THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 01:19

Hạnh phúc vô bờ bến của 10 cặp vợ chồng được hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí

26/07/2020 | 15:59


BSCK II Nguyễn Khắc Lợi - Giám đốc Bệnh viện (bìa trái) và ThS.BS Lê Thị Thu Hiền - Phó giám đốc Bệnh viện (bìa phải) trao hỗ trợ cho một cặp vợ chồng.


           
     Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Bệnh viện (thứ hai từ trái sang) trao hỗ trợ các ca mổ MicroTESE miễn phí.


Câu chuyện về hành trình “tìm con” gian nan

Tại buổi lễ diễn ra hôm 25-7, câu chuyện về hành trình “tìm con” gian nan đã được các gia đình chia sẻ với nhiều cung bậc cảm xúc. Mỗi một trường hợp là một nỗi niềm, rất riêng mà cũng rất chung, đó là nỗi mong con đau đáu, nhưng vẫn chưa thể toại nguyện vì nhiều lẽ, trong đó, kinh tế là rào cản chính. Sự hỗ trợ TTTON miễn phí này đã đem đến cho các cặp vợ chồng hiếm muộn một tia hy vọng mới trong hành trình chữa trị vô sinh - hiếm muộn, cũng là hành trình hiện thực hoá ước mơ làm cha, làm mẹ mà họ đã khắc khoải đợi chờ từ rất lâu.

Như trường hợp vợ chồng chị Trần Thị Hương - anh Đàm Văn Tuân (ở Yên Sơn - Tuyên Quang) kết hôn 12 năm nhưng chưa có con do bản thân người chồng bị tinh trùng yếu. Với mức thu nhập của hai vợ chồng chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng họ vẫn cố dành dụm để “tìm con” nhưng mãi vẫn chưa thực hiện được. Hay trường hợp vợ chồng chị Triệu Thị Xuân - anh Triệu Văn Thành (ở Bình Gia, Lạng Sơn). Anh chị kết hôn năm cách đây 5 năm, năm 2017 đi khám người chồng bị tinh trùng yếu, mổ giãn mạch tinh, vợ bị polyp buồng tử cung được bác sĩ tư vấn thực hiện TTTON. Tuy nhiên, hai vợ chồng không có khả năng thực hiện và cố gắng điều trị bằng thuốc nam nhưng không có kết quả. Năm 2020, vợ chồng tìm đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, biết được chương trình hỗ trợ này nên đã nộp hồ sơ.

Ngoài áp lực về kinh tế thì cũng có những trường hợp trong cuộc sống, gia đình gặp không ít trở ngại, tuy nhiên không vì thế mà những ước mơ làm cha, làm mẹ của họ vụt tắt. Như trường hợp vợ chồng chị Nguyễn Thị Liên - anh Lương Văn Trường (ở Tân Mỹ, TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang). Bản thân anh không thể đi làm vì sức khoẻ yếu, phải chạy thận suốt bốn năm qua và bị tinh trùng yếu. Chị Liên đi làm ở khu công nghiệp, là trụ cột kinh tế chính của gia đình. Nhiều năm qua, anh chị vẫn mong có được đứa con bế bồng dù biết sẽ nhiều gian nan. Hay như cặp vợ chồng người dân tộc Tày - Nông Thị Quỳnh và Ma Văn Toàn (ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang) cũng rơi vào tình cảnh éo le không kém. Kết hôn năm 2014, chờ mãi chưa thấy tin vui, hai vợ chồng đã đi khám và từng thực hiện thụ tinh nhân tạo (IUI) hai lần nhưng không có kết quả. Cả hai đi làm tại Phú Thọ, thu nhập chỉ từ 5-6 triệu đồng/tháng nhưng còn phải gồng gánh lo thêm cho hai người anh trai của anh Toàn vốn hay bệnh và thường xuyên phải đi viện...

Một câu chuyện khiến nhiều người không nén được xúc động là gia đình chị Trần Thị Nga và anh Vũ Văn Khải (ở Gia Viễn, Ninh Bình). Tai nạn giao thông ập đến vào năm 2012 đã khiến anh Khải bị liệt do gãy ba đốt sống lưng, phải ngồi xe lăn. Hiểu rõ tình cảnh của anh nhưng chị Nga vẫn yêu thương và chấp nhận anh. Cả hai quen nhau suốt mười năm và vừa kết hôn năm 2019 dù gia đình chị Nga một mực ngăn cản. Chị hiện làm công nhân nhà máy, đồng thời gánh trọng trách phụng dưỡng bố mẹ chồng và vẫn khao khát vợ chồng sẽ có được một mụn con. Các bác sĩ cho biết, trường hợp của anh phải thủ thuật lấy mô tinh hoàn tìm tinh trùng để thực hiện TTTON.
 


     
     Ông Nguyễn Văn Cường - Phó Giám đốc Bệnh viện (bìa phải) trao hỗ trợ cho các ca mổ nội soi thăm dò buồng tử cung miễn phí.

      
         
     Cặp vợ chồng (bìa phải) nhận hỗ trợ TTTON từ quỹ Tấm lòng vàng.


Nỗ lực hết mình để các gia đình hiếm muộn sớm được làm cha mẹ

Tuần lễ Vàng là chương trình hỗ trợ cộng đồng thường niên của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, được tổ chức lần đầu vào năm 2015, nhằm san sẻ một phần kinh phí điều trị cho các cặp vợ chồng vô sinh - hiếm muộn. 10 cặp vợ chồng được chọn năm nay sẽ được Bệnh viện hỗ trợ miễn phí 100% chi phí làm TTTON. Tùy theo từng trường hợp, chi phí cho một lần TTTON có thể dao động từ 70-100 triệu đồng, bao gồm chi phí xét nghiệm, kích trứng, chọc trứng, tạo phôi, trữ đông phôi, chuyển phôi… Bệnh viện sẽ tài trợ toàn bộ kinh phí này cho bệnh nhân.

Ngoài ra, Bệnh viện sẽ hoàn tiền khám, xét nghiệm trước đó các gia đình đã thực hiện để hoàn thiện hồ sơ. Riêng các chi phí ăn ở, đi lại, sinh hoạt cá nhân cũng như những chi phí phát sinh không nằm trong quy trình thực hiện TTTON, bệnh nhân sẽ tự thanh toán theo quy định. BSCKII Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc Bệnh viện chia sẻ: “Cho đến nay, TTTON miễn phí cho các cặp vợ chồng khó khăn là một phần hỗ trợ quan trọng trong chương trình Tuần lễ Vàng của Bệnh viện. Ngoài những hỗ trợ về chi phí, đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện, với kinh nghiệm chuyên môn cùng sự trợ giúp của những kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện đại sẽ nỗ lực hết mình để giúp các gia đình, bệnh nhân hiếm muộn khó khăn sớm được làm cha mẹ. Bởi rất nhiều những hoàn cảnh đã phải chờ đợi 5 năm, thậm chí 10, 15 năm và chịu không ít áp lực từ phía gia đình, xã hội nhưng vẫn kiên trì nuôi hy vọng. Đứa con đối với họ không chỉ là khát khao mà còn giống như một “phép màu”.

Bên cạnh, hội đồng thẩm định của Bệnh viện cũng quyết định hỗ trợ thêm cho một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt tuy chưa đạt đủ các yêu cầu về hồ sơ là vợ chồng chị Nguyễn Thị Thúy Hằng (1989) - anh Nguyễn Danh Thỏa (1982) ở Mai Hắc Đế, Nam Đàn, Nghệ An. Chị Hằng bị bỏng hóa chất năm 2012, thương tật đến 80%, hiện tại chị bị dính khớp háng rất khó khăn trong sinh hoạt nhưng niềm khao khát có được đứa con luôn cháy bỏng trong chị. Tổng chi phí hỗ trợ làm TTTON cho trường hợp này là 56.482.000VNĐ trích từ Quỹ “Tấm lòng Vàng” của Bệnh viện. Đây cũng chính là đóng góp tính từ tổng số lượt likes, shares của hai cuộc thi “Gọi Tên Con Nhé” và “Hạnh Phúc Gia Đình” trong khuôn khổ Tuần Lễ Vàng Ươm Mầm Hạnh Phúc 2020. Số tiền này sẽ được trừ trực tiếp vào chi phí thăm khám, điều trị và thực hiện TTTON của gia đình tại Bệnh viện.

Cùng đó, Quỹ “Tấm lòng vàng”của Bệnh viện luôn được duy trì để sẵn sàng giúp đỡ phần nào cho các mái ấm, các mảnh đời kém may mắn khác trong xã hội. Ths.BS Lê Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết thêm: “Thật ra, trường hợp các cặp vợ chồng được hỗ trợ lần này, xét về mặt kỹ thuật, không khó để thực hiện các can thiệp giúp họ có con nhưng hoàn cảnh khó khăn của họ là một trở ngại lớn và cũng là điều khiến chúng tôi trăn trở rất nhiều. Do đó, trên thực tế, quy định kinh phí có giới hạn nhưng khi chính thức tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân, chúng tôi đều hỗ trợ nhiều hơn mức quy định đó để bệnh nhân có thể an tâm điều trị, sinh con khoẻ mạnh cũng như có điều kiện chăm sóc con tốt khi bé chào đời. Đó cũng là đích đến nhân văn của chương trình. Mặt khác, đã có nhiều trường hợp nhận hỗ trợ trước đó có được quả ngọt là những đứa con của chính mình càng tiếp thêm động lực để chúng tôi tiếp tục duy trì hoạt động này.”
 


      
     Các gia đình nhận được hỗ trợ TTTON miễn phí năm 2020.


     
     Đông đảo các cặp vợ chồng, và đội ngũ y, bác sĩ tham dự chương trình.


    
10 cặp vợ chồng nhận được hỗ trợ TTTON miễn phí năm nay gồm: Vợ chồng chị Trần Thị Nhung (1985) - anh Trần Văn Nghĩa (1980) ở Thôn Đài Môn, Nghĩa Phú, Nghĩa Hưng, Nam Định; Triệu Thị Xuân (1992) - Triệu Văn Thành (1988) ở Đội Cấn II, Hoa Thám, Bình Gia, Lạng Sơn; Nguyễn Thị Liên (1991) - Lương Văn Trường (1991) ở Thôn Đông Lý, Tân Mỹ, TP. Bắc Giang, Bắc Giang; Nông Thị Quỳnh (1995) - Ma Văn Toàn (1990) ở Thôn Bảu, Hùng Mỹ, Chiêm Hóa, Tuyên Quang; Doãn Thị Thu Hoài (1987) - Trần Văn Đức (1987) ở Xóm 8, Tân Thành, Kim Sơn, Ninh Bình; Lò Thị Thêu (1995) - Thùng Văn Hạnh (1990) ở Nà Hỳ 2, Nà Hỳ, Nậm Pồ, Điện Biên; Trần Thị Nga (1990)  -  Vũ Văn Khải (1982) ở Thôn Đồng Chưa, Gia Thịnh, Gia Viễn, Ninh Bình; Đàm Thị Hồng Kim (1991) - Trần Văn Thiện (1990) ở Xóm Vân Hội, Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An; Trần Thị Minh (1988) - Trịnh Thanh Vân (1982) ở Làng Sanh, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa; Trần Thị Hương (1992) - Đàm Văn Tuân (1988) ở Cửa Lần, Nhữ Khê, Yên Sơn, Tuyên Quang. Song song với việc công bố và trao quyết định 10 ca TTTON miễn phí, Bệnh viện cũng trao hỗ trợ 20 ca mổ nội soi thăm dò buồng tử cung miễn phí (nữ) và 20 ca mổ MicroTESE miễn phí (nam) với giá trị tương đương 14 triệu đồng/ca. Kinh phí thực hiện chương trình được tài trợ bởi VPĐD Merck Export GmbH.

Hoàng Nam/GĐ&TE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.