CHỦ NHẬT, NGÀY 05 THÁNG 05 NĂM 2024 06:19

Kon Tum: Nỗ lực giảm nghèo bền vững

22/02/2019 | 17:30
 
Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 17,45%
 
Theo báo cáo của Sở LĐTBXH tỉnh Kon Tum, sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 23,03% (năm 2016) xuống còn 20,3% (cuối năm 2017) và 17,45% vào cuối năm 2018, tương đương với trên 15.500 hộ đã thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều. Trong đó, tỉ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số đã giảm từ gần 47% xuống còn trên 32% vào cuối năm 2018 (bình quân giảm 5,1%/năm).
 
Một kết quả đáng mừng là sự thay đổi nhận thức trong đồng bào dân tộc thiểu số. Từ chỗ không dám vay vốn, đến nay đồng bào đã mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, tạo nên sự đổi thay về diện mạo trong từng khu dân cư, đời sống văn hóa tinh thần của người dân khu vực khó khăn từng bước được nâng cao. Công tác y tế, giáo dục cũng có nhiều khởi sắc (gần 76% xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về Y tế), 86% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới...
 

Tỉnh đã vận động các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp hỗ trợ cho các huyện nghèo, xã nghèo một cách hiệu quả. Ảnh: Đức Huy
 
Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ
 
Để đạt được kết quả nêu trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp chính quyền và ngành chức năng triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về giảm nghèo; thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình; phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách địa bàn và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân…
 
Kom Tum đã thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất đối với hộ nghèo và gia đình chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận các nguồn vốn, nhất là hỗ trợ hộ có người khuyết tật, chủ hộ là phụ nữ có nguồn vốn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo... Các ban, ngành trong tỉnh còn phối hợp tập trung huy động các nguồn lực trong cộng đồng kết hợp với nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo, quỹ góp vốn xoay vòng của các đoàn thể thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các dự án liên quan đến công tác giảm nghèo; đồng thời, nắm chắc số hộ nghèo và nhu cầu cần vốn, nhu cầu việc làm của hộ nghèo để xây dựng các giải pháp sát với điều kiện thực tế, tạo điều kiện cho hộ dân được tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ hộ nghèo trên địa bàn, đảm bảo 100% hộ nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. Giai đoạn 2016 -  2018, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác giải ngân vốn tín dụng cho 37.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn ưu đãi với trên 1.920 tỷ đồng để phát triển sản xuất, chăn nuôi, xây dựng nhà ở, giải quyết việc làm.
 

Trong 3 năm qua, tỉnh đã vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà ở cho 729 hộ nghèo. Ảnh: Hữu Hải
 
Tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các huyện, xã nghèo, khó khăn, góp phần đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn. Giai đoạn 2016 - 2018, tỉnh đã đầu tư trên 690 tỷ đồng để phát triển tại các huyện, xã, thôn đặc biệt khó khăn. Theo đó, có trên 300 công trình hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng, hàng trăm công trình được duy tu bảo quản; gần 20.500 lượt hộ dân được hỗ trợ phát triển cây trồng, vật nuôi, được đào tạo nghề và tham gia xuất khẩu lao động.
 
Bên cạnh đó, tỉnh còn quan tâm đến việc hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, hướng dẫn hộ nghèo làm ăn theo hướng chuyển dịch cơ cấu ngành nghề có hiệu quả, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh để tăng giá trị trên một đơn vị diện tích; tập trung triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn và ưu tiên lao động có hoàn cảnh khó khăn, miễn giảm học phí cho con các hộ nghèo; gắn dạy nghề với tạo việc làm và có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức dạy nghề kèm theo hình thức vừa học vừa làm cho người nghèo, quan tâm tạo việc làm cho lao động vào các khu, cụm công nghiệp, làng nghề; đồng thời tập trung hỗ trợ đất sản xuất và nhà ở cho những hộ thực sự khó khăn. Trong 3 năm qua, toàn tỉnh đã có hơn 1.600 hộ nghèo được hỗ trợ kinh phí 43,6 tỷ đồng để làm nhà ở; trong đó, có gần 900 hộ được hỗ trợ làm nhà ở theo Quyết định 33/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với tổng kinh phí trên 22 tỷ đồng; Ban Vận động Quỹ "Vì người nghèo" tỉnh hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà ở cho 729 hộ nghèo với kinh phí thực hiện gần 21,5 tỷ đồng.
 
Để phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Kon Tum cần tiếp tục đa dạng nguồn lực để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; huy động nội lực nhân dân để đầu tư phát triển sản xuất; vận động các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp hỗ trợ cho các huyện nghèo, xã nghèo; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách xã hội tại các huyện, thành phố, các xã, thị trấn; làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức gắn với đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua "chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau" nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn.
 

 

Dương Anh/GĐTE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.