THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 10:57

Hội thảo "Tập huấn, trao đổi thông tin báo chí về thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng"

02/07/2020 | 09:51

Hội thảo nhằm thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá là giải pháp chủ đạo và phải được lồng ghép vào các chương trình, chiến lược về nâng cao sức khỏe để tăng cường nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá, thay đổi hành vi sử dụng thuốc lá trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.

Quang cảnh Hội thảo


Tác hại về mặt sức khỏe của thuốc lá thế hệ mới và hệ lụy đối với thanh thiếu niên

Theo ThS. BS Nguyễn Tuấn Lâm - cán bộ kỹ thuật của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, nghiên cứu cho thấy những người trẻ tuổi đã thử sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá thông thường cao hơn 3,5 lần so với nhóm người không dùng thuốc lá điện tử.

Thuốc lá điện tử (ENDS) có tác hại với sức khỏe con người. ENDS nung nóng một loại dung dịch chứa nicotine là chất gây nghiện mạnh và gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là trẻ em, vị thành niên và phụ nữ có thai; các chất độc được thấy trong dung dịch điện tử và trong khói. Vì vậy, ENDS có hại cho cả người dùng và người xung quanh; ENDS rất hấp dẫn với trẻ em và vị thành niên, tăng nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá; có nguy cơ ngộ độc không chủ ý và gây chấn thương do phát nổ; rất nhiều loại sản phẩm với đặc tính thiết kế khác nhau; dễ bị can thiệp thay đổi bởi người dùng và đặc biệt nguy cơ trộn lẫn ma túy; tiếp xúc lâu sẽ tăng nguy cơ gây các bệnh ung thư, tim mạch, hô hấp và các bệnh nguy hiểm khác.

Ngoài thuốc lá điện tử còn có các hình thức khác như xì gà điện tử (e-cigar) shisha (e-shisha).

Thuốc lá nung nóng (HTPs): Thuốc nung nóng cũng chứa nhiều chất độc giống như từ khói thuốc lá; thuốc nung tạo ra chất khí độc hại; khói thuốc nung ngoài gây hại cho người hút thì còn gây tác hại cho người xung quanh do hút thuốc thụ động; nồng độ một số hóa chất thấp hơn trong thuốc lá thông thường nhưng nồng độ một số hóa chất lại cao hơn và nồng độ hóa chất thấp không đồng nghĩa với giảm nguy cơ sức khỏe; khói thuốc nung chứa nicotine.

HTPs nung sợi thuốc lá tới nhiệt độ nhất định bằng thiết bị làm nóng sử dụng pin. Nhiệt độ này thấp hơn nhiệt độ cháy ở đầu điếu thuốc lá (khoảng 600 độ C).

Nghị quyết của Hội đồng các Bộ trưởng Y tế khu vực Tây Thái Bình Dương: Tiếp tục tăng cường các biện pháp pháp lý và quy định khác để thực hiện Công ước Khung về kiểm soát Thuốc lá của WHO cũng như các biện pháp cấm và/hoặc quản lý ENDS/HTPs phù hợp với bối cảnh từng quốc gia.

Việt Nam cần có quy định cấm mọi loại thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng

Hiện chưa có thị trường thuốc lá điện tử tại Việt Nam, chủ yếu là buôn bán trôi nổi qua hàng xách tay và internet. Do đó sẽ rất khả thi khi ban hành quy định cấm trước khi các sản phẩm này được sử dụng rộng rãi trên thị trường.

Tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới Việt Nam vẫn còn cao. Điều này cho thấy cần tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá theo Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của WHO và đã được chứng minh hiệu quả trước khi cân nhắc tới tiềm năng giảm hại bằng thuốc lá điện tử.

Việc cho phép thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng lưu hành trong thị trường là không phù hợp với các nguyên tắc phòng chống tác hại thuốc lá đã được quy định trong Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và mục tiêu cuả chiến lược phòng, chống tác hại của thuốc lá.

"Lơi ích" duy nhất để cho phép lưu hành thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng tại Việt Nam là tăng lợi nhuận cho các công ty sản xuất và kinh doanh thuốc lá nhưng phải trả giá bằng chính sức khỏe của cộng đồng, đặc biệt là thanh thiếu niên. Nếu lý do chính là tăng nguồn thu thì tăng thuế các sản phẩm thuốc lá sẽ là cách làm hiệu quả nhất - đạt được cả hai mục tiêu là giảm tỷ lệ hút thuốc và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.

Một số nội dung truyền thông về các sản phẩm ít hại như thuốc lá điếu thông thường

- Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và shisha đều chứa các hóa chất độc hại, như:
+ Nicotine: loại chất gây nên các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa. Sử dụng Nicotine quá liều gây ngộ độc. Nicotine gây hại cho sự phát triển não bộ của trẻ em, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bà mẹ và thai nhi, gây ra sinh non và thai lưu.
+ Chất Glycerin, propylene glycol: một chất gây ung thư khi được đun nóng, hóa hơi.
+ Phối trộn ma túy: Tại Việt Nam đã xuất hiện tình trạng tội phạm ma túy trộn các loại ma túy vào các sản phẩm thuốc lá điện tử và hướng vào đối tượng học sinh, sinh viên.

- Các sản phẩm thuốc lá mới không có công dụng cai nghiện:

+ Trên thế giới chưa có bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử giúp cai thuốc, ngược lại: Bằng chứng cho thấy người sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc là làm nóng có nguy cơ như sử dụng thuốc lá thông thường.
+ Một nghiên cứu tại Hoa Kỳ kết luận: tỷ lệ bắt đầu hút thuốc là điếu thông thường ở những người trẻ (14-30 tuổi) đã từng dùng thuốc lá điện tử cao hơn 3,6 lần so với những người chưa từng sử dụng.

Khuyến nghị:

- Thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng ảnh hưởng xấu tới thanh thiếu niên và cả những người hút thuốc lá. Đặc biệt, nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến giới trẻ, nguy cơ sử dụng ma túy và các chất kích thích khác đồng thời với thuốc lá điện tử nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu thông thường.
- Cần cấm hoàn toàn dưới mọi hình thức mua bán, sản suất, nhập khẩu đối với các sản phẩm mới này (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, Shisha).

Lê Đức Hạnh/GĐ&TE

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

5 tháng trước

Nhằm động viên, chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường và các em học sinh vùng khó khăn, các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại xã Phình Hồ...