THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 05 NĂM 2024 06:10

Hút thuốc - yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch

25/12/2017 | 11:19
 
Ảnh: KT
 
Mối liên quan giữa hút thuốc và các bệnh lý tim mạch
 
Chỉ riêng hút thuốc lá, thuốc lào đã là một yếu tố nguy cơ độc lập, quan trọng gây ra các bệnh lý tim mạch. Nhưng khi hút thuốc lá, thuốc lào ở những người có kèm theo các nguy cơ khác như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, béo phì hoặc người có yếu tố gia đình bị bệnh tim mạch thì tác hại của thuốc lá, thuốc lào sẽ tăng lên rất nhiều lần. 
 
Tác động tức thời của hút thuốc
 
Khi hút thuốc, ngay lập tức làm tăng nồng độ chất cathecholamine trong máu và tăng chất carbon monoxid. Các chất này có thể làm khởi phát những cơn đau ngực hoặc làm nặng thêm bệnh tim khác. Mặt khác, nồng độ nicotine tăng trong máu cũng gây co mạch, tăng huyết áp, tăng nhịp tim, khiến tim phải làm việc nhiều hơn hoặc cũng có thể gây ra những rối loạn nhịp tim. Mức độ ảnh hưởng đến tim mạch cũng tăng theo mức độ hút thuốc lá, tức là càng hút nhiều, hút lâu, nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng cao.

Hút thuốc gây vữa xơ động mạch
 
Hút thuốc làm tăng nhanh quá trình vữa xơ động mạch, từ đó gây ra các bệnh lý tim mạch như: tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não, bệnh động mạch ngoại vi... Hút thuốc gây ra vữa xơ động mạch theo nhiều cơ chế: Trước hết, nó làm tăng nồng độ chất carbon monoxid là chất làm tổn thương đến lớp nội mạc của lòng mạch, tạo điều kiện cho hình thành nhanh mảng xơ vữa; làm giảm chất HDL-cholesterol (1 loại cholesterol có lợi) và làm tăng nồng độ LDL-cholesterol (là loại cholesterol có hại) và tăng triglycerid (mỡ máu) gây tăng tình trạng vữa xơ động mạch. Ngoài ra, hút thuốc cũng làm  tăng khả năng đông máu, có thể gây nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ não. 
 
Bỏ hút thuốc có lợi gì?
 
Trong một tổng kết các nghiên cứu của việc bỏ hút thuốc so với những người vẫn tiếp tục hút thuốc lá của Hoa Kỳ năm 1995 cho thấy: Những người bỏ hút thuốc lá đã làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch một cách đáng kể so với người tiếp tục hút. Đặc biệt, nguy cơ này giảm chỉ còn 1,3 so với 2,0 lần ở người hút thuốc lá nhiều đã bỏ so với những người không bỏ hút thuốc lá. Bên cạnh đó, việc bỏ hút thuốc lá ở người chưa từng có biểu hiện của bệnh tim mạch sẽ giảm nguy cơ bệnh tim mạch về sau. Còn đối với người đã bị bệnh tim mạch thì việc bỏ hút thuốc lá làm giảm nguy cơ tái phát bệnh hoặc làm nặng bệnh. 
 
Một số người hút thuốc lo ngại rằng, khi bỏ hút thuốc sẽ làm tăng cân và như vậy có ảnh hưởng ngược lại đến sức khỏe? Việc tăng cân này là do khi bỏ hút thuốc người ta thấy ngon miệng hơn hoặc thường thấy cần phải ăn uống gì đó để quên đi cảm giác hút thuốc. Thêm vào đó, chuyển hóa sẽ tăng khi có nicotine và khi ngừng hút thuốc thì chuyển hóa cơ thể sẽ giảm đi. 
 
Vấn đề hút thuốc thụ động 
 
Bản thân người hút thuốc không chỉ gây hại cho chính mình mà còn gây hại cho những người xung quanh. Những người bị ảnh hưởng này gọi là bị hút thuốc thụ động. Khi hút thuốc, các chất độc không phải là được đốt cháy toàn bộ, hơn nữa khói thuốc sẽ phát tán các chất độc như carbon monoxid, nocotine...  Chất cotinine, một chất chuyển hóa của nicotine có thể qua rau thai gây ảnh hưởng đến thai nhi nếu người mẹ có hút thuốc lá. Những đứa trẻ có bố mẹ hút thuốc dễ bị cảm lạnh, viêm đường hô hấp hơn. Phụ nữ hút thuốc lá mang thai dễ xẩy thai, đẻ non, hoặc trẻ đẻ thiếu cân. 
 
Trước đây, nhiều nghiên cứu đề cập đến khả năng có thể gây ung thư phổi cao hơn ở người trực tiếp hút thuốc. Nhưng những nghiên cứu sau đó đã chỉ ra, hút thuốc thụ động cũng làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch. 

PV/TC GĐ&TE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

6 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.