THỨ BA, NGÀY 07 THÁNG 05 NĂM 2024 04:06

Hóa chất tẩy rửa - Thủ phạm hại làn da!

19/11/2018 | 10:27
 
PGS.TS. BS Trần Văn Tiến. Ảnh: Tùng Anh
 
? Xin chào bác sĩ! Cứ đến mùa đông là ngón chân và gót chân rồi hai bàn tay tôi bị nứt toác, chảy máu rất đau, chỗ da bị nứt cứng và khô ráp. Xin bác sĩ giải thích cho tôi về căn bệnh này và cần điều trị, uống thuốc như thế nào? Tôi chân thành cảm ơn! (Ngô Thị Thanh, phố Quang Trung, TP. Thanh Hóa)

Trả lời: 
 
Theo mô tả trong thư, chị bị bệnh viêm da cơ địa bàn tay, bàn chân, còn gọi là bệnh á sừng. Bệnh hay gặp ở những người thường xuyên phải tiếp xúc với chất tẩy rửa hoặc một số loại rau quả như hành tỏi, củ cải, nước nho, cam và thủy hải sản, gây viêm da kích ứng, viêm da cơ địa, Một số chất như găng tay cao su, chất mạ nikel của một số đồ dùng và đồ trang sức, chất PPD (paraphenylenediamin) có trong sơn móng, thuộc da cũng có thể gây viêm da kích ứng, tế bào da vùng đó bị mất nước, khô nứt ra, tạo nên bệnh cảnh lâm sàng là những đám da đỏ dày, khô, nứt nẻ bong vảy, chảy máu, đau đớn. Khí hậu khô hanh của mùa đông miền Bắc nước ta là yếu tố làm cho bệnh càng nặng lên.
 
Vị trí hay gặp là bàn tay, ngón tay, đặc biệt là ở 1/3 phía trước của bàn chân. Bệnh nặng về mùa đông, giảm về mùa hè, đôi khi khỏi hẳn, đến mùa đông năm sau lại tái phát. Bệnh viêm nhiễm mạn tính, khi cơ thể có sự thay đổi về nội tiết có thể tự khỏi như đến tuổi dậy thì, chửa đẻ, mãn kinh... 
 
Để phòng bệnh, cần tránh tiếp xúc với chất tẩy rửa, không dùng găng tay cao su mà dùng găng latex, không đi tất nilon mà đi tất cotton, thận trọng khi tiếp xúc với dụng cụ mạ nikel và đồ thuộc da như giầy dép da. Rửa tay chân bằng xà phòng có chất giữ ẩm như: loilatum, cetaphyl, physiogel. Sau khi rửa chân tay, bôi ngay thuốc giữ ẩm lacticare; lacticare HC; skincare U hoặc cream Ure 5-10%, vaserlin, bôi nhiều lần trong ngày hoặc những lúc da khô. Ăn đủ chất, nhiều rau quả, uống đủ nước trong ngày (2 - 2,5l/ngày). Uống kháng sinh khi có nhiễm khuẩn, uống kháng histamin để chống ngứa gãi. Các vitamin nhóm B như BC complex ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 viên, vitamin A 5.000UI uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 viên, trong 10 ngày.
 
Lưu ý: Không tự pha nước muối để ngâm chân vì nước muối sẽ hút nước trong tế bào ra làm da càng khô, nứt sẽ rộng và sâu hơn. Nếu duy trì được thuốc giữ ẩm thường xuyên thì tổn thương sẽ nhanh hồi phục và khỏi hẳn. 
 
Bệnh của chị chữa trị khá phức tạp, cần kiên trì. Trên đây chỉ là những gợi ý, chị nên tái khám tại bệnh viện da liễu để được hướng dẫn cụ thể hơn.
 
 
Khi giặt quần áo hay rửa bát nên đi găng tay bảo vệ bởi hóa chất trong xà phòng, nước rửa bát... sẽ làm mất sự tiết chất nhờn của da, làm da bị tổn thương. Ảnh minh họa
 
? Em bị viêm da, da nổi mẩn, đóng vảy và ngứa. Ban đầu, bác sĩ cho em bôi thuốc Funcidin H 15g cream, triệu chứng có giảm nhưng thuốc này chỉ được bôi trong 10 ngày. Khi không dùng nữa thì lại bị như lúc đầu. Sau đó em đi khám lại và bác sĩ cho bôi thuốc kẽm oxit 10%, Elomet cream 5g, kết hợp với thuốc uống Allertyn 10mg x 10 viên, dùng trong 10 ngày, sau 10 ngày em hết ngứa, da hết nổi mẩn và đi khám lại . Lần thứ 3, bác sĩ cho thuốc bôi Clean Ac lọ 40ml, Centaphil 118ml rửa mặt hàng ngày, thuốc uống Philco Q10 30 viên ngày uống 1 viên sau ăn sáng nhưng vẫn bị ngứa lại và nặng hơn. Xin bác sĩ cho em hỏi còn có cách điều trị nào khác không? Trước đây khoảng 4, 5 tháng em có dùng kem trộn nhưng sau đó không dùng được 2 tháng thì bắt đầu bị như thế. Liệu kem trộn có ảnh hưởng gì đến bệnh này không? (Lại Thị Thu, Hậu Lộc, Thanh Hóa)
 
Trả lời: 
 
Da là một cơ quan đặc biệt, bao phủ hầu hết bề mặt của cơ thể và tiếp xúc trực tiếp với môi trường sống nên rất dễ bị tổn thương bởi các tác nhân kích thích từ bên ngoài. Viêm da (còn được gọi là chàm hoặc eczema) là một trong những biểu hiện bệnh lý ở da thường gặp nhất. Đây là một nhóm gồm nhiều loại bệnh với các nguyên nhân khác nhau, đặc trưng bởi tình trạng viêm nông trên bề mặt của da, gây ra các biểu hiện ngứa, nề đỏ, nổi mụn nước, khi vỡ gây tiết dịch và đóng vảy, hay gặp nhất là viêm da tiếp xúc, viêm da cơ địa, viêm da dầu, viêm da thần kinh, tổ đỉa và đỏ da toàn thân. Biến chứng thường gặp của tất cả các bệnh viêm da này là dày da do gãi nhiều và nhiễm trùng tại các vết trợt loét. 
 
Trường hợp của chị, theo chúng tôi, chị cần đi khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương để xác định rõ nguyên nhân gây bệnh, chẩn đoán bạn thuộc nhóm bệnh lý nào… để có cách điều trị thích hợp và hiệu quả. Chị chỉ được sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được sử dụng các loại thuốc trộn và thuốc không rõ nguồn gốc, sẽ khiến cho bệnh của bạn trầm trọng hơn. Lưu ý tái khám sau mỗi đợt điều trị.
 
? Xin bác sĩ tư vấn cách phòng các bệnh về da trong mùa lạnh? (Nhiều người có cùng câu hỏi)
 
Trả lời: 
 
Để phòng viêm da mùa lạnh, điều quan trọng đầu tiên là phải giữ ấm cơ thể. Sử dụng kem dưỡng làm ẩm da phù hợp với từng vị trí da: môi, mặt, tay, chân, cơ thể. Cần thiết thì mọi người có thể đến bác sĩ để được tư vấn.
 
Trong trường hợp bôi kem dưỡng không hiệu quả thì nên kết hợp thuốc bôi đặc trị. Chế độ dinh dưỡng: ăn uống nhiều vitamin, khoáng chất. Chế độ sinh hoạt: làm việc, tránh tiếp xúc trực tiếp với chất tẩy rửa, xà phòng; Tắm nước ấm, không tắm nóng quá, dễ gây ngứa.
 
Lưu ý: Đa phần những trường hợp bị nứt tay chân là phụ nữ, làm công việc nội trợ. Nguyên nhân một phần do hóa chất trong xà phòng, nước rửa bát... làm mất sự tiết chất nhờn của da, làm da bị tổn thương. Không phải tiếp xúc với xà phòng một lần là bị ngay mà cả quá trình dài, có người làm nội trợ 5-10 năm sau mới bị.
 
Vì thế, dù hiện giờ chị em chưa bị nứt nẻ tay thì cũng nên chú ý khi giặt quần áo hay rửa bát nên đi găng tay bảo vệ, tránh tiếp xúc trực tiếp với hóa chất. Những người đã bị nếu không đi găng tay thì da sẽ bị nứt, khô nặng hơn.
 
Nếu đã tuân thủ chế độ chăm sóc da đúng cách nhưng da vẫn không đỡ thì cần đến các phòng khám da liễu khám kịp thời.

Minh Anh (thực hiện)/TC GĐ&TE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.