THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 02:03

Hội thảo góp ý Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 – 2030

29/10/2020 | 20:33

Tham dự và chủ trì Hội thảo có bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; ông Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam và bà Đoàn Thị Thu Huyền, Giám đốc quốc gia tổ chức Vận động chính sách toàn cầu Hoa Kỳ (GHAI). Cùng đại diện các Bộ, ban, ngành và các cơ quan Trung ương, các tổ chức trong nước và quốc tế, các chuyên gia và đại diện các địa phương liên quan cùng thành viên ban soạn thảo chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn giai đoạn 2021 – 2030 đến từ các Bộ, ban, ngành liên quan…

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại Hội thảo

Tai nạn do đuối nước đã giảm

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em là một chương trình mang ý nghĩa rất nhân văn. Công tác phòng, chống thương tích và đuối nước cho trẻ luôn được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm trong thời gian qua. Trong 5 năm qua, với sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức và cộng đồng cùng chung tay, công tác phòng chống tai nạn thương tích trẻ em đã đạt được những kết quả đáng trân trọng. Có thể thấy sự can thiệp để triển khai một cách đồng bộ, từ đó loại bỏ những nguy cơ gây tai nạn thương tích, xây dựng ngôi nhà an toàn, ngôi trường an toàn đã được thực hiện rất tốt.

Thứ trưởng đánh giá, sau 5 năm triển khai chương trình, với sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương và sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế, hiện nay, Việt Nam đã có 5 triệu ngôi nhà an toàn, 26.200 trường học an toàn, 300 cộng đồng an toàn, 90% trẻ biết những quy định về an toàn giao thông và 40% được học kỹ năng bơi an toàn và an toàn trong môi trường nước. Số trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích đã giảm đáng kể.

Việc giảm số trẻ em bị tai nạn thương tích, tử vong do đuối nước giai đoạn 2016-2020 đã đạt và vượt mục tiêu đề ra. Nhưng công tác phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em tại Việt Nam còn gặp rất nhiều thách thức khi kiến thức của cộng đồng, của cha mẹ và người chăm sóc trẻ còn hạn chế, chỉ một chút bất cẩn của người lớn cũng có thể gặp phải những trường hợp rất thương tâm. Nguy cơ tai nạn thương tích ở gia đình, cộng đồng và trường học vẫn còn cao, kỹ năng này cần được thầy cô giáo, cha mẹ, anh chị chỉ bảo và được nhắc đi nhắc lại liên tục. Bên cạnh đó, tình hình tai nạn đuối nước của trẻ em vẫn còn cao, hàng năm vẫn có 2.000 trẻ em tử vong và tử vong do đuối nước vẫn cao gấp 10 lần so với các nước phát triển. Điều này ảnh hưởng tới quyền sống còn của trẻ em, và cũng ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển bền vững được Việt Nam cam kết.

Tai nạn thương tích ở trẻ em là mối đe dọa thực sự của phát triển đất nước 



Ông Kidong Park – Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam khẳng định, WHO cam kết tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.

TS. Kidong Park – Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá tỷ lệ trẻ em Việt Nam tử vong do tai nạn thương tích giảm 30% trong 10 năm song vẫn còn cao, cần sự tham gia của nhiều ngành, giáo dục, văn hóa và sự cam kết của Chính phủ, sự đóng góp của địa phương để giảm tỷ lệ này. Tai nạn giao thông, đuối nước, ngã, bỏng, các ca tử vong đều có thể phòng chống. Chúng tôi kêu gọi toàn thế giới chung tay bảo vệ trẻ em. Ông cho biết WHO cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.

Tại hội thảo góp ý cho chương trình, bà Đoàn Thị Thu Huyền, Giám đốc quốc gia Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu, khuyến nghị các cơ quan cần hoàn thiện chính sách và tăng cường giám sát, thực thi pháp luật về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em. Cùng với đó là cải thiện hệ thống y tế sơ cấp cứu trước khi đến bệnh viện và điều trị sau chấn thương; đầu tư nguồn lực tài chính bền vững, trong đó phân bổ ngân sách từ trung ương đến địa phương và xây dựng cơ chế huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, tư nhân.

Từ năm 2018, Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu đã hỗ trợ đào tạo hơn 13.300 trẻ học bơi, hơn 17.000 trẻ học kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Tổ chức này cũng dự kiến dạy bơi cho 20.000 trẻ em trong 2 năm tới.

Quang cảnh Hội thảo

Tai nạn thương tích là mối đe dọa lớn nhất tới sự sống còn của trẻ em, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Tai nạn thương tích đòi hỏi chi phí xã hội và kinh tế lớn, một mối đe dọa thực sự của phát triển đất nước. Ngoài các ca tử vong do thương tích không chủ ý, có đến hàng chục triệu trẻ em cần phải được chăm sóc tại bệnh viện, các em sống sót, nhu cầu chăm sóc và phục hồi chức năng do tai nạn thương tích và khả năng bị khuyết tật suốt đời, ảnh hưởng tới tương lai, ảnh hưởng tới xã hội, tới cuộc sống của gia đình, cha mẹ các em. Đồng thời mang tới sự bất bình đẳng về cơ hội phát triển khi trẻ em bị khuyết tật suốt đời do tai nạn thương tích gây ra, nhất là trẻ em sống trong các gia đình nghèo. So với hậu quả về mặt xã hội thì hậu quả về mặt tinh thần là phức tạp và không thể đo đếm được.

Đề xuất đến năm 2025 có 50% trẻ em cả nước biết bơi

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất mục tiêu đến năm 2025 có 90% trẻ em trong cả nước biết kiến thức, kỹ năng phòng chống tai nạn, an toàn giao thông; 50% trẻ em biết bơi; 90% cha mẹ có kỹ năng phòng chống tai nạn. Toàn bộ tỉnh, thành có kế hoạch và tổ chức thí điểm dạy bơi cho học sinh. Đến năm 2030, các chỉ số này tăng thêm 5-10%.

Ngoài ra, tỷ suất trẻ bị tai nạn, thương tích giảm xuống 550/100.000; 7 triệu gia đình đạt tiêu chí ngôi nhà an toàn, 12.000 trường học an toàn.

Nhiều kế hoạch được đặt ra nhằm nâng cao kiến thức giao thông đường bộ cho học sinh, như: tập tuấn đào tạo kỹ năng lái xe an toàn; sơ cứu, cấp cứu tai nạn giao thông cho học sinh; tổ chức các hoạt động nhằm giảm thiểu nguy cơ tai nạn; xây dựng tài liệu và hướng dẫn trẻ em đi xe đạp đúng quy định.

Cùng với đó là chương trình dạy bơi cho trẻ em, kiện toàn đội ngũ hướng dẫn viên dạy bơi, nâng cao kiến thức phòng chống đuối nước cho cha mẹ.

Kinh phí tổ chức giai đoạn 2021-2025 dự kiến 600 tỷ đồng, 2026-2030 là 720 tỷ đồng.

Mục tiêu tổng quát của chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 – 2030 là kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em trên tất cả các loại hình tai nạn, thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông tạo môi trường an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nhằm đảm bảo sức khỏe và tính mạng trẻ em, hạnh phúc của gia đình và xã hội. Với một số mục tiêu cụ thể, nâng cao nhận thức của cộng đồng, trẻ em và tăng cường sự ủng hộ của chính quyền các cấp về công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; nâng cao năng lực của các cấp, các ngành, đoàn thể liên quan trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; xây dựng môi trường an toàn trong gia đình, trường học và tại cộng đồng để phòng, chống tai nạn thương tích, giảm tỷ lệ tai nạn, thương tích và tử vong do tai nạn thương tích của trẻ em.



Các đại biểu chia sẻ ý kiến tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tích cực thảo luận, đóng góp những ý kiến đối với dự thảo Chương trình Phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021 – 2030, dự kiến trình Chính phủ cuối năm nay.


Tỷ suất tử vong do tai nạn, thương tích ở trẻ em và người chưa thành niên ở Việt Nam vẫn còn cao, cao gấp 3 lần tỷ suất tử vong do tai nạn, thương tích ở các nước có thu nhập cao. Đặc biệt, tỷ suất tử vong do đuối nước cao hơn một số nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước có thu nhập cao. Tai nạn, thương tích trẻ em là vấn đề mang tính toàn cầu (trên thế giới có khoảng 2.000 trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích mỗi ngày) và để lại hậu quả nặng  nề về kinh tế, xã hội cho các quốc gia và cộng đồng quốc tế.



Sau 5 năm triển khai chương trình, tai nạn thương tích (TNTT) trẻ em có chiều hướng giảm nhưng vẫn còn cao. Báo cáo năm 2019 cho thấy có khoảng 4.198 em bị tử vong, trung bình mỗi ngày có khoảng 11 em và tỷ suất là 17/100.000. Trong đó tử vong do đuối nước là nguyên nhân tử vong hàng đầu, sau đó là tai nạn giao thông. Hiện vẫn còn khoảng hơn 2.000 trẻ tử vong do đuối nước và 1.900 trẻ tử vong do tai nạn giao thông mỗi năm.

Việt Cường / TC Gia đình & Trẻ em

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

5 tháng trước

Nhằm động viên, chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường và các em học sinh vùng khó khăn, các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại xã Phình Hồ...