THỨ TƯ, NGÀY 08 THÁNG 05 NĂM 2024 04:40

Hiểu trầm cảm từ người trong cuộc: Cha mẹ bình an – con sẽ an lành

01/12/2019 | 11:05

 

 
PGS.TS Nguyễn Phương Hoa
 
Nếu con mắc tâm bệnh, hãy chăm sóc chúng bằng hai lần yêu thương và không cần tội nghiệp

Những sự việc gây chấn động dư luận trong thời gian gần đây do căn bệnh trầm cảm gây ra đã khiến cho nhiều người bàng hoàng, và những dịch chuyển âm thầm của căn bệnh này vẫn ở đó, từng ngày từng giờ trong lòng người bệnh, gây ra những hệ luỵ nặng nề: hạn chế chất lượng học tập, làm việc; gây rối nhiễu, đổ vỡ các mối quan hệ; gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ thể chất; thậm chí gây ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh; và thật đáng tiếc, có khi ảnh hưởng đến tính mạng của cả những người có liên quan, đặc biệt khi người bệnh là người mẹ, người bố, là ông, bà. Một điều đáng lo ngại khác: bệnh trầm cảm không dễ dàng nhận biết, dù là căn bệnh gây chết người thứ hai sau bệnh tim mạch (theo nghiên cứu của WHO). Theo WHO, có hơn 400.000 người tự tử mỗi năm do trầm cảm, tức là cứ mỗi giờ lại có 45 người chọn cách từ giã cõi đời vì căn bệnh này.

Không ai biết người trầm cảm thật sự nghĩ gì, có bao nhiêu mối lo âu bủa vây họ hằng ngày, bao nhiêu “dấu hiệu cầu cứu” được bày ra, bao nhiêu lần họ có ý định “từ bỏ” cuộc sống này. Không dễ để biết một người nào đó hay chính chúng ta đang mắc trầm cảm. Và kể cả sau khi nhận biết, chúng ta cũng gặp nhiều lúng túng, trở ngại khi muốn giúp một ai đó, hay thậm chí là chính mình vượt qua “cơn giông bão” cảm xúc. 
 
 
PGS.TS Nguyễn Phương Hoa và Nhà báo Tạ Bích Loan trong buổi ra mắt sách “Có một cơn đau mang tên trầm cảm".

6 năm đồng hành cùng con điều trị bệnh trầm cảm, PGS. TS Nguyễn Phương Hoa đã chia sẻ những câu chuyện có thật về trải nghiệm của mình. Nhân vật người con trai trong “Có một cơn đau mang tên trầm cảm” giúp người đọc vén màn bức tranh cuộc sống của người mắc trầm cảm: đó là những người có cuộc sống thường xuyên bị đảo lộn ở các thái cực khác nhau. Mới buổi sáng, bạn vẫn đang tràn trề sự tự hào vì lọt vào cuộc thi Lập trình quốc tế, thì tối đến những nỗi lo âu vô căn cứ ập về “Nhỡ một bạn trong đội bỏ thi thì sao?!”; Là mươi phút trước đang rất hào hứng muốn trở về nhà ăn cơm tối cùng bố mẹ, thì mươi phút sau bỗng thấy bản thân là một kẻ vô tích sự, thất bại, nằm co quắp trên chiếc giường phòng trọ vừa bế tắc khóc lóc, vừa nguyền rủa sự yếu đuối của chính mình, cứ thế người ta rơi vào vòng xoáy của những cảm xúc nặng nề. 

Là những người bình thường, chúng ta khó mà cảm nhận được những đảo lộn cảm xúc thường xuyên ấy để hiểu rằng việc chiến thắng nó là một hành trình cần rất nhiều ý chí và cả tình yêu thương, sự tin tưởng. “Những người mắc trầm cảm thực chất là những người dũng cảm, gan lì và kiên trì nhất”. Chỉ có những ngày ở trong mây đen u tối, bạn mới thật sự khao khát và hiểu rõ giá trị của ánh mặt trời. Như hành trình 6 năm cùng con vượt qua biết bao nhiêu ngày “giông bão” thì cái Tết đầu tiên trong an bình cũng đã đến với người mẹ, với cái ôm thật chặt và “Mẹ ơi, con cảm ơn mẹ!” từ cậu con trai cô tưởng chừng đã đánh mất trước kia.

“Khi con ốm, chúng ta chăm sóc chúng với tất cả sự yêu thương và sự tội nghiệp dành cho chúng. Tuy nhiên, nếu con chúng ta mắc tâm bệnh, hãy chăm sóc chúng bằng hai lần yêu thương và không cần tội nghiệp”,  PGS.TS Nguyễn Phương Hoa nói. 
 
 
Cuốn sách mô tả trung thực trải nghiệm của “người trong cuộc” với mong muốn chia sẻ kinh nghiệm đối phó với trầm cảm tới những người có bệnh và thân nhân của người bệnh,
 

Chỉ có sự bình yên trong tâm hồn cha mẹ mới đưa con được đến bến bờ bình yên

“Có một cơn đau mang tên trầm cảm” là cuốn sách được phát triển tiếp dựa trên cuốn “Khi mây đen kéo tới”. Không phóng đại, không bi kịch hóa; vẫn bằng những chia sẻ của người mẹ có con trai không may mắc bệnh trầm cảm, cuốn sách tiếp tục mô tả trung thực trải nghiệm của “người trong cuộc” với mong muốn chia sẻ kinh nghiệm đối phó với trầm cảm tới những người có bệnh và thân nhân của người bệnh, để từ đó có được những hiểu biết căn bản về căn bệnh và liệu pháp điều trị bệnh. 

Nếu các tư liệu khoa học giúp người đọc định nghĩa về căn bệnh trầm cảm, từ đó đưa ra các biện pháp chữa bệnh dựa trên cơ sở khoa học, thì với lối kể chuyện nhật ký, cùng những câu chuyện ngắn về tình trạng người bệnh trong từng vấn đề cụ thể, từ: Nỗi sợ rớt môn; Nên hay không nên tham gia CLB Tranh biện; Nên hay không nên nuôi một chú mèo; cho đến: Có nên ngưng điều trị bằng thuốc, hay những cơn la hét khi cơn trầm cảm lên đến đỉnh điểm; “Có một cơn đau mang tên trầm cảm” mô tả chi tiết những cảm xúc, hình ảnh cũng như sự giày vò về tinh thần, thể xác mà người trầm cảm đang chịu đựng và biểu hiện mỗi ngày. Từ đó, cho độc giả cái nhìn chân thực về chân dung một người bệnh trầm cảm, giúp cho việc nhận biết người trầm cảm thông qua những lời nói, hình ảnh, cách hành xử trở nên dễ dàng và thực tế hơn.
 
Nếu bạn đang ở tận cùng tuyệt vọng của căn bệnh trầm cảm; nếu người thân của bạn đang mắc kẹt trong những ngày u ám và chính bạn không biết phải tìm sự trợ giúp ở đâu, thì cuốn sách này là một sự khởi đầu tốt. Bất cứ căn bệnh nào cũng cần tìm ra căn nguyên thì quá trình chữa lành mới có thể diễn ra suôn sẻ. Nếu bạn hay con bạn không may mắc bệnh - những căn bệnh sinh lý, chúng ta có kháng sinh, có thuốc được kê toa đầy đủ, có phác đồ điều trị rõ ràng từ bác sĩ và một điều (chắc chắn) chúng ta biết căn bệnh đó là gì và kiểm soát được phần nào diễn tiến của nó. Còn với trầm cảm, khoảng cách từ lúc phát hiện bệnh, đến lúc chấp nhận và vượt qua nó là cả một hành trình mà chúng tôi tin là rất dài và gian nan bởi trầm cảm cần nhiều hơn những toa thuốc được kê đơn bởi bác sĩ.

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa cho hay: Khi có bệnh thì cần phải uống thuốc nhưng  y học hiện tại vẫn chưa tìm ra được trầm cảm ở mức độ nào thì nên uống loại thuốc nào, nói cách khác là chính BS cũng đang phải cân nhắc từng liều thuôc trong từng thời gian điều trị thích hợp để kê đơn cho từng bệnh nhân. Bệnh nhân trầm cảm không nên bỏ uống thuốc, nếu không tin tưởng lắm ở BS đã kê đơn cho mình thì có quyền lựa chọn BS khác. Ngoài ra, có những lúc người bệnh sẽ bị rơi vào trạng thái bị bệnh lừa dối bản thân mình, từ đó sẽ có cảm giác chán nản và nghĩ rằng cha mẹ cũng như người xung quanh coi thường mình. Do đó, cần cung cấp cho mọi người nhiều kiến thức để tránh căng thẳng, vì sự căng thẳng trong cuộc sống lúc nào cũng có thể diễn ra.

“Tôi nghĩ chúng ta cần đối mặt với khó khăn của thời đại chúng ta, chúng ta sống trong ngày hôm nay và giải quyết cho vấn đề của ngày hôm nay" - bà Hoa bày tỏ.

PGS-TS Nguyễn Thị Phương Hoa, tác giả cuốn sách là TS tâm lý học xã hội tại ĐH Tổng hợp Moscow. Bà có một khoảng thời gian khá dài là thực tập sinh tâm lý học lâm sàng tại Trường Tâm lý học thực hành Paris, thuộc ĐH Catholic, Paris, Pháp.
 
12 nhận thức từ Có một cơn đau mang tên trầm cảm:
- Khó khăn tâm lý là điều mà ai cũng sẽ phải đối mặt, không loại trừ tôi và người thân của tôi. 
- Trầm cảm là một dạng khó khăn tâm lý kéo dài và không tự khỏi. 
- Trầm cảm có thể đi kèm các bệnh khác như: tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc lưỡng cực… Các bệnh nan y cũng có thể đi kèm trầm cảm.
- Tôi không phán xét những hành động bất thường do khó khăn tâm lý gây ra, thay vào đó, tôi sẽ cảm thông và tìm cách giúp đỡ. 
- Cách giúp đỡ người trầm cảm tốt nhất là thành thực lắng nghe.
- Món quà quý giá nhất để tặng cho người bị trầm cảm là sự có mặt khi họ cần đến bạn. 
- Không giống đa số có thể là rất ổn.
- Người thân của người bị trầm cảm cũng cần được quan tâm, chăm sóc.
- Bất cứ khi nào nghĩ rằng mình đang có bất ổn tâm lý, tôi sẽ không ngần ngại tìm sự giúp đỡ từ những người thân. 
- Tôi có quyền được nói về khó khăn của mình và có quyền được lắng nghe.
- Hãy để bác sĩ chẩn đoán bệnh của bạn (đừng tự Google, làm ơn!)
- Hãy chấp nhận bản thân.

Thảo Vân/GĐTE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.