THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 05:02

Hãy tôn trọng con!

05/05/2020 | 08:19

Nếu bạn muốn con vâng lời, hãy học cách lắng nghe và tôn trọng lời nói của con. Ảnh: Raisingchildren



Để trẻ được quyền nói


Một người mẹ trẻ cho biết, chị hoảng hồn khi cô con gái mới 5 tuổi giận dữ thắc mắc rằng: Tại sao khi mẹ đang nói chuyện với ai đó, con nói xen vào mẹ bắt con trật tự, thậm chí, có lúc mẹ còn quát “im đi”; nhưng khi con nói chuyện với mẹ, mẹ chẳng nghe gì cả, mẹ cứ “ờ ờ”, thậm chí mẹ còn quay sang nói chuyện với bố hoặc gọi điện thoại cho bạn. Thế là thế nào hả mẹ? Tại sao mẹ nói thì được mà con nói thì không được?!


Có công bằng không khi chúng ta bắt trẻ phải lắng nghe cha mẹ nói, không được xen vào khi mình đang nói chuyện với ai đó nhưng lại không đủ kiên nhẫn để lắng nghe điều con muốn nói. Nếu bạn muốn con vâng lời, thì điều đầu tiên, hãy học cách lắng nghe và tôn trọng lời nói của con. Nếu trẻ nói lan man, hãy cố gắng kiên nhẫn nghe cho hết câu chuyện và giúp con rút gọn câu từ để lần sau nếu muốn nói điều gì, con có thể trình bày ngắn gọn và lưu loát hơn. Điều này không chỉ thể hiện bạn luôn quan tâm và sẵn sàng lắng nghe con mà còn giúp con rèn luyện khả năng ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp và thuyết trình.


Một người mẹ khác than phiền rằng, con của chị nói quá nhiều, chị thấy ù hết cả tai vì nghe con kể lể mọi thứ trên trời dưới biển. Tôi thì không nghĩ việc trẻ nói nhiều ở nhà là một sự phiền toái, thậm chí đó là một niềm hạnh phúc. Trẻ nói nhiều là vì trẻ đang học cách giao tiếp với mọi người, trẻ muốn được cha mẹ quan tâm và muốn thể hiện sự quan tâm của mình với cha mẹ. Hãy lắng nghe trẻ nói vì quãng thời gian tuyệt vời này thực sự sẽ không kéo dài đâu. Ngay khi bước vào tuổi dậy thì, trẻ sẽ ít nói dần, thậm chí là không thích nói chuyện với cha mẹ, chúng thường trả lời khi được hỏi chứ hiếm khi chủ động bắt chuyện. Và khi đến tuổi trưởng thành, số con cái có thể ngồi cả tiếng đồng hồ để chuyện trò với cha mẹ lại càng trở nên hiếm hơn.


Để trẻ được thỏa sức tưởng tượng


Có một cô bé đã vẽ một chú chó màu hồng. Ai nhìn bức tranh bé vẽ cũng phì cười vì ngoài đời chẳng có con chó nào màu hồng, nhưng bé gái chẳng thấy có gì đáng cười cả, một con chó màu hồng thật xinh đẹp, bé thích. Là một người tích cách phóng khoáng, lại làm công việc mang tính chất sáng tạo nên mẹ của bé gái đó không lấy làm ngạc nhiên khi nhìn thấy bức tranh chú chó màu hồng của con mình. Thậm chí, chị còn khen ngợi vì con đã phối màu sáng tạo, tươi sáng và có trí tưởng tượng phong phú, mới mẻ. Nghệ thuật không nhất thiết phải giống đời thực, hãy để trẻ được thoải mái sáng tạo và được quyền làm điều mình thích. Có như thế, sau này trẻ mới có thể dám sống với đam mê của mình.


Hãy để trẻ được thoải mái sáng tạo và được quyền làm điều mình thích. Có như thế, sau này trẻ mới có thể dám sống với đam mê của mình. Ảnh: T. Huyền

 

Đừng xâm phạm quyền riêng tư của trẻ


Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm là quyền riêng tư, quyền này được Luật Trẻ em quy định và bảo vệ; tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các bậc cha mẹ đều ít nhiều vi phạm quyền này của trẻ một cách vô ý hoặc cố ý.


Nhiều cha mẹ thường xuyên đăng tải các hình ảnh và câu chuyện về con lên mạng xã hội mà không được sự cho phép của trẻ. Nhiều cha mẹ đọc trộm nhật ký của con, xem trộm các tin nhắn, ghi âm các cuộc gọi của trẻ…, khiến trẻ cảm thấy vô cùng tức giận và bị tổn thương. Có thể bạn cho rằng, những hành vi này chỉ nhằm một mục đích duy nhất để biết con đang nghĩ gì, làm gì và để bạn có thể hiểu con hơn, bảo vệ con tốt hơn; tuy nhiên, điều này là phạm luật và trẻ chẳng hề cảm thấy hạnh phúc chút nào khi bạn xâm phạm quyền riêng tư của con. Hãy bảo vệ con bằng các cách khác, ví như, để biết con đang gặp các khó khăn gì, có bị bạn bắt nạt hay không, có thích bạn khác giới nào không…; bạn hãy thường xuyên trò chuyện cùng con để con có thể tự mình nói ra mọi điều với bạn.

Đừng ép trẻ học, hãy để trẻ thích học


Lan man một chút nào, bạn hãy thử nhớ về thời thơ ấu của mình trước đây, hồi còn bé tẹo ấy, bạn có thích học không? Nếu so sánh chơi và học, cái nào hấp dẫn hơn? Có lẽ, phải có tới 99% câu trả lời là chơi thích hơn học. Nhưng rồi, ai cũng phải học hành để dần khôn lớn, không ai có thể rong chơi mãi được.


Từ trong tiềm thức, hiếm có đứa trẻ nào tự nhiên lại thích học, cho nên để trẻ tự giác học tập, cha mẹ không thể ép, mà chỉ có thể định hướng, khuyến khích và đồng hành cùng con. Hãy để con hiểu rõ mục đích của học tập là gì. Tại sao con phải học, học là việc của con, còn đi làm kiếm tiền là việc của cha mẹ, chúng ta ai cũng có việc phải làm và cần chủ động hoàn thành tốt phần việc của mình.


Có những đứa trẻ ý thức tự giác tốt, sẽ không để cha mẹ phải nhắc nhở nhiều việc học hành, nhưng đa phần là mải chơi, lười nhác hoặc ỷ lại. Vậy, bạn phải làm thế nào với những đứa trẻ này. Đưa trẻ vào khuôn phép, nề nếp – đó có thể là một cách, nhưng có trẻ sẽ nghe theo, trẻ bướng bỉnh sẽ bất tuân và tìm cách chống đối. Điều quan trọng là cha mẹ cần truyền cảm hứng và niềm yêu thích học tập cho con. Khi được cha mẹ truyền cảm hứng, động viên tích cực, trẻ sẽ cảm thấy có hứng thú học hành hơn. Ví dụ, thay vì hỏi con: “Bài tập ngày hôm nay, con làm xong chưa?”, bạn có thể đổi thành gợi ý: “Nào, chúng ta cùng đi học bài nào”. Để việc học tập bớt căng thẳng, bạn có thể kết hợp vừa học vừa chơi, hoặc cho phép trẻ thư giãn nghe nhạc, chơi thể thao hay chơi một ván game ngắn giữa giờ học. Đừng gò ép con quá, và cũng đừng đặt quá nhiều kỳ vọng vào con, vì điều này có thể khiến cho trẻ cảm thấy bị áp lực, mệt mỏi, dễ nảy sinh những suy nghĩ và hành động tiêu cực.

Bình Yên/TC GĐ&TE

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.