THỨ HAI, NGÀY 06 THÁNG 05 NĂM 2024 09:38

Huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An làm giàu từ đầu tư đánh bắt xa bờ

26/08/2020 | 16:32

Một số tàu xa bờ cập cảng bán cá.


Hiệu quả trông thấy


Xã Tiến Thủy là xã bãi ngang của Quỳnh Lưu, nơi có cảng cá Lạch Quèn - cảng cá lớn nhất của Nghệ An. Vào dịp đoàn tàu cá về cập cảng, chúng tôi được chứng kiến cảnh mua bán hải sản diễn ra nhộn nhịp. Nhiều loại hải sản từ trên boong tàu theo dây chuyền trượt xuống được chị em đón, xếp cẩn thận trước khi chuyển lên xe đông lạnh đưa đi tiêu thụ các nơi.


Ngư dân Quỳnh Lưu luôn đi đầu trong việc huy động các nguồn lực để đóng mới, nâng công suất tàu, vươn khơi bám biển, đánh bắt hải sản có giá trị kinh tế cao, thay dần tàu nhỏ chuyên đánh vùng lộng. Mấy năm nay, bằng vốn tự có, vốn vay mượn và tranh thủ nguồn đầu tư, hỗ trợ của trung ương, của tỉnh và huyện, ngư dân Quỳnh Lưu đã đóng mới gần 190 tàu xa bờ từ 400 CV trở lên, chưa kể việc hỗ trợ làm hầm PU, lắp máy dò ngang, máy thông tin liên lạc tầm xa... Từ đội thuyền buồm đánh bắt thủ công nhỏ lẻ đến tàu thuyền công suất nhỏ khai thác gần bờ hiệu quả kinh tế thấp, nhiều gia đình ngư dân không đủ chi tiêu trong gia đình, túng thiếu vay mượn, quanh năm đời sống khó khăn, đến nay, Quỳnh Lưu có gần 700 tàu có công suất từ 90 CV trở lên (chiếm gần 50% toàn tỉnh), với công suất bình quân 270 CV/tàu, trong số 234 tàu có chiều dài hơn 24m của tỉnh thì Quỳnh Lưu đã có 175 chiếc.


Chính sách tiếp sức cho ngư dân


Anh Nguyễn Đức Hà, một trong những Tàu trưởng ở xóm Đức Xuân, xã Tiến Thủy cho biết: “Được sự quan tâm của Nhà nước, mấy năm trở lại đây, nhiều hộ ngư dân không chỉ có vốn tích góp được mà còn mạnh dạn vay mượn, thế chấp nhà cửa và tài sản có giá trị cùng chính sách hỗ trợ vốn vay đóng tàu theo Nghị định 67/CP, Quyết định 87/UBND tỉnh Nghệ An… nên đội tàu công suất lớn của xã được nâng lên đáng kể. Nhiều hộ gia đình trong xã và các xã ven biển của huyện mạnh dạn vay vốn đóng tàu to, máy lớn và lắp các thiết bị hỗ trợ để nghề đánh bắt thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao”.


Tàu trưởng Nguyễn Đức Hà, xóm Đức Xuân, xã Tiến Thủy, Quỳnh Lưu, Nghệ An.

 

Bước phát triển mới trong nghề khai thác hải sản ở Quỳnh Lưu


Đầu tư tàu to, máy lớn, lắp đặt các loại máy dò cá và máy thông tin tầm xa, tầm gần để phục vụ việc đánh bắt trên biển xa hiệu quả và an toàn hơn. Lắp đặt các thiết bị khai thác hải sản xa bờ và thiết bị hàng hải là bước phát triển mới trong nghề khai thác hải sản ở Quỳnh Lưu, điều mà trước đây ngư dân không dám mơ. Ưu điểm của thiết bị là khi chuẩn bị đánh bắt, ngư dân nhìn luồng cá chạy có thể định lượng số cá sẽ đánh là bao nhiêu. Nhờ đó, góp phần quan trọng trong việc tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm đánh bắt, giảm sức lao động, giảm chi phí trên biển, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân. Anh Nguyễn Đức Hà phấn khởi cho biết thêm: “Nhờ đánh bắt hiệu quả hơn, gia đình tôi và các cổ đông đã nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư. Trước đây, thuyền nhỏ, máy nhỏ nên đánh bắt không được nhiều, do đó thu nhập thấp, đời sống các gia đình gặp nhiều khó khăn. Ở xã có câu nói: “Nghề biển, gác mái chèo là hết tiền”. Trước đây, thu nhập của 1 ngư dân bình quân 3-4 triệu đồng/tháng, thì nay trung bình mỗi ngư dân thu nhập từ 6-10 triệu đồng/tháng. Có những chuyến đi biển, nếu gia đình có nhiều lao động cộng với phần tàu, thu nhập tới 40-50 triệu đồng. Khi có thu nhập cao, nhiều gia đình xây nhà 2 tầng to đẹp, mua sắm các thiết bị sinh hoạt hiện đại, như điều hòa, máy giặt… Đến nay, người dân xã Tiến Thủy có nhà cửa khang trang, đường làng ngõ xóm sạch đẹp.


Đặc biệt, nơi đây đang thu hút hàng trăm lao động ở khắp nơi về tham gia đi biển khai thác thủy sản. Điều đáng nói là, khi nghề biển có thu nhập cao thì nhiều nghề khác trong xã cũng phát triển. Nghề hậu cần phục vụ nghề cá phát triển nhanh như: nghề đá lạnh để ướp cá, cấp đông (bảo quản cá), nghề cơ khí, sơ chế cá… Các nghề hậu cần phục vụ nghề cá đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động xã Tiến Thủy và các địa phương khác, góp phần xóa đói giảm nghèo, thay đổi bộ mặt nông thôn.


Nhà nước cần quan tâm hơn nữa tới ngư dân


Trước lúc chia tay với chúng tôi, Tàu trưởng Nguyễn Đức Hà trăn trở: “Ngoài những thuận lợi và những kết quả đáng ghi nhận từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước và sự cố gắng ngư dân đã tạo sức sống mới cho ngư dân vùng biển, đời sống nâng lên đáng kể, thì đội tàu đánh bắt bờ xã Tiến Thủy nói chung và huyện Quỳnh lưu nói riêng hiện nay vẫn đối mặt với một số khó khăn. Đó là lao động trên biển ngày càng ít, nhất là lao động có kinh nghiệm đi biển lâu năm. Với lý do nghề biển vất vả, họ đã chuyển nghề khác hoặc đi xuất khẩu lao động. Nhiều chủ tàu đã phải  tiếp nhận lao động nông nghiệp ở các vùng núi, rồi đào tạo nghề đi biển miễn phí cho họ… Hơn nữa, hầu hết các cửa lạch vào cảng cá ở Nghệ An đều bị bồi lắng, tàu đánh bắt xa bờ có mớn nước sâu đều phải chờ con nước mới ra vào được; khu neo đậu tránh trú bão đang thiếu. Ngành nghề chế biến hải sản vẫn còn đơn lẻ, chủ yếu chế biến thô, như cấp đông, phơi khô, nướng, chế biến nước mắm... để tiêu thụ nội địa. Nghề biển là một nghề vất vả và rủi ro cao. Thời gian tới, ngư dân chúng tôi rất mong Nhà nước quan tâm hơn nữa, hỗ trợ trang thiết đánh bắt, trợ giá dầu… để ngư dân yên tâm bám biển, làm giàu cho quê hương, góp phần bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.   

Nguyễn Ngọc Minh/TC GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.