THỨ HAI, NGÀY 20 THÁNG 05 NĂM 2024 07:48

Hội thảo tham vấn những nội dung sửa đổi, bổ sung về lao động chưa thành niên trong dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi

08/10/2019 | 12:32

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà phát biểu tại Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà; Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi; Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em – Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Lê Hồng Loan; Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH) Nguyễn Văn Bình và đại diện các đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, đại diện Bộ Tư pháp, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện các Sở, ban, ngành…
 
Một số nội dung sửa đổi, bổ sung về lao động chưa thành niên trong Dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi

Theo Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH), dự thảo lần này mở rộng việc nhận diện lao động chưa thành niên không có quan hệ lao động trên thực tế; bổ sung nguyên tắc sử dụng lao động chưa thành niên, lao động chưa đủ 15 tuổi (người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi và người chưa đủ 13 tuổi); quy định cụ thể các công việc và nơi làm việc cấm sử dụng lao động chưa thành niên.
 
Điều 145 của dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi quy định việc sử dụng lao động chưa đủ 15 tuổi, người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật và phải được sự đồng ý của người chưa đủ 15 tuổi; Bố trí giờ làm việc không làm ảnh hưởng đến thời gian học tập của người chưa đủ 15 tuổi…
 
Người sử dụng lao động chỉ được tuyển dụng và sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi vào làm các công việc nhẹ do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
 
Người sử dụng lao động không được tuyển dụng và sử dụng người chưa đủ 13 tuổi vào làm việc, trừ các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người lao động chưa đủ 13 tuổi và phải có sự đồng ý của cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp tỉnh.
 
Điều 147 của dự thảo cũng quy định cụ thể các công việc và nơi làm việc cấm sử dụng lao động chưa thành niên.
 
Theo đó, công việc bị cấm gồm: mang, vác các vật nặng vượt quá thể trạng; sản xuất và kinh doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất tác động đến tinh thần hoặc các chất gây nghiện khác; sản xuất, sử dụng hoặc vận chuyển hóa chất, khí gas, chất nổ; bảo trì, bảo dưỡng thiết bị máy móc; phá dỡ các công trình xây dựng; nấu, thổi, đúc, cán, dập, hàn kim loại; lặn biển, đánh bắt cá xa bờ; công việc khác gây tổn hại cho sức khỏe, an toàn, hoặc đạo đức của người chưa thành niên. Nơi làm việc bị cấm gồm: dưới nước, dưới lòng đất, trong hang động, trong đường hầm; công trình xây dựng; cơ sở giết mổ gia súc; sòng bạc, quán bar, vũ trường, phòng hát karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, phòng tắm hơi, phòng xoa bóp; điểm kinh doanh xổ số, dịch vụ trò chơi điện tử…
 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại Hội thảo.

Tiếp tục tiếp thu ý kiến và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) 

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà cho biết, theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, dự án Bộ luật Lao động sửa đổi đã được tích cực xây dựng trong thời gian qua. Bộ LĐTBXH đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, các bộ, ngành, địa phương, các đoàn đại biểu Quốc hội. Sau khi Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, Bộ LĐTBXH đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra của Quốc hội cụ thể là Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động để hoàn thiện hồ sơ và trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 8 trong tháng 10 này.
 
Bộ luật Lao động có tác động sâu rộng đến hầu hết mọi người dân trong xã hội nên rất được các đại biểu Quốc hội và các tầng lớp nhân dân quan tâm. 
 
Nội dung về lao động chưa thành niên được quy định tại Mục 1, Chương 11, Bộ luật lao động 2012 với 5 vấn đề: Xác định tuổi lao động chưa thành niên, việc sử dụng lao động chưa thành niên, nguyên tắc sử dụng lao động là người chưa thành niên và sử dụng lao động chưa đủ 15 tuổi, người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi vào làm các công việc nhẹ theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
 
Những quy định của Bộ luật Lao động hiện hành về cơ bản đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế liên quan, cụ thể là các tiêu chuẩn theo Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, Công ước ILO số 138 về tuổi tối thiểu được đi làm việc và Công ước ILO số 182 về xóa bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất. Những năm qua, vấn đề lao động trẻ em đã được Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) tích cực triển khai, Điều tra quốc gia về Lao động trẻ em lần thứ 2 và Dự án Phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng đã đạt được một số kết quả tích cực.
 
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, Bộ luật hiện hành vẫn còn một số hạn chế cần được nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của thực tiễn và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam. Trong đó, một số vấn đề đáng chú ý như:
 
Làm thế nào để các quy định của Bộ luật có thể được áp dụng nhằm phòng, chống tốt hơn vấn đề lao động trẻ em ở khu vực phi chính thức, khu vực không có quan hệ lao động;
 
Cần phải sửa đổi, bổ sung nội dung cụ thể nào để đảm bảo thực hiện đúng các tiêu chuẩn quốc tế về việc sử dụng lao động dưới 15 tuổi, đặc biệt là trường hợp sử dụng lao động dưới 13 tuổi;
 
Những nội dung nào cần hoàn thiện nhằm đảm bảo thực hiện tốt hơn việc xóa bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, không chỉ trong khu vực chính thức mà ở cả khu vực phi chính thức, khu vực không có quan hệ lao động... 
 
Phát biểu tại Hội thảo tham vấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết: Trong quá trình làm việc với các tổ chức quốc tế, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đánh giá Bộ Luật lao động (sửa đổi) lần này cơ bản và hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chuẩn lao động quốc tế, các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết, và hoàn toàn phù hợp với tư cách là thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
 
Tổng kết về dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi theo Báo cáo thẩm tra thì có 10 điểm có lợi cho người lao động và 6 điểm có lợi cho người sử dụng lao động trên nguyên tắc đảm bảo quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
 
Mặc dù Bộ luật Lao động năm 2012 ban hành trước Hiến pháp 1 năm nhưng không có điểm nào trái với Hiến pháp, đặc biệt với nhóm lao động chưa thành niên. Hiện nay, chỉ có một hạn chế là có hai khái niệm cùng tồn tại: khái niệm lao động trẻ em (dùng trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nay là Luật Trẻ em) và khái niệm lao động chưa thành niên (dùng trong Bộ luật Lao động), hai khái niệm này là một, không bị xung đột. 
 
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, có 3 điểm cần lưu ý: Một là, sửa đổi các quy định về tuổi của người lao động, trong đó có lao động chưa thành niên nhằm đảm bảo sự thống nhất đồng bộ về việc sử dụng thuật ngữ trong Bộ luật Lao động, cũng như đưa ra các quy định tốt hơn nhằm bảo vệ đối tượng lao động trẻ em; Hai là sửa đổi nhằm mở rộng sự bảo vệ của pháp luật đối với người lao động chưa thành niên tham gia vào quan hệ lao động khu vực chính thức và khu vực phi chính thức; Ba là sửa đổi, bổ sung về cơ chế quản lý người sử dụng lao động sử dụng lao động chưa thành niên.

Tại Hội thảo tham vấn, Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em – Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Lê Hồng Loan và chuyên gia pháp lý Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Shelley Casey, cùng một số đại biểu Quốc hội, đại diện Bộ Tư pháp, đại diện các ban, ngành đã sôi nổi đóng góp nhiều ý kiến để dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi được hoàn thiện hơn.

Bài và ảnh: Thanh Huyền/GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

7 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.