CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 05 NĂM 2024 03:23

Hành trình hướng tới cuộc sống xanh ở Cẩm Thanh

01/11/2018 | 08:49

Đến với rừng dừa, du khách có thể bơi thuyền thúng len lỏi giữa bạt ngàn dừa. 
 
Thay đổi đời sống từ du lịch  
 
Gần chục năm trở lại đây, du khách đến với Hội An (Quảng Nam) đã khám phá ra vẻ đẹp hoang sơ tuyệt vời của khu rừng dừa thuộc xã Cẩm Thanh. Người dân Cẩm Thanh đã nhận ra giá trị cảnh quan thiên nhiên của địa phương mình. Họ mách nhau khai thác những lợi thế sẵn có để cải thiện cuộc sống và cùng nhau làm du lịch.
 
Từ Phố Hội, du khách chỉ cần đi xe chừng 20 phút, băng qua những cánh đồng xanh mướt sẽ tới xã Cẩm Thanh - một vùng đệm của Cù Lao Chàm, nơi đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Làng quê này đang dần thay da đổi thịt khi biết phát huy thế mạnh mà thiên nhiên ưu đãi cho mình. Cẩm Thanh nổi tiếng với rừng dừa nước rộng 7 mẫu (gần 4ha) trong chiến tranh là nơi ẩn nấp của quân và dân Hội An anh hùng, là nơi căn cứ địa cách mạng. Rừng dừa nước nằm ngay nơi cửa biển Cửa Đại, góp phần chống xói lở, hạn chế dòng chảy, giảm tải rác chảy thẳng ra khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm. Dừa nước có thể sản xuất và chế biến thành nhiều sản phẩm có giá trị như: lá dừa nước dùng để lợp mái nhà rất mát, quả dừa nước có thể ăn và uống nước, làm mứt, làm dấm, siro, rượu... 
 

Những tiết mục múa thuyền thúng khéo léo, trò quăng chài điệu nghệ, đẹp mắt hấp dẫn du khách.
 
Dừa cũng bao đời giúp người dân nơi đây có những ngôi nhà làm bằng dừa để che nắng, che mưa, những dụng cụ sinh hoạt hàng ngày… Không những thế, rừng dừa còn đem lại nguồn thu nhập chính cho họ nhờ nhu cầu sử dụng các sản phẩm làm từ dừa ngày càng tăng lên. Các sản phẩm lưu niệm làm từ dừa nước ở Cẩm Thanh cũng được khách hàng nhiều nơi ưa chuộng, mến mộ vì có độ bền chắc và mẫu mã đẹp. 
 
Hoạt động đặc trưng nhất khi đến khám phá rừng dừa Cẩm Thanh chính là du khách được trải nghiệm chèo thuyền thúng len lỏi giữa những rặng dừa xanh tốt, chiêm ngưỡng vẻ đẹp bình yên, thơ mộng của dòng sông thanh mát, những chiếc thuyền thúng đi lướt qua nhau, dù chẳng quen nhưng chẳng ai tiếc một nụ cười hiền hậu. Du khách có thể tản bộ trong không gian yên ả dưới những vòm dừa xanh mát để trải nghiệm trò câu cua hay đơn giản là có một khoảng thời gian đắm mình trong một màu xanh ngọc miên man, hoặc vui vẻ, hào hứng với những tiết mục múa thuyền thúng khéo léo, hấp dẫn và trò quăng chài điệu nghệ, đẹp mắt của những ngư dân xứ Quảng. Khi thuyền dừng lại ở những điểm ấn tượng cho du khách thư giãn và ngắm cảnh thì người lái thuyền lại nhanh tay thoăn thoắt tết những món quà lưu niệm vô cùng đẹp mắt từ lá và bẹ dừa tặng cho du khách khiến ai cũng trầm trồ thích thú. 
 
Ngư dân Cẩm Thanh làm du lịch 
 
Nắm bắt lợi thế của dừa nước, người dân địa phương đã rất nhạy bén khai thác và phát triển nơi đây thành điểm du lịch thu hút du khách. Đã có nhiều hộ gia đình mở công ty kinh doanh dịch vụ đưa khách đi tham quan khu sinh thái dừa nước, tạo cơ hội cho khách du lịch giao lưu tương tác với người dân ở cộng đồng địa phương, góp phần tăng thu nhập. 
 
Việc đầu tư vào mô hình “homestay” cũng là hướng để Cẩm Thanh phát triển du lịch cộng đồng, để người dân có thể hưởng lợi trực tiếp từ du lịch, đồng thời mở rộng không gian du lịch đến các vùng ven, giảm tải cho khu phố cổ.


Vẻ đẹp thanh bình của Cẩm Thanh.
 
Bà con được tập huấn kiến thức về du lịch cộng đồng, ý thức được từ cách giữ gìn văn hóa truyền thống làng quê, duy trì các hoạt động nghệ thuật tâm linh, đến cư xử văn hóa với khách, không tranh giành khách và công khai giá cả mỗi chuyến đi. Chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện để người dân được vay vốn mua thuyền thúng. Vợ các ngư dân nghèo được ưu tiên bố trí trong đội chèo thuyền để đảm bảo cuộc sống cho gia đình. Thu nhập của các hộ dân Cẩm Thanh từ việc bán các sản phẩm thủ công, quà tặng và từ việc chèo thuyền đưa khách du lịch đã tăng theo thời gian. Đến Cẩm Thanh, sẽ không thấy cảnh tranh giành khách, mọi giá cả đều được niêm yết và thông báo rõ ràng, điều mà một số điểm du lịch nổi tiếng hiện còn chưa kiểm soát được.
 
Suốt chặng cầm chèo đưa khách thăm thú rừng dừa nước, anh Ba tâm sự với  chúng tôi nhiều niềm vui của người dân khi đang được hưởng lợi từ du lịch. Tuy nhiên, anh cũng không khỏi băn khoăn khi chia sẻ trước lúc thuyền cập bờ: Tại rừng dừa nước Cẩm Thanh, khách du lịch tham gia một số hoạt động trên sông nước, như lắc thuyền thúng, nghe biểu diễn hát bả trạo, câu cua cá trong khu sinh thái, sau đó tự tay chế biến món ăn. Chính những việc làm này đã gây ra những tác động tiêu cực tới môi trường hệ sinh thái nơi đây. Hậu quả, một số loài động vật hiếm ở đây đã bị đánh bắt cạn kiệt.
 
Du lịch sinh thái cộng đồng cần đảm bảo phát triển bền vững cho cả cộng đồng và cho cả hệ sinh thái. Tất cả cho hành trình hướng tới cuộc sống xanh ở Cẩm Thanh.
 
 

Bài Sơn Thành; Ảnh: Gia Bảo/GĐTE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...