THỨ HAI, NGÀY 06 THÁNG 05 NĂM 2024 07:09

Không thể dạy trẻ với một nửa lòng nhiệt tình…

16/03/2020 | 20:28
 
Tôi vui vui vì con mới lớp 2 mà có vẻ đã hiểu những câu nói có phần trừu tượng, triết lý.
 
Hôm khác đi học về con tôi lại kể: “Mẹ ơi, cô giáo nói cái câu hay hay hôm nọ ấy, hôm nay cô ấy viết câu đó lên giấy rồi dán lên cánh cửa lớp cô ấy đấy!” Trong mắt con tôi lộ rõ vẻ ngưỡng mộ cô giáo. “Cô ấy nói hay mẹ nhỉ!”
 
Một buổi chiều đón con, nhác thấy cô giáo mặc áo dài ở hành lang, con níu áo tôi, chỉ: Mẹ, cô giáo nói câu hay kia kìa! Hình như cô có loáng thoáng nghe thấy. Tôi mỉm cười với cô, còn con trai bẽn lẽn “em chào cô…”
 
Một hôm ngồi ngắm ban công, con hỏi: “Mẹ ơi, cây hoa nhài này không ra hoa được vì nó thiếu nắng phải không mẹ? Cái cành của nó cứ yếu ớt và dài thượt ra như cái dây leo, lá của nó thì xoăn hết cả lại nữa…”
 
“Đúng rồi con! Cây hoa nhài thiếu nắng đấy. Để mẹ gửi nó đến nhà nào có nắng nhiều hơn con ạ.”
 
Con hí hửng, “Đúng rồi mẹ, phải có nắng cây mới nở hoa được chứ! Cô giáo con nói điều ấy rồi…” Câu “cô giáo con” nghe thân thương đến lạ. Tôi thầm mừng vì con tôi hân hoan với trường học mới.
 
Đợt nghỉ Tết kéo dài bất đắc dĩ vì bệnh dịch lần này, trường con tôi tổ chức học online. Thỉnh thoảng “ghé qua” giờ học cùng con, tôi thêm hiểu thế nào là “lòng nhiệt tình” của thầy cô, điều mà đôi khi một phụ huynh không thể hình dung hết được, thậm chí nếu không thiện cảm với thầy cô, phụ huynh có thể nghĩ thầy cô ăn lương nhà trường nên phải làm việc.


Cô giáo như mẹ hiền. Ảnh minh họa KT
 
Hãy thử hình dung một lớp học online có một cô giáo nhưng có đến 30 học sinh (lớp học thường ngày ở trường cũng thế). Các em nhìn thấy nhau và nhìn thấy cô giáo trên màn hình máy vi tính hoặc Ipad. Các em “buôn bán” đủ thứ chuyện như khi chơi với nhau trên lớp, đôi khi các em cãi nhau om sòm, huyên náo. Vài buổi đầu các em học hành có vẻ khá suôn sẻ, vì được sử dụng máy vi tính, Ipad để thử nghiệm cách học mới, vì nghỉ học đã lâu, giờ nhìn thấy bạn bè, thầy cô thì háo hức. Nhưng rồi một số em nào đó đã nhanh chóng phát hiện ra cái trò click bạn mình ra khỏi nhóm học. Trong khi phần mềm học online trên googlemeet này lại không cho phép cô giáo hay bạn nào đó có thể biết được ai là người “kích” ai ra, thành thử cô giáo không bắt lỗi học sinh được. Cô chỉ có thể nhắc nhở rằng các con không được “kích” bạn ra, các con nghiêm túc hơn để chúng ta có giờ học hiệu quả. Nhiều bạn cáu nhặng lên, có bạn kêu trời: Này trời ơi! Cậu đã làm được cái trò trống gì cho cái thế giới này mà cậu cứ kích tớ ra thế hả? Tớ sẽ xử cậu khi đến trường đấy! Bạn này chắc có nghi ngờ ai đó kích mình…
 
Con trai tôi cũng bị “kích” nhiều lần. Vốn cũng thích học, cu cậu đỏ mặt tía tai tức giận mỗi lần bị kích. Tôi đành phải gọi cho cô giáo. Tôi góp ý rằng cô phải nghiêm hơn, phải đề ra hình phạt nếu trò “kích” nhau ra khỏi lớp học vẫn tiếp diễn. Tôi bày cho cô rằng, kinh nghiệm của tôi, học sinh lớp 2 còn ngây thơ lắm, tôi có dọa con tôi rằng, cái App của trường có chức năng theo dõi học sinh đấy. Ở nhà con làm gì, ngoan hay hư, ngay cả chú bảo vệ nhà trường cũng biết hết và trích xuất hình ảnh ra đấy! Con tôi tin sái cổ, có vẻ dè dặt nghịch ngợm hơn vì sợ bị theo dõi. Tôi nói sao cô không dọa các bạn ấy, rằng nhà trường biết hết bạn nào “kích” nhau ra, và trường sẽ tổng kết lại khi các con đi học trở lại, và sẽ có hình phạt cho bạn nào làm việc đó. Cô nhẹ nhàng nói: “Vâng, em xin tiếp thu ý kiến và em sẽ chấn chỉnh các bạn”.
 
Buổi học tiếp theo, cô soạn ra các quy tắc của lớp học. Cô mời một bạn, cứ mở đầu giờ học thì đọc to quy tắc cho cả lớp nghe. Rất nhẹ nhàng và rõ ràng, cụ thể. Nhưng tôi không thấy có chút dọa nạt nào ở đây cả. Mà không chỉ mình cô là cô giáo chủ nhiệm, đến cô tiếng Anh (giờ tiếng Anh là giờ các bạn “kích” nhau nhiều nhất), tôi vẫn thấy cô chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở về nội quy lớp học. Quả nhiên, nhắc nhiều sẽ thấm, vài sau buổi đó, không còn thấy các con “kích” nhau ra nữa, lớp học nghiêm túc, hiệu quả hơn hẳn.


Niềm vui đến trường. Ảnh minh họa KT
 

 Học online cùng con, tôi nhận ra được một điều, sự kiên nhẫn, thậm chí là nhẫn nại ở cha mẹ với các con, ít hơn ở thầy cô rất nhiều. Tôi, chỉ cần con mất tập trung chú ý, con không trả lời được một câu mà tôi cho là rất dễ, tôi đã nổi nóng mắng con, thậm chí còn tét luôn vào bàn tay con nếu trong tay con đang cầm một món đồ chơi nhỏ nào đó trong lúc học. Tôi đã quên mất một điều, con mới đang là lớp 2, con đang học để biết viết câu, biết làm phép tính. Đầu óc con đâu phải đã là đầu óc của cha mẹ… Vậy mà nhiều lúc vì những chuyện chẳng đâu vào đâu, tôi cũng mắng con té tát, chì chiết con như thể con đã trưởng thành để tôi đòi hỏi con phải biết, phải hiểu như một người lớn!?

 
Trong khi đó, tôi chứng kiến cô giáo của con phải giảng đi giảng lại đến 10 phút cho một bạn học sinh bài toán: có 8 học sinh, mỗi bạn mượn 5 quyển sách của thư viện, hỏi 8 bạn mượn được bao nhiêu quyển sách? Tôi nhận ra sự kiên nhẫn, lòng nhiệt tình đến vô hạn khi cô giảng mãi mà bạn học sinh ấy vẫn lơ ngơ không hiểu bài, trong khi các bạn khác đều hiểu, đều làm đúng đáp án. Cô vẫn không cáu một chút nào.
 
Nhiều lúc cáu giận với con chỉ vì con nghịch quá, bày biện đồ chơi nhiều quá, tôi thiếu kiên nhẫn đến mức tét vào mông con một cái, quát một vài câu. Nhớ câu chuyện anh bạn tôi chia sẻ, rằng bạn ấy cũng hay đánh con, “không đánh thì nó ngoan làm sao được!” Nhưng hôm họp phụ huynh 1 – 1 (cô họp riêng với từng phụ huynh) vừa rồi, cô giáo có nhắc nếu phụ huynh đánh con ở nhà mà con đến lớp thưa với cô, thì nhà trường sẽ mời phụ huynh đến để nói chuyện về phương pháp dạy con. Bạn tôi thở dài, “nhà trường thế này thì mình dạy con mình làm sao được!” Tôi nói với anh bạn, chúng ta phải thay đổi đi, nhiều khi bố mẹ có lỗi đấy, mình hay dọa nạt, nói dối con vì mình thiếu phương pháp và đánh con vì thiếu kiên nhẫn! 
 
Quả thật, học online cùng con trong cái mùa nghỉ dịch này, tôi cũng vỡ ra nhiều điều. Tôi hiểu hơn vì sao con tôi thích đi học và yêu trường lớp, yêu thầy cô đến thế. Thấy thật yêu câu chuyện con kể: Cô giáo ấy bảo không thể dạy trẻ em với một nửa lòng nhiệt tình!
 

Trang Thanh/GĐTE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...