THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 06:51

Huyện Đam Rông: Những chuyển biến tích cực sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 30a

28/10/2020 | 09:29
Thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án giảm nghèo nhanh và bền vững huyện Đam Rông giai đoạn 2009-2020. Theo đó, hàng loạt chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước được triển khai đồng bộ, tạo tiền đề quan trọng cho địa phương thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nhất là trong sản xuất, cải thiện đời sống của nhân dân. 
 
Trong 12 năm (từ 2009-2020), ngân sách trung ương đã hỗ trợ 508.607 triệu đồng để huyện Đam Rông thực hiện các chính sách hỗ trợ đặc thù theo Nghị quyết 30a, trong đó: Vốn đầu tư phát triển: 394.015 triệu đồng; Vốn sự nghiệp: 114.592 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, huyện đã hỗ trợ trồng trên 3.667ha rừng, giao khoán quản lý bảo vệ rừng 38.555,28ha, đưa 154 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đồng thời, nhân rộng các mô hình giảm nghèo như: Mô hình cánh đồng lúa mẫu tại xã Đạ M'Rông, trồng nấm mèo, trồng bưởi da xanh, trồng dâu nuôi tằm, nuôi dê bách thảo, trồng và thâm canh cà phê ghép…; Hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho 41.578 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
 
Từ các chương trình đầu tư hỗ trợ sản xuất, công tác khuyến nông, khuyến lâm, đến nay, nhiều hộ đã biết áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng vật nuôi; một số mô hình đã được thực hiện có hiệu quả, bước đầu tạo điều kiện cho một bộ phận hộ nghèo có thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần ổn định kinh tế hộ gia đình.
 
Việc triển khai thực hiện chính sách giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí đã góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn. Toàn huyện đã tổ chức được 158 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, với 3.834 học viên. Sau khóa học, 90% học viên đã có việc làm, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện từ 11% (năm 2010) lên 30,1% (năm 2020). Thực hiện chính sách tăng cường cán bộ, tri thức trẻ cho các huyện nghèo theo Quyết định số 70/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, huyện Đam Rông đã tuyển dụng được 40 trí thức trẻ có trình độ đại học, cao đẳng, bố trí công tác tại các xã của huyện để trực tiếp giúp người dân kỹ thuật sản xuất; bố trí 7 cán bộ theo Đề án 500 về công tác tại các xã. Đối với Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc các huyện nghèo 30a theo Quyết định số 170/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn huyện có 1 thành viên được bố trí chức danh Chủ tịch UBND xã và 5 thành viên được bố trí chức danh Phó Chủ tịch UBND xã. Nhìn chung, đội ngũ trí thức trẻ được tăng cường về xã đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt nhiệm được vụ giao. Với năng lực, trình độ được đào tạo cơ bản, các trí thức trẻ đã giúp địa phương giải quyết công việc linh hoạt và hiệu quả, góp phần triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách Nghị quyết 30a trên địa bàn huyện. 


Nhờ thực hiện đồng bộ chính sách giảm nghèo, đến cuối năm 2019, toàn huyện Đam Rông còn 1.661 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 12,06%.
 
Song song với đó, huyện đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống. Với tổng nguồn kinh phí 417.156 triệu đồng, huyện Đam Rông đã đầu tư xây dựng mới và duy tu, sửa chữa 90 công trình, gồm 49 công trình giao thông; 6 công trình thủy lợi; 2 trạm ươm cây giống và 1 trung tâm dịch vụ nông lâm ngư nghiệp Bằng Lăng; 1 trung tâm dạy nghề; 6 hội trường thôn, 6 trường học, 4 công trình nước sạch... Cơ sở hạ tầng được đầu tư bước đầu đã tạo diện mạo mới so với trước đây. Hệ thống giao thông các tuyến đường huyết mạch cơ bản được hoàn chỉnh và cứng hóa; 8/8 xã có đường nhựa đến trung tâm xã;mở mới trên 50km đường liên thôn, liên xã; nâng cấp trên 40km đường giao thông nông thôn và xây 4 cầu dài hơn 3km đảm bảo giao thông đi lại. Hệ thống thủy lợi được duy trì và mở rộng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tưới tiêu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, trong đó có một số công trình nổi bật như: Hồ chứa nước Đạ Chao, Hồ chứa nước Đạ Nòng, Hồ thủy lợi Phi Liêng, Đập dâng nước Đạ Ral...
 
Ngoài ra, từ nguồn vốn hỗ trợ của các tập đoàn, doanh nghiệp, huyện đã xây dựng 53 hạng mục cơ sở hạ tầng, 3 công trình nhà ở, 40 công trình trường học, 6 công trình trạm y tế, 2 công trình chợ, 1 công trình nhà văn hóa thiếu nhi huyện... Đến nay, các công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng; hệ thống mạng lưới trường lớp ở các cấp học, bậc học phát triển đồng bộ và từng bước kiên cố hoá đáp ứng nhu cầu dạy và học; mạng lưới y tế từ huyện xuống cơ sở đã được củng cố, kiện toàn.
 
Đối với các chính sách giảm nghèo khác như: hỗ trợ nhà ở, tín dụng ưu đãi, y tế chăm sóc sức khỏe… cũng được quan tâm, chú trọng. Tổng nguồn vốn hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo là 15.850 triệu đồng/717 căn, trong đó nhà ở theo Đề án 167 là 5.455 triệu đồng/528 căn; hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg là 10.395 triệu đồng/189 căn và huy động từ nguồn hỗ trợ khác là 5.895 triệu đồng. Toàn huyện có 25.523 lượt hộ được vay vốn tín dụng ưu đãi. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách là 1.989.644 triệu đồng/63.849 lượt hộ vay. Cấp 526.547 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, với tổng kinh phí là 320.247 triệu đồng. Thực hiện trợ giúp pháp lý cho 8.915 lượt người; hỗ trợ tiền điện cho 21.038 lượt hộ nghèo, với tổng kinh phí là 11.630 triệu đồng... Ngoài ra, còn thực hiện hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn, với kinh phí 931,5 triệu đồng/1.233 triệu đồng vốn bố trí, giải ngân đạt 75,55%, thực hiện hỗ trợ giải quyết nước sinh hoạt (giếng đào) cho 45 hộ/58,5 triệu đồng; nạo vét giếng cho 188 hộ và mua bồn chứa nước cho 22 hộ/273 triệu đồng; hỗ trợ phục hóa, cải tạo đất sản xuất với quy mô 24 ha/94 hộ/03 xã Liêng Srônh, Rô Men và Đạ M’rônh, kinh phí thực hiện là 600 triệu đồng.
 
Chương trình 135 được trung ương phân bổ 79.000 triệu đồng, huyện đã xây đựng được 160 công trình/8 xã; hỗ trợ mua phân bón, giống cây trồng, vật nuôi và mua sắm máy móc phục vụ sản xuất cho 1.849 lượt hộ nghèo, dân tộc thiểu số. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn huyện có 109,47km đường trục chính đến trung tâm xã được cứng hóa; 92,92km đường giao thông liên thôn; 140,44km đường ngõ xóm và 24,75km đường giao thông nội đồng; đầu tư nâng cấp 10 hồ chứa, 20 đập dâng, đào hơn 1.200 ao hồ nhỏ; kiên cố hóa 50km kênh mương nội đồng góp phần đảm bảo nước tưới cho trên 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ giống vật nuôi, thủy sản, phân bón cho khoảng 331 hộ. Từ năm 2018, xã Đạ K’Nàng, Phi Liêng thực hiện mô hình sản xuất rau, quả theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tạo năng suất, chất lượng và hiệu quả vượt trội so với canh tác sản xuất truyền thống.
 
Có thể nói, với việc tập trung thực hiện đồng bộ các chính sách theo Nghị quyết 30a/2008/NQ- CP, công tác giảm nghèo ở huyện Đam Rông đã đạt được kết quả khả quan. Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt so với Đề án được phê duyệt. Các chương trình, dự án triển khai đồng bộ, kịp thời đến đối tượng, thực hiện lồng ghép các nguồn vốn theo hướng linh hoạt ưu tiên đối tượng hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đến cuối năm 2019, toàn huyện còn 1.661 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 12,06%; hộ cận nghèo 3.260 hộ, tỷ lệ 23,67%. Bình quân hàng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo 6,26%/năm, đạt so với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm theo mục tiêu đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a. Việc triển khai thực hiện các nội dung chính sách theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP đã mang lại những hiệu quả tích cực về kinh tế - xã hội, tạo sự chuyển biến rõ rệt về đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Thời gian tới, huyện tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, chăn nuôi, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Song, quan trọng hơn cả đó là làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức để người nghèo không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và để bà con thấy rằng, các chính sách ưu đãi là cơ hội, đòn bẩy giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững.
 

Khánh Ngọc/GĐTE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.