THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 07:59

Hồi ức về Bác Hồ trong “Cô bé nhìn mưa”

31/12/2021 | 06:50
Cô bé nhìn mưa là hồi ức của Giáo sư văn học Ðặng Thị Hạnh, một trong những người con gái nổi tiếng của Giáo sư Ðặng Thai Mai.
GS. Đặng Thị Hạnh.

GS. Đặng Thị Hạnh.

Bên cạnh thiên hồi ức về một gia đình trí thức lớn trong bối cảnh những biến động của lịch sử Việt Nam gần suốt thế kỷ XX, về bạn bè, đồng nghiệp…; Cô bé nhìn mưa cũng là hồi ức về cách mạng và kháng chiến, về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về những người lính trẻ đã ra đi không trở lại.

Ở Cô bé nhìn mưa, có những phác họa sinh động về chân dung thời đại, nơi có những biến cố lớn, những nhân vật lịch sử mà phần lớn các thế hệ hôm nay chỉ còn được tiếp cận theo cách lịch sử. Có hai đoạn ngắn viết về Bác Hồ, nhẹ nhàng mà xúc động, giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn cốt cách Việt Nam của Bác:

“Thỉnh thoảng Bác Hồ sang ăn cơm. Thế giới đã viết không biết bao nhiêu sách xung quanh người mà họ coi là "một trong những gương mặt có sức hấp dẫn và có ảnh hưởng nhất của thế kỉ XX", nhưng đối với tôi, bao giờ tôi cũng thấy Bác rất giản dị gần gũi, một con người dù đã đi khắp nơi trên thế giới, vẫn là một ông già có cốt cách phương Đông cao quý, từ những khổ thơ chữ Hán cấu trúc hoàn mỹ, đến xử sự hàng ngày: vào bữa ăn, khi chị Hạ, cháu anh Văn, bưng bát canh đặt trước mặt bà cụ mẹ anh Văn, Bác đã đứng dậy sửa lại cử chỉ của chị: trước khi đặt bát canh nóng trước mặt người già, phải khẽ đặt bàn tay trên cánh tay của bà để báo hiệu”.

Cô bé nhìn mưa của tác giả Đặng Thị Hạnh.

"Cô bé nhìn mưa" của tác giả Đặng Thị Hạnh.

“Sự kiện đặc biệt nhất của thời kì học ở khoa văn chắc chắn là việc một buổi sáng kia Bác Hồ bất ngờ đến thăm Việt Nam học xá. Trong khi chi bộ tôi đang cuống quýt sửa sang lại gương mặt của căn phòng rộng lớn dùng làm phòng khách, thì một ai đó nhìn ra cửa sổ thấy Bác đang phăng phăng đi ở phía ngoài xa tiến tới khu nhà bếp và khu phụ. Ai cũng biết Bác bao giờ cũng không đi đến nơi mọi người đang chuẩn bị tiếp đón, nhưng dù sao chúng tôi cũng bị bất ngờ. "Các cháu ăn uống có tốt không, các nơi sinh hoạt có sạch sẽ không?" Bí thư chi bộ của chúng tôi và các đồng chí cấp dưỡng lắp bắp một điều gì đó. Còn tôi, tuy có được gặp Bác một số lần, nhưng từ lần đó vẫn không bao giờ quên được dáng đi nhanh, cái nhìn ấm áp và giọng Nghệ pha Bắc vang như chuông của Người. Sau này mỗi lần xem phim về Bác, tôi vẫn thích nhất hai cảnh: cảnh Bác cưỡi một con ngựa nhỏ đi rất nhanh trên một con đường rừng, có một cái gì đó rất linh hoạt, vui tươi toát ra từ dáng của Bác, dù đi bộ hay đi trên ngựa; còn cảnh thứ hai, quay cận cảnh, lúc Bác khẽ vuốt tóc rối quay đầu nhìn ra ngoài cửa sổ - chắc chắn ở đấy có ánh trăng - đôi mắt Bác vừa sắc sảo vừa mơ màng, đẹp lạ lùng”.

Rất khiêm nhường, bà Đặng Thị Hạnh viết: “Đấy là những gì tôi nhớ được, không biết so với chính sử đúng tới mức nào”. Nhưng Nhà văn Nguyên Ngọc thì “tin những hồi ức này hơn là những cái được gọi là “chính sử” nằm trong các thư viện to tát và do những chuyên gia trịnh trọng chủ biên. Một lịch sử khác của thời chúng ta, không ồn ào, mà vô cùng chân thật. Để ta gỡ bỏ đi những gì đã bị áp đặt và tô vẽ lên lịch sử, vì những mục đích nào đó. Để ta thật sự hiểu con người của chúng ta, nhân dân vĩ đại mà cũng giản dị vô cùng của chúng ta”.

Cô bé nhìn mưa được viết khi tác giả 78 tuổi, Đặng Thị Hạnh như tách ra làm đôi, một bên là dành cho ghi chép hiện thực, một bên là để chiêm nghiệm, suy ngẫm, nhất là số lượng trang không nhỏ kể về thế giới sách vở vô cùng ấn tượng. Hơn nữa, tác giả là người có tâm hồn biết cảm nhận và lưu giữ những ấn tượng bình thường của cuộc sống ngay từ nhỏ, biết kết hợp khéo léo khả năng phân tích của tư duy phương Tây và dòng cảm xúc liên tưởng của phương Đông. Bởi thế, đọc hồi ký của bà Đặng Thị Hạnh, không chỉ là đọc đời tư của một cá nhân, một con người rất cụ thể, mà là đọc về một thế hệ xưa để biết, để hiểu, ngoài ra còn là lắng nghe tiếng nói của một trí thức uyên bác về chính những hồi ức ấy.

Tác giả Đặng Thị Hạnh (1930) quê ở Quỳnh Đôi, Nghệ An. Bà là phu nhân Trung tướng Phạm Hồng Cư. Đặng Thị Hạnh đã được công nhận Phó Giáo sư năm 1984, Nhà giáo Ưu tú năm (2010) và được tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm (Cộng hòa Pháp) năm 2013. Bà là con gái thứ hai của cố Giáo sư Đặng Thai Mai, mặc dù không được ba kèm học nhưng "ở nhà nhặt chữ rơi ngoài ngạch là đủ thông".

Vân Nhi
Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...
Những dấu ấn nổi bật của công tác dân số năm 2021

Những dấu ấn nổi bật của công tác dân số năm 2021

2 năm trước

Ngày 26/12 vừa qua, ngành Dân số Việt Nam vừa long trọng tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống (26/12/1961 - 26/12/2021) với nhiều kết quả quan trọng, góp phần không nhỏ vào công cuộc...
Hội Chữ thập đỏ Hải Phòng hỗ trợ học bổng cho 40 học sinh, sinh viên nghèo vượt khó

Hội Chữ thập đỏ Hải Phòng hỗ trợ học bổng cho 40 học sinh, sinh viên nghèo vượt khó

2 năm trước

Vừa qua, Hội Chữ thập đỏ thành phố Hải Phòng đã phối hợp với Công ty TNHH Ô tô Mitsubishi Việt Nam trao tặng học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố.
Mỹ ghi nhận trên 7,5 triệu trẻ em dương tính với Covid-19

Mỹ ghi nhận trên 7,5 triệu trẻ em dương tính với Covid-19

2 năm trước

Đây là báo cáo mới nhất mà Học viện Nhi khoa Mỹ và Hiệp hội bệnh viện Nhi vừa đưa ra.