CHỦ NHẬT, NGÀY 05 THÁNG 05 NĂM 2024 01:43

Kiến thức phòng, chống đuối nước là nội dung thiết yếu trẻ em cần phải học

27/07/2020 | 15:34

Bà Vũ Thị Kim Hoa – Phó Cục trưởng Cục Trẻ em


Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, bà Vũ Thị Kim Hoa – Phó Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, để giảm thiểu tai nạn đuối nước, những năm qua, Bộ LĐTBXH, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phối hợp chỉ đạo các tỉnh, thành trong cả nước tùy theo điều kiện thực tiễn của đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em trên địa bàn. Kết quả triển khai, tỷ lệ trẻ em học bơi và biết bơi tăng nhanh từ dưới 30% trong năm 2016 lên khoảng 35% trong năm 2018 đã góp phần làm giảm rõ rệt tình trạng đuối nước trẻ em. Tuy nhiên, thực trạng đuối nước hiện nay vẫn còn nhiều, đặc biệt trẻ em biết bơi giỏi vẫn đuối nước. Tình trạng đuối nước tập thể rất thương tâm vẫn xảy ra trong dịp tết và dịp hè.

Năm 2018, Quỹ từ thiện Bloomberg hỗ trợ Việt Nam thực hiện Dự án phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam, từ đó đến nay, Bộ LĐTBXH phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ VHTTDL, các bộ ngành và tổ chức quốc tế triển khai Dự án rất hiệu quả. Chỉ tính riêng năm 2019, gần 9.000 trẻ được dạy bơi an toàn và gần 18.000 trẻ em được dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Ba can thiệp chính để giảm các yếu tố rủi ro, tăng cường bảo vệ an toàn cho trẻ em của Dự án bao gồm: dạy bơi an toàn, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước, tăng cường giám sát trẻ em tại gia đình và nhà trường. Trong đó, hợp phần rất quan trọng là dạy bơi an toàn, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Bà Vũ Kim Hoa cho biết thêm, năm 2020 – 2021, ngoài 8 tỉnh đã triển khai, Dự án sẽ mở rộng ra thêm 4 tỉnh nữa là Nam Định, Hà Nội, Nghệ An, Long An. Bà Hoa cho rằng, việc triển khai lớp tập huấn dành cho huấn luyện viên bơi là rất cần thiết, để ngay sau đó sẽ triển cho trẻ em tại địa phương, đặc biệt là trẻ em ở miền Bắc vì đến tháng 10 khí hậu trở lạnh, trẻ sẽ không học bơi được.

Bà Đoàn Thu Huyền, giám đốc quốc gia Quỹ từ thiện Bloomberg và Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI)


Bà Đoàn Thu Huyền, giám đốc quốc gia Quỹ từ thiện Bloomberg và Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI) chia sẻ, mặc dù tình hình Covid - 19 ảnh hưởng đến toàn thế giới, nhưng vấn đề đuối nước ở trẻ em không bao giờ dừng lại. Chỉ trong tháng 2 (tháng các em nghỉ học phòng chống dịch Covid, có 30 em đã tử vong do đuối nước). Mỗi ngày ở Việt Nam vẫn có trên 7 trẻ bị tử vong do đuối nước. “Đây là vấn đề vô cùng đau xót. Chúng tôi mong muốn dậy cho hàng ngàn trẻ em ở Việt Nam được học bơi an toàn, phòng chống đuối nước. Những nỗ lực của chúng tôi có thể thực hiện được hay không còn cần sự phối hợp của các ban ngành trung ương và của tất cả các hướng dẫn viên các thầy giáo. Sau lớp tập huấn này, các anh chị trở về địa phương sẽ dành thời gian để tham gia chương trình dạy trẻ em các kỹ năng an toàn để các con có thể sống sót khi bị đuối nước”, bà Huyền nói.

Tại lớp tập huấn, các học viên sẽ được nghe giảng viên từ các trường đại học, tổ chức quốc tế chia sẻ kiến thức cơ bản, kĩ năng an toàn, phòng chống đuối nước cũng như những thuận lợi, khó khăn khi triển khai cho trẻ em.


Ban tổ chức và các học viên tham gia lớp tập huấn.


Thống kê cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ trẻ em tử vong do đuối nước đứng hàng đầu thế giới, cao hơn các nước khác trong khu vực và cao gấp 10 lần các nước phát triển. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do thiếu sự quản lý, giám sát của của lớn với trẻ em khi sống trong môi trường không an toàn; do thiên tai bão lũ; do trẻ em chưa được thực hiện đúng các quy định khi tham gia giao thông đường thủy; do trẻ chưa biết bơi và thiếu kiến thức, kĩ năng phòng, chống đuối nước. Theo khảo sát, chỉ có 30% trẻ em từ 6-14 tuổi biết bơi, trên 50% trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ tắm ở ao, hồ, sông, suối và tắm biển không có người lớn đi kèm. Việc dạy bơi tại một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn do thiếu đội ngũ giáo viên dạy bơi, thiếu bể bơi, nhất là các địa phương nghèo, vùng sâu vùng xa.

Để đạt được mục tiêu, yêu cầu của Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho trẻ em, việc dạy bơi cũng như tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả trẻ em học bơi cần dựa trên kết quả kiểm tra kĩ năng bơi, kĩ năng nổi ngửa, đứng nước, kĩ năng tự cứu, kĩ năng thoát hiểm, kĩ năng cứu đuối an toàn và kiến thức phòng chống đuối nước.


Thực hành phương pháp cứu đuối gián tiếp trên bờ


Ông Lê Đức Long - phó trưởng bộ môn bơi lặn trường ĐH Thể dục thể thao Từ Sơn (Bắc Ninh) giảng viên lớp tập huấn nhấn mạnh: Kiến thức phòng chống đuối nước là nội dung thiết yếu khi mỗi trẻ em bắt đầu học bơi cần phải học. Nắm vững kiến thức về phòng chống đuối nước khiến các em hiểu biết về tác dụng, lợi ích của việc học bơi, nguyên nhân đuối nước, những nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, nguyên tắc an toàn khi đi bơi, cách phòng ngừa, cách cứu đuối đúng cách… Ngay cả những trẻ chưa biết bơi, nếu nắm vững kiến thức phòng chống đuối nước thì phần nào biết phòng ngừa đuối nước. Ngoài ra, việc nắm vững kiến thức phòng chống đuối nước còn giúp các em trở thành những tuyên truyền viên tích cực phổ biến, tuyên truyền kiến thức phòng chống đuối nước cho bạn bè, người thân trong gia đình để cùng nhau phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng đuối nước.

Tùy từng đối tượng, lứa tuổi và khả năng nhận thức của trẻ em, hướng dẫn viên sẽ chọn phương pháp phù hợp, ngắn gọn, dễ hiểu và gần gũi nhất với tình huống thực tế diễn ra hàng ngày và sát thực với những bài tập thực hành ngay sau đó, vừa giúp các em nắm vững kiến thức, vừa kết hợp giữa lý thuyết và thực hành để buổi học hiệu quả.
 

Thảo Vân/ GĐTE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...