THỨ NĂM, NGÀY 02 THÁNG 05 NĂM 2024 04:48

Hãy để trẻ tự giải quyết mâu thuẫn

31/03/2020 | 10:23
 
Chuyện thứ nhất
 
Zin năm nay 6 tuổi, đó là một cậu bé bụ bẫm và vô cùng đáng yêu. Mùa dịch, nên Zin được mẹ gửi về ông bà ngoại trông. Ở đó có bé Na 8 tuổi là con của anh trai mẹ Zin. Không ngày nào Na và Zin không đánh nhau, cãi nhau khiến ông bà đau hết cả đầu. Mỗi lần tụi nhỏ xung đột, bà ngoại Zin đều nghiêm khắc can ngăn và ngay lập tức truy tìm nguyên nhân để xử phạt một cách công bằng, thỏa đáng. Bà hỏi cặn kẽ ai gây sự trước, ai đã đánh ai. Người gây ra nguyên nhân của cuộc cãi vã, ẩu đả sẽ bị bà phạt bắt đứng úp mặt vào tường hoặc bị đánh vào lòng bàn tay. Nhưng những hình phạt nghiêm khắc này dường như không mấy hiệu quả, bình yên chỉ được duy trì trong chốc lát, rồi tất cả lại đâu vào đấy. Điều này khiến cho ông bà của Zin và Na cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Sự mệt mỏi của tuổi già, cộng thêm phải trông hai đứa cháu nội ngoại cả ngày khiến cho họ sinh ra cáu bẳn, giận dữ. Trong khi đó, cả Zin và Na ngày càng tỏ ra cứng đầu. Để không bị ông bà phạt, thay vì trình bày sự thật trong mỗi lần bị “hỏi cung xét xử”, chúng bắt đầu nói dối để trốn tội, đổ lỗi cho đối phương. Vì không biết cách chơi với nhau trong hòa bình mà cả Zin và Na đều bị tổn thương, còn ông bà của Zin và Na, vì sự cãi vã, tranh chấp của hai cháu, tâm trạng cũng trở nên ngày càng bức bách, khó chịu.


Trẻ em tranh giành, cãi vã nhau, nếu không nghiêm trọng, cha mẹ hãy để trẻ tự xử lý. Ảnh minh họa
 
Chuyện thứ hai 
 
Thỏ năm nay 11 tuổi, Bống năm nay 6 tuổi. Đang dịch covid-19 nên cả hai chị em được nghỉ học ở nhà. Ban đầu chúng chơi với nhau rất vui vẻ, nhưng chỉ được 10-15 phút, chị Thanh – mẹ của Thỏ và Bống lại nghe thấy tiếng hai đứa con chí chóe nhau, đa phần là tiếng em Bống khóc, nhưng cũng có lúc là tiếng chị Thỏ khóc nức nở. Lúc thì chúng tranh nhau đồ chơi, lúc tranh nhau cây bút chì màu, lúc thì em vẽ vào mặt búp bê của con, lúc thì chị ẩy con ngã chỉ vì con không cho chị miếng bim bim… Tiếng quát át tiếng khóc, lũ trẻ ngay lập tức yên lặng trước cơn giận dữ của người mẹ. Nhưng rồi chỉ 10-15 phút sau, cuộc chiến lại diễn tiếp. Quá mệt mỏi, chẳng thèm làm người phán xử, hay cảnh sát trưởng nữa, chị Thanh lờ lớ lơ coi như không biết, không nghe thấy, không nhìn thấy. Chị khóa trái cửa, nhốt mình trong phòng làm việc hoàn thành nốt số hồ sơ, sổ sách sếp giao. Bọn trẻ con không mách được mẹ, đành lủi thủi đi về phòng. Mỗi đứa ngồi một xó, không ai nói chuyện với ai. Nhưng giận được chừng 30 phút, chán quá, chúng lại phải lân la bắt chuyện để cùng chơi, cùng học. 


Nếu trẻ em giành đồ chơi, đánh nhau trong lúc nô đùa, cha mẹ xử lý không khéo có thể khiến trẻ mất đi một tình bạn. Ảnh minh họa
 
Chuyện thứ ba
 
Tít và Mít là bạn hàng xóm. Hai cậu bé rất thích chơi đá bóng và đạp xe đạp ba bánh cùng nhau. Chúng không hay cãi vã vì được các bà mẹ dạy phải biết san sẻ, nhường nhịn nhau khi chơi cùng. Nhưng, đôi khi có những tình huống vượt ra khỏi tầm kiểm soát khiến chung nổi xung lên đánh nhau. Nghe thấy tiếng Tít khóc ré lên vì bị bạn Mít cắn, chị Huyền mẹ của Tít vội vã chạy ra xem con thế nào. Chị xoa xoa vết cắn trên tay con, động viên con, vết thương đã đỡ hơn nhiều rồi. Chị không bắt Mít phải xin lỗi con chị ngay, mà chỉ xoa dịu nỗi đau và sự ấm ức của con mình. Sau đó, chị để con tiếp tục chơi cùng bạn, coi như không có chuyện gì xảy ra. Chỉ còn lại Tít và Mít, Tít giận bạn không nói năng gì, ngồi chơi một mình. Mít hoảng sợ vì đã làm bạn đau, mặt cứ ngơ ra. Sau đó, cậu bé lí nhí xin lỗi bạn, Mít nói không cố tình làm bạn đau mà chỉ cắn để bạn buông tay ra khỏi đồ chơi mà thôi. Hai đứa trẻ xí xóa, làm hòa và lại tiếp tục chơi cùng nhau như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
 
Những câu chuyện tôi kể trên, chúng chả xa lạ gì, chúng có thể là chuyện của chính bạn hoặc chuyện cô bé, cậu bé bên cạnh nhà bạn. Hầu hết trẻ em khi chơi cùng nhau đều nảy sinh xung đột, mâu thuẫn, đây là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, có những mâu thuẫn nó không quá trầm trọng như người lớn chúng ta nhìn thấy, lũ trẻ hoàn toàn có thể tự dàn xếp, thương lượng với nhau để làm hòa. Nhưng sự can thiệp thô bạo, hoặc làm quá lên của người lớn có thể thổi phồng sự việc lên khiến cho vấn đề trở nên trầm trọng. 
 
Để trẻ con có thể chơi cùng nhau, tốt nhất cha mẹ không nên can thiệp quá nhiều vào “chuyện của trẻ”. Bạn chỉ nên can thiệp khi trẻ gặp các vấn đề nguy hiểm (bị bạn cắn, đánh chảy máu, bầm tím tay chân…), hoặc các tai nạn thương tích (do đồ vật, đồ chơi gây ra) hay các ảnh hưởng đến tâm lý (do thường xuyên bị bạn đánh hoặc bị bạn đe dọa dẫn đến hoảng sợ…). 
 
Hãy bình tĩnh nhìn nhận và quan sát cách trẻ xử trí vấn đề. Chúng sẽ làm gì để thoát ra khỏi một cuộc cãi vã và ẩu đả? Cũng đừng quá lo lắng, nếu ai cũng chỉ lo con mình bị thiệt thì rốt cuộc trẻ sẽ chơi với ai. Cũng đừng quá rạch ròi, truy tìm bằng được kẻ sai, người đúng vì đa phần trong mọi cuộc cãi vã, xung đột, ai cũng có lỗi. Điều quan trọng là trẻ biết sửa lỗi và làm lành với bạn.
 
Hãy cứ thử bình tĩnh đi, rồi bạn sẽ thấy khả năng đàm phán và thương thuyết của trẻ em là thiên bẩm, và chúng hoàn toàn có thể xử lý các vấn đề của mình một cách đơn giản nhất mà bạn đôi khi không ngờ đến.
 

Phương Anh/GĐTE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...