THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 01:14

Khắc phục những bất cập trong công tác hỗ trợ nạn nhân của mua, bán người

25/08/2020 | 16:22

Một phụ nữ được Công an Trung Quốc giải cứu, trao trả, làm thủ tục nhập khu cách ly Móng Cái, tháng 3/2020. Ảnh Hằng Ngần


Để hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, Việt Nam đã tổ chức hội nghị, hội thảo rà soát, đánh giá việc thực hiện Nghị định 9 ban hành ngày 11/01/2013 quy định việc thi hành một số điều của Luật Chống mua, bán người có liên quan đến việc hỗ trợ nạn nhân, nhằm đưa ra khuyến nghị và sửa đổi nhằm tăng cường hiệu quả của các hỗ trợ cho nạn nhân. Trong giai đoạn từ tháng 1/2016 đến tháng 6/2020, 1.907 nạn nhân mua, bán người được hỗ trợ tái hòa nhập theo các quy định của luật pháp, bao gồm các dịch vụ như: hỗ trợ trong quá trình hồi hương, tư vấn, trợ cấp, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, chăm sóc sức khỏe, trợ giúp pháp lý và vay lãi suất thấp và cho vay doanh nghiệp nhỏ...


Bộ LĐTBXH đã vận hành đường dây nóng 24 giờ cho nạn nhân mua, bán người. Đường dây đã nhận được khoảng 2.010 cuộc gọi đến vào năm 2018 (2.700 cuộc gọi năm 2017) và chuyển gửi 30 trường hợp (2018) tới các dịch vụ của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ (65 trường hợp chuyển gửi trong năm 2017). Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111 Quốc gia cũng được hỗ trợ để mở rộng mạng lưới đường dây nóng kết nối với các điểm liên lạc tại 63 tỉnh, thành để cung cấp hiệu quả các dịch vụ tư vấn và hỗ trợ cho nạn nhân mua, bán người. Ngoài ra, Bộ LĐTBXH đã xây dựng Sổ tay về chuyển gửi và hỗ trợ tái hòa nhập cho nạn nhân mua, bán người và thí điểm triển khai sổ tay ở một số điểm nóng.


Tuy nhiên, ở một số địa phương, việc chuyển gửi các nạn nhân đến các dịch vụ hỗ trợ chưa được thực hiện một cách có hệ thống do một số cán bộ không hiểu rõ các loại hình tội phạm mua bán người, thiếu sự hợp tác liên ngành và quy trình thu thập dữ liệu chưa hoàn chỉnh. Ngân sách cho công tác bảo vệ nạn nhân và thực hiện các chương trình chống mua, bán người còn hạn hẹp nên các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân chủ yếu dựa vào các tổ chức xã hội dân sự.  Đội ngũ nhân viên của các trung tâm bảo trợ xã hội, nơi cung cấp dịch vụ cho nạn nhân mua, bán người không đồng đều, nguồn lực hạn chế và thiếu cán bộ xã hội được đào tạo phù hợp để hỗ trợ nạn nhân.


Tại Quảng Ninh, khi được giải cứu, tiếp nhận, hầu hết các nạn nhân đều khai là bị mua bán, nhưng thực tế, phần lớn trong số đó có sự đồng thuận, thậm chí thông đồng với các đối tượng để trốn sang Trung Quốc hành nghề mại dâm. Trung tá Nguyễn Xuân Khoa, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Quảng Ninh) cho biết: Quá trình điều tra cho thấy, rất nhiều nạn nhân trong các vụ mua bán người có tính chất trùng lặp, tức là vừa được giải cứu, sau một thời gian lại tiếp tục trốn sang Trung Quốc. Điều đó gây khó khăn cho công tác điều tra, tìm kiếm dấu vết của các đối tượng phạm tội.


Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người, công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn sơ hở, thiếu sót.


Hơn nữa, Quảng Ninh chỉ là nơi được các đối tượng lựa chọn làm địa bàn trung chuyển, do đặc thù có đường biên giới dài, nhiều đường mòn, lối mở. Thế nhưng, lực lượng chức năng làm nhiệm vụ quản lý biên giới còn mỏng; trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật thiếu và lạc hậu; công tác kiểm soát biên giới còn sơ hở... Hầu hết nạn nhân trong các vụ mua bán người không phải người Quảng Ninh. Trong khi đó, nhận thức của người dân ở các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, dễ bị lợi dụng trước những hứa hẹn của các đối tượng.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai phát tờ rơi phòng chống mua bán người cho bà con dân tộc thiểu số. Ảnh KT


Tại tỉnh Sơn La, sau 5 năm thực hiện Đề án 3 “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán” thuộc Chương trình Phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020, cũng vấp phải nhiều khó khăn. Cụ thể:


Một số nạn nhân khi bị mua bán ra nước ngoài làm gái mại dâm đã tìm cách trốn thoát, tự trở về với gia đình, nhưng do sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử, sợ bọn tội phạm trả thù… nên không dám viết đơn tố giác tội phạm. Họ né tránh và không muốn tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, gây khó khăn cho công tác điều tra xác minh, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân hoặc hướng họ vào các hoạt động trợ giúp, hòa nhập cộng đồng.


Mục tiêu huy động nguồn lực để nâng cấp và bổ sung trang thiết bị cho Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp để thực hiện công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân còn nhiều khó khăn. Việc tận dụng và bố trí khu nhà ở của các cháu mồ côi, khuyết tật để làm nơi ở cho các nạn nhân bị mua bán trở về đã gây ra những xáo trộn không nhỏ, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sự phát triển của các cháu mồ côi đang được nuôi dưỡng tại đây, đồng thời cũng gây những khó khăn trong công tác quản lý của Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh.


Cùng với đó, kinh phí chi cho công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân ở các cấp, các ngành còn rất hạn chế, không đủ để thực hiện. Quy định về hỗ trợ nạn nhân bị mua bán theo Nghị định số 09/2013/NĐCP ngày 11/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người mâu thuẫn với Luật Phòng, chống mua bán người... gây khó khăn không nhỏ cho đơn vị trực tiếp thực hiện hỗ trợ nạn nhân.


Ngoài ra, một khó khăn cho các cơ quan thực hiện công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân là Luật Phòng, chống mua bán người và Nghị định số 09/2013/NĐ-CP chưa có quy định hỗ trợ cho đối tượng người nước ngoài không bị mua bán trên lãnh thổ Việt Nam nhưng được trao trả qua lãnh thổ Việt Nam.


Trước những khó khăn, thách thức đó, trong thời gian tới, để hỗ trợ nạn nhân mua, bán người một cách hiệu quả, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các chính sách nhằm xác định và hỗ trợ nạn nhân trong các nhóm dễ bị tổn thương như: Lao động nhập cư, đối tượng hành nghề mại dâm và lao động trẻ em, đồng thời đào tạo các cán bộ có liên quan.


Khuyến nghị mở rộng đào tạo cho nhân viên công tác xã hội, những người ở tuyến đầu và các cán bộ ngành tư pháp về cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm, nhạy cảm với trẻ em và nhạy cảm về giới khi làm việc với nạn nhân của mua, bán người; đồng thời, tăng ngân sách cho các tỉnh để cung cấp dịch vụ cho các nạn nhân của mua, bán người tái hòa nhập…

Châu Anh/TC GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.