THỨ BA, NGÀY 07 THÁNG 05 NĂM 2024 08:01

Hoàn thiện chính sách, hỗ trợ toàn diện cho nạn nhân bị mua bán

27/08/2020 | 16:13

Khó khăn, thách thức trong tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân 
 
Qua gần 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở các địa phương, sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và cộng đồng người dân, công tác phòng, chống mua bán người nói chung và công tác tiếp nhận, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân trở về nói riêng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Hệ thống pháp luật, chính sách, dịch vụ về hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng được ban hành có hệ thống và tương đối đồng bộ về cả quan điểm, chủ trương, biện pháp, phân công trách nhiệm, cơ chế điều phối. 
 
Công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và đầu tư nguồn lực đã được các bộ, ngành, đoàn thể, UBND các cấp quan tâm, thực hiện ở trung ương và địa phương, huy động được sự tham gia, phối hợp cùng với các tổ chức xã hội, các tổ chức quốc tế. 
 
Các mô hình can thiệp hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng bước đầu triển khai đã đạt được kết quả đáng khích lệ, được cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực về các mô hình.


Hội thảo tham vấn Nghị định thay thế Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ do Bộ LĐTBXH tổ chức ngày 26/6/2020. 
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tiếp nhận, xác định, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân hiện nay đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức, như: Tình hình mua bán người có những diễn biến phức tạp, các thủ đoạn tinh vi. Đặc biệt là trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam không chỉ là quốc gia điểm đi mà còn là điểm đến của nạn nhân bị mua bán người. Tình trạng mua bán người trong trong nước cũng gia tăng do sự phát triển kinh tế khác nhau giữa các vùng miền, khoảng cách giàu nghèo có giãn cách. 
 
Bên cạnh đó, hệ thống chính sách, pháp luật về tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân đã bộc lộ những bất cập trong 10 năm qua, không còn phù hợp với yêu cầu của công tác này trong tình hình hiện nay, cụ thể là: Vấn đề xác minh, xác định nạn nhân (căn cứ xác định, cơ quan có thẩm quyền xác định nạn nhân); Chế độ hỗ trợ, hệ thống dịch vụ và quy trình hỗ trợ nạn nhân; Cơ chế chuyển tuyến hỗ trợ nạn nhân; Sự sẵn có và khả năng đáp ứng của hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân hiện tại…
 
Ngoài ra, nguồn lực đầu tư cho công tác hỗ trợ nạn nhân ở cộng đồng hiện nay còn rất hạn chế, dẫn đến hiệu quả của công tác hỗ trợ hòa nhập chưa cao. 


Lực lượng chức năng Việt Nam tiếp nhận em bé bị bán sang Trung Quốc. (Ảnh: Nguyễn Hoàng/TTXVN)

 Hỗ trợ nạn nhân theo hướng từng nhóm dịch vụ hỗ trợ

Thực hiện chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2020, Bộ LĐTBXH chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/1/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người và đã gửi dự thảo Nghị định này đến các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan hữu quan để tham gia ý kiến hoàn thiện. Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người về cơ sở hỗ trợ nạn nhân; chế độ hỗ trợ và trình tự, thủ tục thực hiện hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Theo đó, những điểm mới của dự thảo Nghị định bao gồm:
 
Thứ nhất, về cơ sở hỗ trợ nạn nhân, dự thảo Nghị định không quy định chương riêng về cơ sở hỗ trợ nạn nhân mà dẫn chiếu việc thành lập, hoạt động theo Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội.
 
Thứ hai, về đối tượng hỗ trợ, theo dự thảo, gồm có: 1- Nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam, người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam; người nước ngoài bị mua bán được trao trả qua Việt Nam; 2- Người trong thời gian chờ xác minh là nạn nhân theo quy định tại Điều 24, Điều 25 của Luật Phòng, chống mua bán người hoặc người trong thời gian chờ xác minh nhân thân, để cấp giấy tờ nhân thân; 3- Người chưa thành niên đi cùng nạn nhân.
 
So với quy định cũ, Nghị định này bổ sung thêm đối tượng là người nước ngoài bị mua bán, được trao trả qua Việt Nam.
 
Chế độ hỗ trợ, trình tự, thủ tục thực hiện hỗ trợ nạn nhân được quy định từng giai đoạn cụ thể: Hỗ trợ ban đầu; hỗ trợ phục hồi; hỗ trợ hòa nhập cộng đồng.
 
Thứ ba, về chế độ hỗ trợ, bổ sung thêm chế độ hỗ trợ y tế, hỗ trợ tâm lý ở giai đoạn hỗ trợ ban đầu và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng.
 
Thứ tư, để đảm bảo nạn nhân được hỗ trợ toàn diện hơn, bổ sung 1 điều về Đường dây nóng hỗ trợ nạn nhân bị mua bán nhằm cung cấp thông tin dịch vụ tư vấn qua điện thoại do LĐTBXH quản lý. Đường dây nóng hỗ trợ nạn nhân hoạt động 24 giờ tất cả các ngày trong tuần; được sử dụng số điện thoại ngắn 3 số, không thu phí viễn thông và phí tư vấn đối với người gọi đến.
 
Theo ông Nguyễn Xuân Lập, chuyên gia tư vấn, nguyên Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, việc thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân cần nghiên cứu tích hợp với các cơ sở bảo trợ xã hội ở địa phương để tiết kiệm kinh phí và có hiệu quả trong thực tế. Về chế độ hỗ trợ như: khẩn cấp ban đầu, nhà ở, vay vốn, học nghề... cần nghiên cứu để tương quan, phù hợp với các chính sách về bảo trợ khác với tinh thần không thấp hơn mức hiện có. 
 
Chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ nạn nhân bị bua bán, các chuyên gia quốc tế cho rằng, cần lấy nạn nhân làm trung tâm trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Đồng thời, coi trọng tiếng nói của nạn nhân và hỗ trợ linh hoạt từng trường hợp. Bên cạnh đó, rất cần sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức trong nước và quốc tế. Khuyến khích các tổ chức, các cá nhân tham gia vào quá trình hỗ trợ nạn nhân. Đặc biệt, tổ chức JICA rất coi trọng vai trò của đường dây nóng với tính kịp thời, hiệu quả. 
Nạn nhân của tệ nạn mua bán người phải chịu những tổn thất rất lớn về tâm sinh lý. Họ bị bóc lột, lạm dụng, có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, gia đình họ bị đe dọa... Hậu quả không dừng lại ở cá nhân nạn nhân và gia đình mà còn ảnh hưởng đến phong tục, tập quán, đạo đức xã hội, tiềm ẩn nguy cơ đối với an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. 
 

Trí Đức/GĐTE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.