THỨ HAI, NGÀY 06 THÁNG 05 NĂM 2024 09:19

Học sinh rối bời vì thay đổi phương án thi

26/04/2020 | 18:15

Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo thông báo ngày 22/4 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ vẫn giữ năm bài thi như thi THPT quốc gia, nhưng mục tiêu chính chỉ xét tốt nghiệp, không gồm cả xét tuyển đại học. Bài thi Khoa học tự nhiên (Hóa, Lý, Sinh) và Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân) chỉ có một đầu điểm, không tách làm ba đầu điểm.

Dự định sử dụng tổ hợp D07 (Toán, Hóa, Anh) để xét tuyển Đại học Ngoại thương, Mai Anh sẽ phải ôn thêm Vật lý và Sinh học trong tổ hợp Khoa học tự nhiên nhằm tăng cơ hội trúng tuyển đại học, trong khi đây là hai môn em "yếu hoàn toàn". Nghĩ đi học thêm cũng không chắc đạt điểm cao, em đang cân nhắc bỏ Hóa học - môn được đầu tư ôn luyện suốt hơn một năm qua, để "cày" Ngữ văn, chuyển tổ hợp xét tuyển từ D07 sang D01 (Toán, Văn, Anh).

Hiện, Mai Anh rất mông lung vì Đại học Ngoại thương chưa công bố phương án tuyển sinh chính thức. Em hy vọng trường tính toán để thí sinh rơi vào trường hợp như em được xét tuyển đúng với tổ hợp đã lựa chọn từ đầu. Ví dụ, trường có thể lấy điểm Toán và Anh từ kỳ thi tốt nghiệp THPT và điểm Hóa từ học bạ THPT. Mai Anh cũng mong trường không tổ chức kỳ thi riêng bởi dù cấu trúc tương tự đề thi THPT quốc gia, em vẫn phải thi hai lần, áp lực sẽ lớn hơn nhiều.

"Hai hôm nay, em dành thời gian theo dõi thông tin, xem tất cả buổi tư vấn tuyển sinh rồi livestream trả lời thắc mắc từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng chỉ thêm rối. Em ước có phép màu đưa kỳ thi THPT quốc gia trở lại", Mai Anh nói.
 



Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: Giang Huy


Nguyễn Trọng Tùng, học sinh lớp 12 trường THPT Thái Phiên, TP Hải Phòng cũng đang lo lắng sau khi phương án thi tốt nghiệp THPT. Tùng theo khối A00 (Toán, Lý, Hóa) hai năm nay, đặt mục tiêu vào ngành Toán kinh tế của Đại học Kinh tế quốc dân. Năm trước, ngành này lấy 24,15 điểm, Tùng lạc quan sẽ đỗ dù môn Hóa vẫn cần cải thiện.

Tuy nhiên, việc tổ hợp Khoa học tự nhiên chỉ lấy một đầu điểm khiến Tùng không biết liệu có phải gấp rút ôn thêm Sinh để nộp vào những trường không tổ chức thi tuyển sinh riêng như Đại học Kinh tế quốc dân. Do Covid-19, quỹ thời gian năm học không nhiều, các đại học nếu thi riêng sẽ chọn tháng 8. Việc này có thể dẫn đến trùng lịch thi, giảm cơ hội của Tùng và hàng nghìn thí sinh khác.   

Nam sinh cũng không đồng tình quan điểm "muốn học sinh phát triển toàn diện" của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi chốt phương án thi tốt nghiệp THPT bởi từ nay đến lúc thi chỉ vỏn vẹn ba tháng. "Việc lấy một đầu điểm cho tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội để học sinh học đều các môn phải được thông báo từ đầu năm để chúng em có thời gian chuẩn bị", Tùng nói.

Tại Đồng Nai, Nguyễn Thị Phương Uyên, học sinh lớp 12 trường THPT Định Quán, huyện Định Quán, cũng lo đến mất ngủ trước phương án thi tốt nghiệp THPT. Chọn khối B (Toán, Hóa, Sinh) để thi vào ngành Sức khỏe, Uyên chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia từ năm lớp 10, nhưng nay chỉ dùng để xét tốt nghiệp - mục tiêu không khó với em.

Trong khi đó, kỳ thi vào đại học vẫn là ẩn số, không rõ cách tổ chức, định dạng đề thi, phương án xét tuyển và khi nào thi. "Em nghe nói các trường Y dự kiến tổ chức thi chung, giả sử họ ra đề tự luận thì học sinh sẽ khổ bởi trước giờ quen học trắc nghiệm", Uyên chia sẻ.

Nữ sinh kể, trong lớp có khoảng 20 bạn dự kiến vào các trường top trên ở TP HCM như Đại học Ngoại thương cơ sở II, Kinh tế TP HCM, Y Dược, Y khoa Phạm Ngọc Thạch... đều lo giống mình. Những bạn ứng tuyển vào nhiều đại học để tăng cơ hội trúng tuyển lại thêm nỗi lo không đủ thời gian dự kỳ thi riêng.

Hoàng Mai Thanh Trúc, lớp 12 trường THPT Nguyễn Du, TP HCM cũng tỏ ra hụt hẫng. Mấy năm qua, Trúc theo đuổi khối B để giành một suất vào ngành Y khoa hoặc Y học cổ truyền, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Do đại dịch, từ sau Tết đến nay em học online, chất lượng không thể bằng học trực tiếp, nhiều bài khó vẫn chưa có cơ hội gặp thầy cô để được giải đáp cặn kẽ.

"Trong khi chúng em chưa đi học thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thay đổi việc thi cử. Mới tháng trước còn công bố đề minh họa, chương trình tinh giản, chúng em đã ôn luyện xong thì nay lại ra phương án thi hoàn toàn mới", Trúc nói.

Nữ sinh đánh giá, với lực học giỏi, tốt nghiệp THPT không phải là vấn đề với em. Nhưng nếu kỳ thi chỉ dành xét tốt nghiệp, em đã không tập trung quá nhiều sức lực, thời gian như những năm qua. Kỳ thi đại học quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi học sinh, quyết định tương lai nghề nghiệp thì đến giờ em và các bạn vẫn chưa hình dung sẽ ra sao.

Mỗi năm có khoảng 900.000 học sinh thi THPT quốc gia. Năm học 2019-2020, học sinh mới học hết tuần 20 thì nghỉ Tết và nghỉ phòng Covid-19. Ngày 14/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ hai phương án thi. Nếu dịch bệnh được kiểm soát và học sinh đến trường trước 15/6, kỳ thi vẫn được tổ chức nhưng xem xét giảm nội dung, môn thi. Ngược lại, trường hợp bất khả kháng, kỳ thi có thể không được tổ chức, việc xét tốt nghiệp THPT sẽ giao về cho địa phương.   

Ngày 22/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại báo cáo Thủ tướng phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2020 với mục tiêu xét công nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông và được chấp thuận. Thí sinh sẽ thi ba môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một trong hai bài thi tổng hợp Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) hoặc Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân). Thời gian thi 1,5 ngày, dự kiến trong tháng 8. Việc tuyển sinh đại học sẽ do các trường chủ động.

Theo Mạnh Tùng - Thanh Hằng - Dương Tâm/Vnexpress.net

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

5 tháng trước

Nhằm động viên, chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường và các em học sinh vùng khó khăn, các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại xã Phình Hồ...