THỨ BA, NGÀY 07 THÁNG 05 NĂM 2024 12:33

Hiệu ảnh ở phố làng

28/04/2020 | 08:19


Ảnh tư liệu của tác giả cung cấp.


 Xưa quê nghèo giáp hạt, ăn đong, đứt bữa là có, nhất là những vụ mất mùa, cái đói hoành hành sốt ruột, nhiều người nhìn đâu cũng bực. Thấy cánh ăn trắng mặc trơn, ung dung cũng lại bực.


Cánh bị ghét oan này thường là cánh thoát ly hay người mặt phố, có cửa hàng. Mà diện nhất có lẽ là nhà chủ hiệu ảnh. Cả làng, cả phố đang rối lên, chợ gạo kém trông thấy mà ông ấy vẫn sớm chiều chăm hoa, tỉa lá, ít khách thì ông lại pha màu tô lại cái phông vẽ phong cảnh hay vẽ lại cảnh khác trên bức tranh tường. Đúng là giời cho nghề, nghiệp lại chọn người, diện mạo ông ấy rất khác người làng, tóc thì dài, buộc túm phía sau, áo sơ mi sơ vin với quần tây, lại có áo gi-lê bên ngoài. Ông luôn đi giầy đi tất nên không chỉ tươm tất mà còn phải nói là diện so với người làng. Trong khi nhiều người chân đất đi chợ, đi làm, thậm chí đi họp. Ông đẹp lão, bà vợ cũng đẹp, ăn mặc nền nã, phụ giúp chồng phục vụ khách lúc nào cũng đon đả. Bà không ngại chải đầu, chỉnh cổ áo giúp khách cũng như kê chậu hoa ra chỗ phông vẽ. Rồi bà lại tất bật đi tìm cành hoa nhựa cho khách nghiêng đầu chụp ảnh chân dung. Nhiều người bảo, bà không theo sát, canh chồng thì có mà mất, vì ông này vốn đĩ tính. Thì người ta cứ đồn thế chứ ông bà có hai anh con trai, đều đi học ngoài tỉnh cả, ngày nghỉ hay những dịp lễ tết đông khách vẫn phụ giúp bố mẹ chụp ảnh. Các anh đều rất đẹp trai, chụp ảnh cũng đẹp như bố. Các cô gái trẻ mà gặp các anh, nhất là anh cả, học bác sỹ ngoài Hà Nội thì phải nói là bối rối. Vì anh không chỉ đẹp trai, lại có duyên, ăn nói nhẹ nhàng, khi tóc các cô vương trên má, không ngần ngại đưa tay vuốt hộ, khiến mãi sau các cô mới trấn tĩnh được lại, để chụp tiếp.


Xưa, hiệu ảnh ở quê,  phông vẽ, tranh tường và cây cảnh làm nền chụp ảnh là chính. Thời ấy mới chỉ là chụp ảnh phim đen trắng, cỡ ảnh 3x4 cũng có, hay 4x6, không nhiều người rửa ảnh 6x9, hay 9x12, các ảnh được in trên nền giấy trắng hay ngà vàng.


Hiệu ảnh ngày thường hiếm người lai vãng mà chỉ có ngày nghỉ, cánh “thoát ly’’ hay học sinh tìm đến thành phong trào bấy giờ. Nhóm vài ba người chụp ảnh bên những cây cảnh thường là ngâu, đuôi lươn, huyết dụ, trắc bách diệp. Những ảnh này được treo trong khung ảnh gia đình hay để trong an – bum. Đến giờ, nhiều bức ảnh đã phai mờ, bong tróc nhưng các cụ vẫn bảo ko hiểu sao “nước ảnh’’ ngày ấy đẹp thế. Và con cháu đôi khi kinh ngạc bởi ông bà, bố mẹ mình vẫn nhớ được người trong ảnh và kể về họ, cho dù không ít người đã khuất.


Phần lớn người trong các làng hay chụp ảnh vào các dịp lễ tết. Từ ngày mùng 2 Tết đến hết 3 tháng mùa xuân là hiệu ảnh làm không hết việc. Người làng nọ, làng kia, trung niên rồi nam thanh nữ tú cho đến đám trẻ con lau nhau mỗi đứa một cái xe đạp đi cả chục cây số lên phố làng chụp ảnh. Phải nể lắm ông chủ hiệu mới dứt cửa hàng ra, vào bấm cho gia chủ dăm kiểu ảnh tại tư gia, với điều kiện các cụ già phải chỉnh tề trang phục, chụp được luôn. Những bức ảnh quý này thường được con cháu mang theo khi đi xa nhà, xa quê. Ảnh các cụ có thể sẽ là ảnh thờ khi về với tiên tổ.
 


Ảnh tư liệu của tác giả cung cấp.

Những ngày Tết, chủ hiệu ảnh bao giờ cũng phải có người hỗ trợ, không là con cái đã biết nghề thì cũng là đám đang học việc. Những chiếc máy ảnh sử dụng phim hoạt động hết công suất. Tay máy chụp từ sáng đến tối, đến ăn bát cơm cũng vội. Những hôm có nắng còn đỡ, không thì cứ một tay cầm đèn rọi, một tay bấm máy, mặt nhăn tít vì nheo mắt. Nếu không thế thì không tiếp hết số khách đang chải đầu đứng đợi. Một tay máy có nghề, biết chiều khách thực sự, chỉ 3 tháng Tết và lễ hội mùa xuân của các làng trong vùng, thu nhập cũng đủ ấm. Nếu nhà có ruộng, mùa màng vẫn có thể đảm bảo.
Những ảnh ấy được rửa đủ cho từng người có mặt trong hình, để rồi khoảng tuần sau, lại xe đạp vòng trong vòng ngoài xếp hàng lấy ảnh. Bọn trẻ túm tụm xem, đứa sung sướng vì ưng ý, đứa lại tần ngần không ưng. Có những tấm ảnh bị xé ngay cửa hiệu ảnh, nhưng ít khi thôi.


Xưa, bạn bè hay tặng nhau ảnh chính mình để nhớ về nhau. Những cô gái xinh đẹp thường được các bạn xin ảnh, kể cả bạn gái. Ảnh ấy cũng không phải chỉ để cất đi cho riêng người được tặng mà được đem về nhà treo trong khung ảnh gia đình với một tình cảm đặc biệt của thủa hoa niên. Mãi sau này bạn bè gặp lại, ngoài chuyện về tấm ảnh cũ còn có cả chuyện ảnh ấy được treo tại nhà bạn một trai, để những bạn trai khác ghen tị hoặc rút lui.


Đám học sinh là chúa hay chụp ảnh, chúng có thể nói dối đi học để lên phố làng cùng chụp ảnh. Những đồng tiền bán rau, hay thu vén từ mớ tôm, con cá được chúng cân nhắc xem chụp được bao nhiêu kiểu. Những tấm ảnh để nhớ ấy được ông thợ ảnh trong phố làng chụp bằng sự tận tâm của người lưu giữ cái đẹp, bằng niềm hân hoan của tuổi hoa niên. Để rồi mỗi người một vẻ, mỗi thiếu nữ đều ghi lại được nét đẹp riêng của thanh tân đang độ. Có cô gái xinh được hiệu ảnh treo làm mẫu vừa vui lại vừa ngài ngại. Đến lạ, đôi khi người ta có thể quên người, nhưng lại không thể quên được người trong ảnh, bởi đôi mắt, bởi môi cười hay mái tóc. Có những bức ảnh  chụp xong trong cất trong hành trang cá nhân đi mãi những chặng đường xa, có chặng chiến chinh, khói lửa. Những xao xuyến của tuổi 18, đôi mươi đẫm nước mắt, khi kẻ mất người còn. Tấm ảnh chị theo anh về quê nhà, mẹ anh treo trong khung ảnh gia đình mình, đôi khi mẹ vẫn nhắc: “Đáng ra, nó là con dâu út’’…  Ngày giỗ anh, chị về thắp hương, thấy tấm ảnh mình xưa, lại thấy tấm ảnh của anh cũng chụp hôm ấy, cái mũ pho đội đầu còn rộng. Đã dặn lòng mà chị vẫn khóc, để mẹ lại khóc theo.


Ảnh tư liệu của tác giả cung cấp.


Thời gian trôi đi, ảnh có thể thất lạc, có thể bị hoen ố, đôi khi trong gánh đồ của bà đồng nát. Trong chợ đồ cũ ngoài thành phố hiện nay, người ta thấy còn nguyên cả quyển an – bum giấy nến, rồi cuốn an – bum bìa sơn mài, rõ là người xa lạ, mà ngắm nhìn lại thấy gần gụi, sao mà giống gia đình ta xưa thế. Ảnh chụp hôm Tết, ông áo the, khăn đóng, bà áo dài gụ, buộc tà trước, con cháu quây quần, chụp cạnh tường hoa nhà mình, hay lấy cái phông phong cảnh hiệu ảnh. Thời gian đằng đẵng đi qua, khó nhọc mưu sinh, bận bịu chuyện cơm áo khiến nhiều điều lãng quên. Nhưng chỉ với tấm ảnh đen trắng nhỏ xíu lại khiến quá khứ, những xưa cũ, cội nguồn trở về nguyên vẹn.


Tôi đã đến bao huyện lị, thị trấn, thị tứ xa gần mà lâu rồi chẳng còn thấy một hiệu ảnh nào. Ngày xưa đã xa lắc, những tấm ảnh màu, chụp phim thời thiếu nữ của tôi giờ đã phai màu, thì tìm đâu ra một hiệu ảnh cũ. Có chăng, chỉ là trong câu chuyện của đám trung niên. Họ kể về những tấm hình thời son trẻ và đôi khi kể cả chuyện anh chủ hiệu ảnh tài hoa, đa tình khiến bao cô gái làng mê mệt, anh đã mê hoặc cô gái xinh nhất làng, rồi họ đưa nhau đi Nam. Người thì bảo anh này bạc, người lại bảo anh ấy đẹp trai, nghệ sỹ, lại làm ra tiền thế thì gái mê là phải…


Cả một chặng dài đã qua, là phận người chứ đâu chỉ là những bức ảnh. 

Nguyễn Minh Hoa/TC GĐ&TE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...