THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 05:49

Hen phế quản ở trẻ em - Không được chủ quan, lơ là

14/03/2018 | 11:18
 
Khi thấy trẻ có các biểu hiện: ho dai dẳng, cơn ho nặng hơn về đêm; thở khó, thở khò khè; có cảm giác nặng ngực…, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám và điều trị. Ảnh: Internet
 
Thời tiết nồm ẩm, bé Nam Khánh con chị Giang (Hà Nội) có các biểu hiện thở khò khè, khó thở, tức ngực và ho. Những biểu hiện này thường xuất hiện về đêm và sáng sớm. Thấy con khó thở, mệt mỏi, chị Giang đã đưa con đến bệnh viện khám. Sau khi khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ kết luận bé Khánh bị hen phế quản. Chị Giang rất ngạc nhiên, vì tiền sử gia đình không có ai bị hen và chị giữ gìn bé rất cẩn thận khi thời tiết thay đổi. Bác sĩ đã giải đáp những thắc mắc và hướng dẫn chị Giang cách chăm sóc cũng như phòng bệnh hen phế quản ở trẻ em.
 
Nguyên nhân gây bệnh 
 
– Do yếu tố gia đình: Nếu trẻ sinh ra trong gia đình có cha mẹ không bị hen phế quản thì nguy cơ bị bệnh hen phế quản rất thấp, khoảng 10%; nguy cơ mắc hen phế quản sẽ tăng lên 25% nếu một trong hai người cha hoặc mẹ bị hen phế quản và tăng lên 50% nếu cả cha lẫn mẹ bị hen phế quản.
 
– Do cơ địa dị ứng: Những trẻ bị chàm, nổi mề đay, viêm mũi dị ứng hay mắc các bệnh dị ứng khác… có nguy cơ bị hen phế quản.
 
– Do thời tiết, môi trường sống (khói, bụi, lông động vật…), vi sinh vật (một số virus viêm đường hô hấp, nấm mốc), thức ăn (tôm, cua, ốc, đồ ăn có chất bảo quản), vận động quá sức.
 
Khi thấy trẻ có các triệu chứng như: ho dai dẳng, cơn ho kéo dài và nặng hơn về đêm; thở khó, thở khò khè; có cảm giác nặng ngực…, cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở để khám vì đó là những dấu hiệu cảnh báo trẻ bị hen phế quản.
Cần cho trẻ tái khám đúng hẹn, tái khám ngay cả khi cảm thấy trẻ khỏi bệnh, không lên cơn hen. Bác sĩ sẽ theo dõi và xem lại diễn tiến của bệnh, đánh giá hiệu quả điều trị để có thể tăng, giảm liều hoặc thay thuốc phù hợp.
Phòng bệnh hen phế quản
 
- Cần cách ly trẻ bị hen phế quản do virus (thường hắt hơi xổ mũi) với trẻ khỏe. 
 
- Không nên xả quần áo bằng các hóa chất có mùi thơm và đặc biệt người lớn không nên hút thuốc lá trong nhà.
 
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với các yếu tốt kích thích cơn hen như phấn hoa, bụi, khói, lông động vật ….
 
- Tránh để trẻ bị nhiễm lạnh, nhất là những hôm thời tiết thay đổi thất thường đang nóng lại trở lạnh đột ngột.
 
- Cẩn thận với thức ăn hàng ngày cho trẻ. Nhiều trẻ bị lên cơn hen sau khi ăn một số loại trứng, sữa, thức ăn nhanh nên cha mẹ cần lưu ý với nhóm thực phẩm này.
 
- Tránh dùng các loại thuốc xịt như hoa xịt phòng, thuốc xịt muỗi, côn trùng…
 
- Đảm bảo rằng phòng ngủ của trẻ cần được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp, không nên trải thảm. Không nên cho trẻ chơi thú nhồi bông cũng như không cho thú vật vào nơi trẻ ngủ…
 
- Chăm sóc, quan tâm, động viên trẻ.
 
- Nếu trẻ có các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, viêm mũi họng… cần được điều trị sớm, vì đây có thể là yếu tố làm cơn hen tái phát.
 
- Vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi hay tiền sử gia đình có bố mẹ bị hen hoặc trẻ bị chàm cần điều trị dự phòng hen theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.
 
- Cần tái khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ để chỉnh liều thuốc dự phòng hen.
 
 
 
Cần tránh các yếu tố là nguyên nhân gây hen phế quản như: khói thuốc, bụi bẩn, nấm mốc, lông động vật…. Ảnh: Internet
 
Điều trị
 
Khi trẻ bị hen phế quản, để điều trị bệnh, có hai loại thuốc chính có tác dụng khác nhau là thuốc cắt cơn và thuốc dự phòng. 
 
Thuốc cắt cơn tác dụng nhanh dạng xịt khí dung là loại thuốc trẻ có thể sử dụng ngay khi bắt đầu có triệu chứng hen. Thuốc sẽ nhanh chóng làm giãn phế quản, giúp trẻ dễ thở hơn.
 
Thuốc dự phòng có tác dụng bảo vệ niêm mạc đường thở, giảm sưng và ngăn những kích ứng với tác nhân gây bệnh hen phế quản ở trẻ em.
 
Tuy nhiên, không phải bé nào cũng cần dùng thuốc này. Bên cạnh việc chữa trị hàng ngày, cha mẹ cần động viên con, tránh bi quan, lo âu ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
 
Cha mẹ hãy hiểu biết về căn bệnh hen phế quản ở trẻ em để có những biện pháp phòng và điều trị bệnh phù hợp. Khi chăm sóc trẻ mắc hen phế quản tại nhà, cần phải biết cách nhận biết và xử trí khi trẻ lên cơn, tránh nguyên nhân làm khởi phát cơn hen, biết cách tự phòng ngừa bằng thuốc và tái khám theo đúng hẹn của bác sĩ. Việc sử dụng thuốc khi trẻ lên cơn hen cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Cha mẹ không tự ý mua thuốc về sử dụng sẽ gây nguy hiểm cho trẻ.
 
Thời điểm giao mùa, thời tiết nồm, độ ẩm trong không khí cao là điều kiện thuận lợi cho khởi phát cơn hen phế quản. Các gia đình có con bị bệnh hen cần giám sát chặt chẽ con, tránh để xảy ra những trường hợp đáng tiếc, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng trẻ.

Anh Khánh/TC GĐ&TE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.