THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 11:51

Học sinh hạnh phúc hơn với giáo dục kỷ luật tích cực

16/11/2021 | 20:39
Giáo dục kỷ luật tích cực đang có xu hướng được áp dụng ngày càng nhiều trong các trường học. Các nội quy để giáo dục, răn đe học sinh dần được thay đổi bằng cách lắng nghe, chia sẻ và các biện pháp tích cực khác… Đây là một tín hiệu vui trong công tác giáo dục thế hệ trẻ.

Kỷ luật tích cực làm cho học sinh vào nề nếp trong bầu không khí tích cực

Học sinh trong độ tuổi dậy thì có nhiều áp lực, trong khi đó, nhiều phụ huynh lại không dành nhiều thời gian quan tâm, chia sẻ với trẻ. Điều này khiến cho các em nảy sinh các hành vi, biểu hiện tiêu cực: nổi loạn, vi phạm nội quy trường, lớp, có tư tưởng bỏ học, tự sát, bạo lực học đường…

Kỷ luật tích cực nhấn mạnh vào những điều các em nên làm. Ảnh: An Nhiên

Kỷ luật tích cực nhấn mạnh vào những điều các em nên làm. Ảnh: An Nhiên

Theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, từ 1/11/2020, không được xử lý kỷ luật học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện bằng hình thức phê bình trước lớp, trước trường.

Hiện nay, thông tin về giáo dục kỷ luật tích cực cho học sinh đã được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tuy nhiên, không phải tất cả giáo viên, những người làm giáo dục đều nhận thức đúng về giáo dục kỷ luật tích cực. Chính vì vậy, vẫn còn nhiều giáo viên áp dụng các biện pháp giáo dục kỷ luật thiếu phù hợp như: bêu tên, kiểm điểm, la mắng học sinh trước mặt bạn bè, tệ hơn là chê bai, miệt thị trẻ. Bên cạnh đó, còn những cách thức kỷ luật thiếu tích cực nhưng ngầm ẩn hơn như: thái độ thiếu tin tưởng, xem thường trẻ...

Kỷ luật tích cực nhấn mạnh vào những điều các em nên làm, khác với kỷ luật truyền thống trước kia là nói học sinh không được làm cái này, cái kia, cấm tuyệt đối…

Kỷ luật tích cực là làm cho học sinh vào nề nếp trong bầu không khí tích cực, với những biện pháp sư phạm giúp cho học sinh nhận ra được tại sao việc này lại sai. Kỷ luật tích cực là dạy và cung cấp cơ hội để cho những đứa trẻ học được nhiều kỹ năng hành vi mới, và để lần sau các em sẽ tự giác hành động và đưa mình vào kỷ luật.

Giáo dục kỷ luật tích cực đang có xu hướng được áp dụng ngày càng nhiều trong các trường học. Theo đó, các nội quy để giáo dục, răn đe học sinh dần được thay đổi bằng cách lắng nghe, chia sẻ và các biện pháp tích cực khác. Chẳng hạn, khi học sinh đánh nhau, thay vì dùng chính bạo lực (đòn roi) để học sinh sợ, giáo viên sẽ tìm hiểu nguyên nhân, dùng phương pháp hòa giải để học sinh hiểu nhau hơn. Với những vi phạm nội quy mà học sinh thường mắc phải như: không mặc đồng phục, không đeo khăn quàng đỏ, đi dép lê,… thì nhà trường có thể lắp đặt thêm nhiều gương soi ở cầu thang, phòng giám thị để học sinh soi gương, tự nhận thức về hình ảnh bản thân.

Kỷ luật không đúng cách có thể khiến học sinh có biểu hiện tiêu cực hơn. ảnh mang tính minh hoạ. Ảnh: An Nhiên

Kỷ luật không đúng cách có thể khiến học sinh có biểu hiện tiêu cực hơn. ảnh mang tính minh hoạ. Ảnh: An Nhiên

Phòng Tham vấn tâm lý học đường có vai trò quan trọng, góp phần thực hiện giáo dục kỷ luật tích cực. Bởi đây là cầu nối giữa học sinh - nhà trường, giúp nhà trường nhận diện vấn đề, kết nối các nguồn lực để cùng giải quyết khó khăn của học trò.

Bên cạnh khen thưởng, kỷ luật tích cực trong nhà trường phổ thông sẽ khiến học sinh đạt được sự tiến bộ, góp phần tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, nền nếp và đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện, từng bước xây dựng trường học hạnh phúc.

Giáo viên nên tập trung củng cố những hành vi tích cực của học sinh

Theo Ths. Nguyễn Công Bình - Phó Giám đốc Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức, kỷ luật không đúng cách có thể khiến học sinh càng có nhiều biểu hiện tiêu cực hơn, buông xuôi, thậm chí chống đối lại giáo viên, đi ngược lại những nội quy của trường, lớp. Thậm chí, điều này còn ảnh hưởng lâu dài đến tương lai của trẻ, biến trẻ thành người thiếu sự tự tin... Ngược lại, nếu biết áp dụng kỷ luật tích cực sẽ giúp trẻ phát huy được thế mạnh bản thân. Việc ghi nhận và khích lệ, động viên một cách thường xuyên các hành vi tích cực sẽ giúp các em củng cố, duy trì, lâu dần sẽ trở thành thói quen tốt.

Theo Ths. Nguyễn Công Bình, muốn thực hiện giáo dục kỷ luật tích cực thì điều trước tiên là thay đổi tư duy và cách thức kỷ luật của giáo viên. Thay vì sử dụng các hình thức kỷ luật “truyền thống” thì giáo viên nên tập trung củng cố những hành vi tích cực của học sinh, những điểm mạnh của các em nhằm gia tăng các hành vi tích cực hơn, đồng thời hạn chế đi những hành vi thiếu phù hợp. Giáo viên cũng cần tin tưởng, giao việc phù hợp cho để các em phát huy bản thân.

Thay vì áp đặt nội quy và buộc trẻ phải tuân thủ, trước tiên giáo viên cần tìm hiểu rõ nguyên nhân. Nên hướng tới việc kỷ luật tích cực bằng việc cho các em nhận thấy các hành vi thiếu phù hợp của các em khiến các em bị mất cơ hội, mất quyền lợi tham gia các hoạt động để được thể hiện bản thân (đây là nhu cầu tâm lý của trẻ). Khi nhận thức được rằng việc vi phạm nội quy không mang lợi ích mà còn thiệt thòi thì trẻ sẽ hạn chế dần hành vi tiêu cực và tăng cường hành vi tích cực.

TS. Lê Minh Công - Chủ nhiệm đề tài “Xây dựng phòng tâm lý học đường tại các trường phổ thông trên địa bàn TP Biên Hoà, Đồng Nai” do Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức chủ trì quản lý, cho biết, đa số phụ huynh, giáo viên và học sinh cho rằng việc phát triển phòng tâm lý cho các trường phổ thông là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Phòng tâm lý cũng phải được xem xét như bối cảnh một mô hình tâm lý học đường một cách chuyên nghiệp với sự tham gia của các nhà tâm lý được đào tạo, có không gian và cơ chế vận hành một cách phù hợp.

Đề tài này được tài trợ và quản lý bởi Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Đồng Nai và Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai. Sau một năm thử nghiệm mô hình của phòng tâm lý học đường tại 4 trường phổ thông ở Đồng Nai, nhóm nghiên cứu đề tài đã hoàn thiện mô hình phòng tâm lý học đường và đề xuất UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo cần triển khai mạnh mẽ hơn nữa để phát triển tâm lý học đường tại Đồng Nai, góp phần vào việc giúp học sinh khoẻ mạnh, thăng tiến trong học tập.

Việt Cường
Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...