THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 05 NĂM 2024 09:10

Kết cục nào cho Khaisilk khi công an vào cuộc điều tra?

04/11/2017 | 17:33
 
Sự đổ vỡ của một thương hiệu
 
Chỉ cần gõ từ khóa “Khaisilk” vào công cụ tìm kiếm google, trong vòng 0,60 giây, chúng ta sẽ có hơn 7 triệu kết quả. Điều đó chứng tỏ một điều, vụ việc Khaisilk, một vị “đại gia” có tiếng trong giới kinh doanh tại Việt Nam mới đây bị bóc trần về sự cố bán khăn “Made in China” nhưng lại gắn mác Việt Nam thu hút sự quan tâm đặc biệt từ dư luận.
 
Như trước đó Báo Gia đình và Xã hội đã thông tin, vào ngày 17/10, khách hàng đặt mua 60 chiếc khăn lụa hiệu Khaisilk tại cửa hàng 113 Hàng Gai (Hà Nội) phát hiện một chiếc khăn gắn mác “Made in Việt Nam” vừa có mác “Made in China”. Khách hàng này là người nhà của ông Đặng Như Quỳnh.
 
Tới ngày 19/10, phía cửa hàng Khaisilk có văn bản trả lời khách hàng. Văn bản giải thích khăn mang hai nhãn mác là do sự nhầm lẫn của nhân viên kho hàng. Ngày 23/10, ông Quỳnh chia sẻ vụ việc lên facebook cá nhân, kèm hình ảnh sản phẩm. Sự việc ngay lập tức thu hút được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận.
 
Ngày 24/10, hàng loạt cơ quan truyền thông trong nước vào cuộc tìm hiểu vụ việc trên. Một ngày sau đó (25/10) ông Hoàng Khải (Chủ tịch tập đoàn Khaisilk) thừa nhận 50% lụa được bán ra có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng đã nhập nhằng xuất xứ. Doanh nghiệp này đã bán hàng xuất xứ Trung Quốc suốt 30 năm qua. Ông Khải xin lỗi người tiêu dùng và cho biết sẽ thu hồi sản phẩm và bồi thường thỏa đáng cho khách hàng.
 

Bên trong cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai, Hà Nội. Ảnh: Zing.vn
 
Trước làn sóng phản ứng dữ dội từ người tiêu dùng, ngày 26/10, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương đã chỉ đạo kiểm tra làm rõ thông tin Khaisilk bán hàng Trung Quốc.
 
Chiều cùng ngày, Cơ quan quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã kiểm tra cửa hàng Khaisilk tại địa chỉ 113 Hàng Gai, thu hồi một số sản phẩm lụa đang được bày bán.
 
Ngày 30/10, sau khi kiểm tra cửa hàng Khaisilk tại Hà Nội có dấu hiệu vi phạm, Bộ trưởng Bộ Công thương đã chỉ đạo chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan công an điều tra.
 
Mở rộng điều tra hoạt động của Khaisilk, Cục QLTT đã yêu cầu các chi cục QLTT kiểm tra mở rộng những dấu hiệu kinh doanh gian lận của hệ thống Khaisilk tại Hà Nội, TP.HCM cũng như tại các khách sạn, resort 5 sao ở nhiều địa phương.
 
Mặc dù cho Hoàng Khải đã cúi đầu xin lỗi vì sự cố khăn lụa Khaisilk nguồn gốc Trung Quốc gắn mác Việt Nam, nhưng khách hàng vẫn phẫn nộ vì cho rằng đây là hành vi cố tình lừa dối chứ không phải do sai sót như ông Khải tự nhận. Niềm tin của người tiêu dùng về một thương hiệu có tầm cỡ Quốc gia có lẽ đã hoàn toàn đổ vỡ.
 
Kết cục nào cho Khaisilk?
 
Tới giờ phút này, câu hỏi được dư luận đặc biệt quan tâm có lẽ là, kết cục nào cho Khaisilk khi cơ quan công an vào cuộc điều tra vụ việc?
 
Bàn về vấn đề trên, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Nếu có đơn thư tố cáo của Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng hoặc của khách hàng về hành vi lừa dối người tiêu dùng của doanh nghiệp này thì lãnh đạo công ty sẽ bị xem xét về tội lừa dối khách hàng.
 
Trong trường hợp không có đơn tố giác thì hành vi của công ty Khaisilk cũng vẫn có thể bị xem xét về tội buôn bán hàng giả.
 
Căn cứ vào mức độ, tính chất hậu quả hành vi vi phạm, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 156 Bộ luật Hình sự 1999.
 
Theo đó, mức hình phạt cao nhất lên đến mười lăm năm tù, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
 

Chân dung ông Hoàng Khải, Chủ tịch tập đoàn Khaisilk. Ảnh: Zing.vn
Chân dung ông Hoàng Khải, Chủ tịch tập đoàn Khaisilk. Ảnh: Zing.vn
 
Theo Bộ luật Hình sự 2015 sắp có hiệu lực, các quy định xử phạt đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả mang tích chất răn đe hơn. Cụ thể, tại Điều 192 về Tội sản xuất buôn bán hàng giả (BLHS năm 2015) quy định pháp nhân vi phạm có thể bị đình chủ hoạt động vĩnh viễn đồng thời có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.
 
Còn về phía người tiêu dùng thì hoàn toàn có quyền yêu cầu ông Khải phải bồi thường những tổn thất mà mình gặp phải khi mua hàng gian dối như vậy. Ngoài ra, có thể kiện ra tòa về hành vi đó nếu đơn vị này không giải quyết rõ ràng, đảm bảo quyền lợi khách hàng.
 
Thương hiệu Khaisilk là một thương hiệu lụa nổi tiếng tại Việt Nam với dòng hàng cao cấp trong nước. Sự cố lần này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh, uy tín và thương hiệu Khaisilk trong mọi lĩnh vực mà Khaisilk kinh doanh. Đây là hành vi lừa dối khách hàng, làm mất niềm tin về hàng Việt đối với người tiêu dùng và cần phải có biện pháp xử lý phù hợp.
 
Tuy nhiên chúng ta cần nhìn nhận việc ông chủ Hoàng Khải đã thẳng thắn thừa nhận việc có nhập khẩu lụa của Trung Quốc về do lượng lụa trong nước không đủ đáp ứng, đã xin lỗi người tiêu dùng cũng như cam đoan sẽ thu hồi và đền bù thiệt hại đối với khách hàng.
 

Sự việc này là bài học kinh doanh đắt giá cho thương hiệu Khaisilk nói riêng cũng như các thương hiệu Việt khác nói chung. 

Theo Huyền Chi – Đỗ Lực/Giadinhnet

Chiêm ngưỡng 10 mẫu xe đẹp mắt nhất hiện nay

Chiêm ngưỡng 10 mẫu xe đẹp mắt nhất hiện nay

2 tháng trước

Trước kia, việc tìm xe 7 chỗ đẹp tại Việt Nam khá khó khăn. Tuy nhiên từ khi các dòng xe 7 chỗ nhập khẩu tràn về Việt Nam, người dùng có nhiều lựa chọn xe hơi 7 chỗ đẹp, tiện nghi và an...