THỨ SÁU, NGÀY 17 THÁNG 05 NĂM 2024 03:45

Hành trình thoát nghèo của người phụ nữ dân tộc Mạ

02/07/2019 | 10:27
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đã từng biểu dương hộ gia đình chị H’Lan tại “Hội nghị biểu dương các huyện, xã, hộ gia đình thoát nghèo giai đoạn 2016-2020”. Trước đây, hộ gia đình chị H’Lan là hộ nghèo. Năm 2016, chị được giới thiệu tham gia Hội thi sáng kiến giảm nghèo bền vững do Bộ LĐTBXH phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức. Qua cuộc thi, nhờ được học hỏi kinh nghiệm, cũng như sự hỗ trợ của các chuyên gia trong việc lựa chọn phương thức sản xuất, cùng với việc mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, thu nhập của gia đình chị đã lên đến 180 triệu đồng/năm. Hiện gia đình chị H’Lan là một trong những hộ khá của thôn. 
 
Với người phụ nữ dân tộc Mạ này, để có ngày hôm nay là cả một hành trình dài, khó khăn không kể xiết.
 
 
Chị H’Lan, 37 tuổi, dân tộc Mạ, thôn 9, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.
 
Bước ngoặt cuộc đời chị H’Lan
 
Chào chị H’Lan! Trước đây, gia cảnh chị khó khăn như thế nào? 
 
Trước đây, gia đình tôi chỉ biết phát nương, làm rẫy, trồng lúa, có lúc được mùa, lúc mất mùa, không biết làm thế nào để có đủ cái ăn. Bản thân tôi, khi xưa nhiều lúc phải nhịn đói, rất cơ cực. Lúc tôi 8 tuổi - 14 tuổi, gia đình khó khăn, bố mất sớm, tôi chỉ được học tới lớp 3 là nghỉ học để đi làm thuê lấy tiền giúp cho các em đi học. Nhà tôi dựng bằng tranh, tre, nứa rất đơn sơ. Nhưng bây giờ, tôi có nhà ván gỗ, khang trang hơn. 
 
Lúc sinh con đầu lòng năm 1997, vợ chồng tôi nghèo lắm, không có xe đi lại, đường đi xa xôi, rất khó khăn. Có lúc nuôi tôi phải nhịn ăn, để dành gạo nấu cháo cho con ăn. Cả 3 đứa con tôi đều không được uống sữa, thèm thịt, cá lắm mà không có được. Từ năm 2002, tôi mới được thấy thịt, cá. Vợ chồng tôi còn nuôi mẹ già và các em thơ. 
 
Chị được Nhà nước hỗ trợ ra sao để vươn lên thoát nghèo?
 
Để có được những thành quả như ngày hôm nay, bước ngoặt cuộc đời tôi chính là khi tôi được giới thiệu tham gia Hội thi Sáng kiến giảm nghèo bền vững do Bộ LĐTBXH phối hợp với UNDP tổ chức. Qua cuộc thi, tôi được học hỏi kinh nghiệm, cũng như sự hỗ trợ của các chuyên gia trong việc lựa chọn phương thức sản xuất, tư vấn về kỹ thuật trồng cây gì, nuôi con gì cho năng suất cao. Nhờ chương trình giảm nghèo mà Nhà nước hỗ trợ, tôi được vay vốn làm ăn, ban đầu là 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, gia đình tôi đã đầu tư trồng cà phê, điều trên 3ha đất. Cộng với những hỗ trợ của chính quyền địa phương, đến nay, cuộc sống gia đình tôi đã có những đổi thay tích cực, xóa đói giảm nghèo. Bây giờ, mỗi năm gia đình tôi thu về 6 tấn cà phê. Nhà tôi từ lúc không có gì nay đã sắm sửa được tivi, rồi xe máy, thu nhập một năm tính ra cũng lên đến 180 triệu đồng

 
Trồng cà phê đúng kỹ thuật đã mang lại thu nhập 180 triệu đồng/1 năm cho hộ gia đình chị H’Lan.

Chúng tôi muốn thay đổi, xóa bỏ mặc cảm, tự tin hơn
 
Rút kinh nghiệm cuộc đời mình, các con chị được học hành ra sao?
 
Gia đình tôi hiện có 5 khẩu, trong đó 3 người con đều được học hành đến nơi đến chốn. Con trai lớn 22 tuổi lên Sài Gòn học nhạc, 1 con gái học lớp 11, con gái út học lớp 9. Mỗi tháng, tôi gửi tiền cho con trai ở Sài Gòn là 5 triệu đồng. Con gái học tại nhà thì đỡ tốn hơn.
 
Chị có mong muốn gì để không chỉ gia đình chị mà nhiều chị em xung quanh cũng thoát nghèo bền vững?
 
Tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích canh tác cà phê, đồng thời tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi để gây đàn lợn, đàn gà, kiếm thêm thu nhập, trang trải tiền phân bón, vật tư kỹ thuật. Tôi mong muốn được hỗ trợ cây, con giống thêm nữa, được đi học kỹ thuật. Trước đây, người dân tộc Mạ rất e ngại, không dám đứng trước đám đông, không dám đi học. Bây giờ, chúng tôi muốn thay đổi, xóa bỏ mặc cảm, tự tin hơn để cuộc sống hạnh phúc hơn. Tôi mong muốn Đảng và Nhà nước quan tâm thêm nữa tới những hộ nghèo, cho đi tập huấn, học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế, để đời sống phát triển, thoát nghèo, có điều kiện nuôi con học hành đến nơi đến chốn. 
 
Cảm ơn chị. Chúc chị sẽ truyền đạt kinh nghiệm thoát nghèo của mình cho nhiều chị em dân tộc học tập và làm theo.

 

Hồng Nga/TC GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

7 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.