng đoàn nam thanh nữ tú đến các ga tàu điện để đi chơi ở các tụ điểm, có khi đến sáng hôm sau mới về nhà để bắt đầu cho một tuần làm việc mới. Tất nhiên, là nhịp điệu làm việc ở các nước phát triển cũng “mệt” vì phải đúng giờ. Ở đất nước này, người ta chỉ trọng vọng giá trị đích thực của bản thân nên giới trẻ phấn đấu rất nhiều. Dù là cậu ấm, cô chiêu đi nữa thì vẫn không được xã hội coi trọng khi bản thân không tự lực làm ra tiền! Phải chăng, đó là ý thức dân tộc mà giới trẻ đã được hun đúc từ nhỏ.
 
 

Hồng Liên/GĐTE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...