THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 05:55

Hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật giảm nghèo

26/08/2020 | 15:36

TC Gia đình & Trẻ em đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Hồi, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH) xoay quanh việc hỗ trợ cho NKT.

Ông Nguyễn Văn Hồi, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH).


Hỗ trợ NKT nghèo được vay vốn, tạo việc làm, ổn định cuộc sống

Thưa ông, hiện nay chính sách hỗ trợ cho người khuyết tật thế nào và có những trở ngại khó khăn gì không?


Theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê, hiện Việt Nam đang có khoảng 6,2 triệu NKT. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách trợ giúp NKT, đặc biệt là Luật Người khuyết tật được coi là luật khung thực hiện chính sách trợ giúp NKT, quy định toàn diện các chính sách về trợ cấp, chăm lo giáo dục, y tế, phục hồi chức năng, đảm bảo an sinh xã hội, hình thành mạng lưới cơ sở bảo trợ xã hội thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho các đối tượng khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. NKT đang được nhiều chương trình, nhiều đề án lớn của Chính phủ hỗ trợ về sinh kế, y tế, việc làm, giáo dục, đi lại, văn hóa và nhiều hỗ trợ khác. Các chính sách hỗ trợ học nghề, việc làm được thực hiện theo hướng phổ quát, bảo đảm tất cả NKT đều được hỗ trợ. Các chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm, hỗ trợ NKT nghèo được quan tâm, tạo điều kiện để NKT vươn lên ổn định cuộc sống.


Tuy nhiên, do hạn chế về ngân sách, nguồn lực cán bộ, nhận thức hạn chế nên  đến nay, vẫn có một bộ phận NKT bị hạn chế trong việc tiếp cận các nguồn hỗ trợ này. Mặt khác, hiện nay có nhiều chính sách, đề án hỗ trợ cho NKT đang được triển khai, nhưng triển khai chưa tốt, chưa thực sự vươn tới một bộ phận NKT.

Những NKT thuộc đối tượng hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hiện được hỗ trợ sinh kế để thoát nghèo ra sao, thưa ông?


Hàng năm, Nhà nước đã chi khoảng 15.000 tỷ đồng để hỗ trợ, giải quyết trợ cấp xã hội hàng tháng cho khoảng 1,1 triệu người khuyết tật và họ cũng được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí - đây là một sự hỗ trợ hết sức lớn; Hỗ trợ cho 1,2 triệu trẻ em khuyết tật đến trường, có em được hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập, có em được miễn giảm học phí; Nhiều em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ học nghề và hỗ trợ việc làm.


Và còn nhiều tổ chức hỗ trợ NKT nữa, nhưng so với nhu cầu thì tôi cho rằng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của NKT.


Trao bò sinh sản cho gia đình hộ nghèo người khuyết tật ở Gia Lai từ Dự án “Hỗ trợ sinh kế bền vững cho NKT”.

 

Xin ông cho biết rõ hơn về chương trình hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm cho NKT?


Trong các hỗ trợ cho NKT, chúng tôi thấy có sự hỗ trợ lớn nhất là chương trình hỗ trợ sinh kế mà hiện nay Bộ LĐTBXH cũng như ngành LĐTBXH cả nước đang hỗ trợ cho NKT. Đây là nhóm đang rất được ưu tiên đối với chương trình dạy nghề của Bộ LĐTBXH và NKT có hoàn cảnh khó khăn được miễn, giảm học phí trong tiếp cận dạy nghề và được hỗ trợ vốn vay, được vay tối đa 100 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội. Chương trình tín dụng hỗ trợ vốn vay ưu đãi này hiện đang hỗ trợ cho hộ nghèo, trong đó có NKT là người nghèo rất tốt.


Hiện có hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề cho NKT, trong đó có 2 trường trung cấp nghề chuyên biệt đào tạo nghề cho NKT. Hàng năm, có từ 17.000-20.000 NKT được đào tạo nghề. Trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 20.000 lượt NKT được tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm. Trong giai đoạn 2012-2020, Bộ LĐTBXH đã triển khai mô hình hỗ trợ sinh kế cho 1.320 hộ gia đình có NKT tại 25 tỉnh, thành phố.

Theo ông, những hỗ trợ chính sách cho NKT cần bổ sung, sửa đổi thế nào để đáp ứng được nhu cầu của NKT?


Cần tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách hiện nay để làm cơ sở cho quá trình sửa đổi Luật Người khuyết tật. Trước mắt, cần phải có chính sách đặc thù trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho NKT và trẻ em khuyết tật. Hiện nay, nhiều dịch vụ chỉnh hình, phục hồi chức năng chưa có trong danh mục chi trả của bảo hiểm y tế, khiến NKT còn gặp khó khăn trong quá trình chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, chất lượng mạng lưới y tế cơ sở còn thấp, các trạm y tế xã thiếu trang thiết bị, không đảm bảo trang thiết bị phục hồi chức năng; số lượng thuốc, bác sĩ, nhân viên y tế chuyên ngành phục hồi chức năng còn thiếu. Các chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng đối với y tế tuyến xã gặp khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai. Theo đánh giá của Bộ Y tế, chỉ có dưới 10% số NKT, phụ nữ khuyết tật được tham gia các chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.


Để các chính sách hỗ trợ NKT đem lại hiệu quả, cần quan tâm thực hiện ngay 3 vấn đề cấp bách: Thứ nhất, cần phải nghiên cứu sửa đổi các chính sách hỗ trợ về trợ cấp, trợ giúp xã hội theo qui định của Nghị định 136/2013/NĐ-CP; Thứ hai là cần phải tăng cường hỗ trợ cho nhóm trẻ em tự kỷ, có các chính sách hỗ trợ về chăm sóc, giáo dục, phục hồi chức năng và đặc biệt là  sửa Luật NKT, nâng cao năng lực mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho trẻ em tự kỷ. Và thứ ba là hỗ trợ về giao thông tiếp cận đi lại thuận lợi, an toàn với NKT.


Xin cảm ơn ông!

Hồng Nga/TC GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.