THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 05:51

Không để người có công sống dưới mức sàn an sinh xã hội

18/07/2019 | 14:42

Tại Hội nghị “Đề xuất giải pháp giảm nghèo cho hộ gia đình nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công” do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức mới đây tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng khẳng định: mục tiêu đến năm 2020 cả nước không còn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công. PV TC Gia đình & Trẻ em đã phỏng vấn Thứ trưởng Lê Tấn Dũng về giải pháp đạt mục tiêu này nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người có công thuộc hộ nghèo.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị “Đề xuất giải pháp giảm nghèo cho hộ gia đình nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công” 

Xin Thứ trưởng cho biết, nguyên nhân dẫn đến hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công?

Do đặc thù của từng vùng, từng địa phương, nguyên nhân dẫn đến hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công có nhiều nguyên nhân khác nhau, có cả nguyên nhân chủ quan (như hộ nghèo vẫn trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, lười lao động, không muốn đi làm ăn xa...) và nguyên nhân khách quan (do ốm đau, bệnh tật, ảnh hưởng của chất độc hóa học…), nhiều địa phương cũng đã đánh giá, phân loại nguyên nhân để ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ như Quảng Nam, Đồng Tháp… Nhưng hiện nay cũng còn nhiều tỉnh vẫn chưa thực sự có giải pháp căn cơ để giảm hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công. 

Để giảm thiểu hộ gia đình nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công với cách mạng, mục tiêu sắp tới được đề ra thế nào, thưa Thứ trưởng?

Tới nay có 10 tỉnh không còn hộ nghèo có thành viên người có công (Gia Lai, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Cà Mau, Hà Nội, Đồng Nai, Tây Ninh, TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương). Chứng tỏ các tỉnh/thành đó đã chủ động, tích cực, nỗ lực xây dựng được bằng chính sách đặc thù của địa phương, và thực hiện nhiều giải pháp tốt. Chúng ta cần phân loại hộ nghèo có thành viên người có công để có các giải pháp, chính sách hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng. Trong đó có những trường hợp bất khả kháng, ví dụ gia đình người có công tuổi cao, sức yếu không còn sức lao động thì như thế nào, hoặc những hộ nghèo có thành viên người có công thì tư liệu sản xuất, kế hoạch sản xuất, nguồn vốn cần hỗ trợ ra sao để phát triển kinh tế... Các ý kiến của hội thảo này rất thực tế, phong phú, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tổng hợp lại, và trình Chính phủ về những đề xuất chính sách cụ thể. Chúng ta sẽ phân ra những chính sách nào cần đề xuất trước mắt, những chính sách nào về lâu dài, bởi vì mục tiêu đến hết năm 2020 cả nước không còn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công. Làm thế nào để đời sống người có công phải bằng hoặc cao hơn nơi khu dân cư họ đang sinh sống, đó là mục tiêu mà chúng ta phải phấn đấu, là chỉ thị của Ban Bí thư rồi.



Thứ trưởng Lê Tấn Dũng trả lời 
 phỏng vấn bên lề hội nghị

Cần có sự vào cuộc của cả cộng đồng xã hội

Thưa Thứ trưởng, số hộ nghèo có thành viên người có công chiếm 1,27% tổng số hộ nghèo cả nước. Vậy các giải pháp chúng ta đưa ra liệu có khả thi không, khi thời gian còn rất ngắn?

Tôi nghĩ, tại hội nghị này, lắng nghe thực trạng của các địa phương, nắm bắt những nguyên nhân, và từ đó đề ra các giải pháp thích ứng thì mới giải quyết được. Sắp tới sẽ phân ra, giải pháp nào thuộc vĩ mô tức thì TƯ phải sửa đổi, còn giải pháp nào thuộc về trách nhiệm của địa phương thì các địa phương sẽ về củng cố và hoàn thiện lại để áp dụng. Chúng ta phải kết hợp cả TƯ, địa phương, và cả cộng đồng xã hội chứ không thể chỉ trông chờ vào các chính sách ban hành, vì chính sách ban hành có tính dài hạn hơn. Còn có những chính sách mang tính trước mắt thì các địa phương phải tập trung vào cuộc, và có sự vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền, mặt trận, và các  đoàn thể, và cộng đồng dân cư cùng vào cuộc.



Hỗ trợ cho hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công ở Quảng Nam

Giảm dần chính sách hỗ trợ cho không

Về nguồn lực hỗ trợ của chính sách nhà nước thì hiện nay chúng ta huy động thế nào, thưa Thứ trưởng?

Lâu nay nguồn lực hỗ trợ của chúng ta có nhiều nguồn, trong đó có nguồn ngân sách, ngân sách TƯ, ngân sách địa phương, nguồn vốn xã hội hoá, và một nguồn lực nữa là bản thân người có công với cách mạng, họ tích luỹ để dành cải thiện đời sống của mình. Các nguồn lực này hiện nay đánh giá thì cũng chưa thể đáp ứng được yêu cầu để thoát nghèo ngay đối với các hộ có thành viên người có công, bởi vì nguồn lực phải phù hợp với điều kiện phát triển của kinh tế đất nước. Nguồn lực sắp tới sẽ tính toán lại, theo hướng dần tiến tới đối với những đối tượng còn có điều kiện phát triển kinh tế thì chúng ta sẽ hỗ trợ bằng cách cho vay, giảm dần chính sách hỗ trợ cho không để tránh trường hợp đối tượng chưa nỗ lực vươn lên để thoát nghèo, vẫn còn trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực của chính sách nhà nước.

Nên có chính sách đặc thù

Hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo đang có sự chồng chéo, theo Thứ trưởng, nên lồng ghép thế nào để nâng cao hiệu quả, tránh chồng chéo?

Hiện nay chính sách giảm nghèo của chúng ta có rất nhiều, và nằm phân tán ở nhiều văn bản khác nhau, nên hiện Bộ LĐ-TB&XH đang được Chính phủ giao phải chủ trì, cùng với các thành viên của Ban Chỉ đạo TƯ các chương trình mục tiêu quốc gia, Văn phòng Quốc gia về Giảm nghèo,… tới đây sẽ phải tích hợp lại các chính sách này. Bởi hiện có chính sách hỗ trợ cho vay, có chính sách cho không, và nằm phân tán, nhỏ lẻ. Những nguồn lực phân tán thế này, cuối cùng cũng không giúp được nhiều cho người nghèo để họ vươn lên. Chúng ta cũng cần phân biệt đối tượng nghèo còn điều kiện có thể tăng gia sản xuất, còn điều kiện làm kinh tế vươn lên sẽ có chính sách hỗ trợ, còn những đối tượng bất khả kháng, không thể sản xuất làm kinh tế được thì nên có chính sách đặc thù để hỗ trợ cho họ.

Xin cảm ơn Thứ trưởng Lê Tấn Dũng.

Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi người có công với nhiều hình thức như: trợ cấp hàng tháng hoặc trợ cấp một lần, chế độ bảo hiểm y tế, ưu đãi giáo dục đào tạo, vay vốn sản xuất, hỗ trợ cải thiện nhà ở, tạo công ăn việc làm cho con em người có công… Nhiều gia đình chính sách, người có công luôn đi đầu trong trận tuyến chống lại đói nghèo, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Hồng Nga / TC Gia đình & Trẻ em

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.