THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 04:04

Học sinh, sinh viên với gia đình trong hội nhập

20/03/2018 | 11:17
 
Gia đình yêu thương. Ảnh Internet
 
Gia đình Việt trong thời hội nhập
 
Có thể nói, trong thời kỳ hội nhập, gia đình là thiết chế xã hội bị tác động vào loại mạnh nhất; tích cực cũng có, mà tiêu cực cũng có nhưng có vẻ như tác động tiêu cực nhiều hơn. Điều này dễ hiểu bởi vì một số quan niệm, định hướng giá trị, phong tục văn hóa của người Việt Nam khác với người nước ngoài.
 
Trước hết, hội nhập quốc tế làm cho nhận thức của người Việt về gia đình có thay đổi. Tinh thần tự do, cái “tôi” cá nhân được đề cao đã khiến con người hướng đến cuộc sống độc lập. Thêm vào đó, kinh tế phát triển, người ta coi trọng đồng tiền nên nhiều giá trị được “định giá” bằng tiền. Những giá trị của gia đình truyền thống cũng không được đề cao như xưa. Số người hướng tới cuộc sống độc thân ngày càng nhiều. Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo. Nhiều người không muốn lập gia đình. Họ duy trì tình yêu nhưng không có đám cưới, không có hôn thú. 
 
Trong khi đó, có những khuynh hướng mới trong đời sống gia đình gia tăng rất mạnh: Những gia đình có yếu tố nước ngoài, gia đình hỗn hợp, gia đình không đầy đủ… xuất hiện ngày càng nhiều. Trong bối cảnh như vậy, nhiều người lo lắng cho những giá trị truyền thống của gia đình Việt. Họ cho rằng, nhiều điều tốt đẹp của gia đình Việt đang bị mai một, đạo đức xuống cấp, bạo lực gia đình gia tăng, sự bình yên trong gia đình suy giảm.
 
Một bộ phận giới trẻ vì muốn khẳng định cái “tôi” của mình nên muốn tách khỏi gia đình, tách khỏi vòng tay bố mẹ, sống độc lập. Đây là một quan niệm mới, xu hướng sống mới, chứa đựng cả những cái hay và cái dở. Cái hay nằm ở chỗ, con cái sống như vậy sẽ trở nên bản lĩnh hơn, độc lập hơn, có trách nhiệm với bản thân mình hơn. Cái dở nằm ở chỗ, nhiều thanh niên sẽ lãng quên nghĩa vụ gia đình, sống thiếu tình cảm, dễ bị sa ngã… 
 
Như vậy, trong bối cảnh hội nhập văn hóa, gia đình Việt đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn, đặc biệt là đối với giới trẻ. Nếu được định hướng tốt, giới trẻ sẽ phát huy tối đa năng lực trí tuệ của mình, để tiếp thu những cái hay, loại trừ những cái dở trong đời sống xã hội nói chung, trong đời sống gia đình nói riêng.
 
 
Học sinh, sinh viên đang trong quá trình hoàn thiện nhân cách, rất cần sự chia sẻ, chỉ bảo, của bố mẹ. Ảnh Internet

Gia đình che chở giới trẻ, giới trẻ bảo vệ gia đình
 
Cùng với việc đào tạo chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho giới trẻ, việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho họ là vô cùng quan trọng. Gia đình đóng vai trò then chốt trong việc này, vì với con người, gia đình là chiếc nôi, là tổ ấm, là pháo đài từ khi sinh ra cho đến khi sang thế giới bên kia.  
 
Với người Việt, con cái có giá trị gần như quyết định của cả đời người. Sau khi có con, những người bố, người mẹ hầu như dồn tất cả thời gian, công sức để nuôi dạy con cái. Ngày xưa là như thế, nhưng bây giờ đã có ít nhiều thay đổi. Vì kế sinh nhai, với một số người là để làm giàu, thời gian cha mẹ dành cho con ít đi, các thành viên trong gia đình ít có cơ hội quây quần, gần gũi, trò chuyện với nhau. Điều này ảnh hưởng không tốt tới tâm lý, tình cảm của giới trẻ. 
 
Ở lứa tuổi học sinh, sinh viên đang trong quá trình hoàn thiện nhân cách, các em rất cần sự chia sẻ, chỉ bảo, khuyến khích, động viên của bố mẹ. Nhà trường, xã hội có nhiệm vụ giáo dục, hướng dẫn các em, nhưng không thể nào làm thay chức năng của gia đình. Vì vậy, cha mẹ ngoài việc lo cho con ăn, mặc, học hành; còn phải chăm sóc, bảo vệ, giáo dục và quan tâm đến nhu cầu tình cảm của con. Gia đình phải luôn luôn là tổ ấm, là pháo đài của các em, đặc biệt là khi các em gặp khó khăn ở trường hay ngoài xã hội.
 
Trong gia đình, cách giáo dục tốt nhất là giáo dục bằng truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ; giáo dục bằng tấm gương của chính ông bà, bố mẹ, anh chị. Một điều dễ thấy là trong các gia đình nề nếp, bố mẹ yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, không khí gia đình đầm ấm thì con cái thường ngoan ngoãn, học chăm, học giỏi, có nhận thức đúng đắn. Ngược lại, trong những gia đình thiếu sự hòa thuận, luôn luôn có xung đột, bố mẹ vướng vào tệ nạn xã hội như bài bạc, ma túy, mại dâm thì con cái thường gặp nhiều khó khăn, thậm chí là bị sa ngã.
 
Những thanh niên được lớn lên trong gia đình nề nếp, họ có cách nhìn nhận tích cực về giá trị gia đình truyền thống. Đến tuổi trưởng thành, xây dựng gia đình, họ sẽ hướng theo những giá trị này. Đây là minh chứng cho việc giới trẻ bảo vệ gia đình.
 
Gia đình cần được củng cố trên cơ sở nhận thức mới
 
Như vậy, vấn đề giáo dục đạo đức, nhân cách của thế hệ trẻ rất cần sự góp sức từ gia đình. Và khi thanh niên lĩnh hội được những điều tốt đẹp từ gia đình, chính họ sẽ là người tiếp tục củng cố và phát huy những giá trị đó. Nếu có nhận thức mới về một xã hội phát triển theo kinh tế thị trường, đang tích cực hội nhập với khu vực và thế giới, chúng ta sẽ có cơ sở để củng cố gia đình.
 
Nhận thức mới được thể hiện ở chỗ chúng ta đón nhận những giá trị của tự do, dân chủ, bình đẳng, tôn trọng cái “tôi” cá nhân; đồng thời khẳng định những giá trị truyền thống như yêu thương, đùm bọc, chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình. Đây chính là nền tảng của một gia đình hạnh phúc dù con người sống trong thời đại nào.

Nguyên Hồ/TC GĐ&TE

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.