THỨ BA, NGÀY 07 THÁNG 05 NĂM 2024 04:17

Huyện Lâm Bình vươn lên thoát nghèo bền vững

07/06/2019 | 15:53
 
Từ những biện pháp thiết thực, cụ thể
 
Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình giảm nghèo của huyện cho biết: Để thực hiện thành công Đề án, UBND huyện Lâm Bình chỉ đạo xây dựng kế hoạch hằng năm để tổ chức thực hiện. UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chức năng của huyện căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được phân công, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện, từ đó có các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án. Thông qua các chương trình, dự án trên địa bàn, hộ nghèo đã được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ giống cây, con cho năng suất cao... Để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, Huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giúp người dân nắm được các chủ trương, chính sách về giảm nghèo, tạo điều kiện cho người dân  cập nhật các kiến thức khoa học kỹ thuật, cách làm hay, mô hình giảm nghèo hiệu quả để ứng dụng vào thực tế. Đồng thời, phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất, bồi dưỡng kiến thức cho nông dân, miễn giảm đóng góp, cấp thẻ BHYT…

  Nuôi trâu, bò vỗ béo ở thôn Tiên Tốc, xã Bình An (Lâm Bình).  
 
Đề án đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020: Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 40%; (bình quân giảm trên 5%/năm; không có hộ gia đình chính sách là hộ nghèo). Cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người (tính theo giá hiện hành) đến năm 2020 đạt trên 26,6 triệu đồng/người/năm. Thu nhập của hộ gia đình tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tăng 25% - 30%/năm; bình quân mỗi năm có ít nhất 25% hộ gia đình tham gia dự án thoát nghèo, cận nghèo. 
 
Một trong những biện pháp giảm nghèo hiệu quả đó là tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất. Trong năm 2018, toàn huyện đã có 1.495 lượt hộ nghèo được vay nguồn vốn ưu đãi từ các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo với số tiền trên 46 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn trên, huyện chỉ đạo các địa phương tập trung tổ chức hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo nhóm hộ về giống cây trồng, vật nuôi, giúp người dân nâng cao giá trị sản xuất. 
 
Anh Tề Văn Tiến, thôn Nà Đông, xã Thượng Lâm chia sẻ, trước đây gia đình anh thuộc hộ nghèo do thiếu vốn. Những năm gần đây, gia đình anh được các tổ chức, đoàn thể trong xã tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi tại địa phương. Gia đình anh còn được vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển kinh tế, được hỗ trợ con giống phát triển chăn nuôi. Có vốn, anh đã đầu tư máy móc để làm thêm đồ gỗ như: Đóng tủ, giường, làm nhà… Nhờ sự cần cù chịu khó, năm 2018, gia đình anh đã thoát nghèo.


  Nhân dân cùng nhau nâng cấp đường giao thông nông thôn.

 Nhân rộng những mô hình sản xuất hiệu quả

 
Chúng tôi có mặt ở thôn Tiên Tốc, xã Bình An (Lâm Bình). Chăm chỉ, cần cù là đức tính quý của bà con dân tộc Mông nơi đây. Vượt qua khó khăn, khai thác tiềm năng tự nhiên và đặc biệt là vận dụng kinh nghiệm trong lao động sản xuất, chăn nuôi, người dân nơi đây từng bước làm giàu bằng chăn nuôi trâu, bò vỗ béo.
 
Anh Cháng A Bào, Trưởng thôn Tiên Tốc cho biết, năm 2006, hơn 30 hộ dân tộc Mông di dân từ vùng hồ thủy điện Tuyên Quang về định cư tại thôn Tiên Tốc, xã Bình An. Đến nay, số hộ đã tăng lên trên 50 hộ với hơn 264 nhân khẩu. Để ổn định đời sống, ngay sau khi di dời về Tiên Tốc, có 10 hộ đầu tiên thực hiện nuôi trâu, bò vỗ béo. Đến nay, đã có 47 hộ trong thôn tham gia. Do kinh tế của người dân còn hạn hẹp nên có hộ chỉ nuôi được 1 - 2 con. Để giúp bà con có vốn sản xuất, hội nông dân xã đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho trên 30 hộ trong thôn vay vốn đầu tư chăn nuôi trâu, bò vỗ béo với số tiền vay trung bình từ 30 - 50 triệu đồng/hộ.
 
Nhờ có vốn vay, các hộ đã tìm mua trâu, bò thải loại để nuôi vỗ béo. Kết quả, nhiều hộ từ cách chăn nuôi này đã vươn lên thoát nghèo, tiêu biểu như hộ ông Cháng A Mày thoát nghèo đầu năm 2018. Ông Mày cho biết: “Cuối năm 2015, gia đình tôi được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để nuôi trâu vỗ béo. Với 2 con trâu nuôi vỗ béo, lứa đầu tiên tôi lãi gần 20 triệu sau 4 tháng nuôi”. Theo nhiều người dân trong thôn, chăn nuôi trâu, bò vỗ béo cần chủ động thức ăn xanh nhờ vào trồng cỏ, chủ động cho ăn thêm thức ăn tinh bột. Không chăn thả tự nhiên mà phải có chuồng nuôi nhốt sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, che chắn để chống rét vào mùa đông. Chu kỳ mỗi lứa nuôi vỗ béo kéo dài 4 - 6 tháng. Khâu chọn lựa trâu, bò mua về nuôi vỗ béo là quan trọng nhất, bởi dù là trâu, bò thải loại nhưng phải tránh mua những con bị ốm, mắc bệnh...
 
Theo anh Cháng A Nghênh, người có kinh nghiệm nhiều năm chăn nuôi trâu, bò vỗ béo trong thôn: Nuôi nhốt vỗ béo một năm có thể nuôi tối đa 3 lứa, nguồn vốn được quay vòng liên tục nên hiệu quả mang lại cao. 
 
Anh Nghênh cũng là người đứng ra thu mua trâu, bò đã vỗ béo của các hộ trong thôn để bán cho các chợ gia súc của tỉnh Hà Giang, Cao Bằng... Nhận thấy chăn nuôi theo mô hình nhốt chuồng vỗ béo đang là hướng đi đúng, nhiều hộ trong thôn đã chuyển đổi những mảnh đất đồi trồng hoa mầu kém hiệu quả sang trồng giống cỏ VA06 để làm thức ăn chăn nuôi. Đến nay, toàn thôn đã trồng được hơn 2ha giống cỏ VA06, ngoài ra, nhân dân còn tận dụng lá, ngọn mía, trồng cây ngô trên đất một vụ lúa để làm thức ăn nuôi trâu, bò.
 
Chăn nuôi trâu, bò vỗ béo ở Tiên Tốc mới chỉ phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây nhưng đã mang lại hiệu quả rõ rệt và đã phát triển ở hầu hết các thôn của xã Bình An như: Nà Coóc, Bản Dạ, Chẩu Quân… Chăn nuôi đã và đang mở ra triển vọng trong việc xóa đói giảm nghèo và từng bước vươn lên làm giàu cho bà con.
Nhờ thực hiện có hiệu quả các giải pháp giảm nghèo, đầu năm 2018, số hộ nghèo toàn huyện là 3.436 hộ, chiếm 45,75%. Đến hết năm 2018 giảm xuống còn 3.041 hộ, chiếm 40,19% (giảm 463 hộ). Điều này cho thấy sự nỗ lực của huyện trong công tác giảm nghèo và thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.  
 

Hồng Lĩnh/GĐTE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.